Lưu ý về kiến thức
Theo ThS. Ngữ văn Phạm Phương Chi, giáo viên Trường THCS Cát Linh (Đống Đa - Hà Nội), kinh nghiệm cho thấy, bên cạnh việc ôn tập kĩ các văn bản trong chương trình Ngữ văn lớp 9, nhiều học sinh giành điểm khá giỏi môn Văn nhờ tích lũy kiến thức đời sống và vận dụng tốt các kĩ năng tạo lập văn bản.
Phần kiến thức yêu cầu của bài thi vào lớp 10 chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9, có thể có những nội dung liên hệ, so sánh, đối chiếu với các tác phẩm cùng đề tài, chủ đề, giai đoạn,… trong các năm học trước.
Trong những ngày ôn thi nước rút, lưu ý đầu tiên là học sinh hãy đọc lại, đọc sâu từng văn bản văn học. Vừa đọc, các em vừa dùng bút nhấn dòng tô đậm các chi tiết đặc sắc để ghi nhớ dẫn chứng phục vụ cho việc phân tích. Một trong số những cách học hiệu quả là sử dụng hệ thống sơ đồ tư duy bài học để khắc sâu kiến thức.
Đối với các tác phẩm truyện, các em cần đọc kĩ nội dung chi tiết để nhớ được hệ thống nhân vật, tình huống truyện, nội dung ý nghĩa của tác phẩm, những nghệ thuật nổi bật (miêu tả ngoại hình, miêu tả diễn biến tâm lí, giọng điệu, ngôn ngữ độc thoại nội tâm,…). Việc gặp lại, “ngắm nhìn” từng nhân vật, từ đó sẽ nảy sinh cảm xúc để nội dung bài viết được sâu sác hơn.
Đối với thơ, cần đọc / học thuộc, xác định được mạch cảm xúc, những biện pháp tu từ nổi bật, tình cảm, tư tưởng của tác giả thể hiện qua bài thơ.
Việc đọc sâu cũng giúp các em có thể lắng lại để tạo những liên tưởng về lẽ sống, tư tưởng, tạo được chiều sâu khi viết nghị luận xã hội.
Để viết tốt đoạn văn, thí sinh không thể quên những phần kiến thức về tiếng Việt gồm từ vựng, ngữ pháp, liên kết câu, cách trình bày đoạn văn, phong cách ngôn ngữ và phương thức biểu đạt... Muốn phân tích tác phẩm văn học, thí sinh cần hiểu giá trị tu từ, chi tiết, hình ảnh; nghĩa hàm ngôn và tường minh của từ ngữ cùng với các biện pháp nghệ thuật... Bí quyết để viết phần nghị luận văn học đạt điểm cao chính là việc học trò làm thành thạo các bước tìm hiểu - phân tích đề, tìm ý, lập dàn ý, viết bài và đọc lại rồi hoàn thiện.
Cô Phương Chi lưu ý, khi đọc một câu thơ hay một phần đoạn trích của tác phẩm truyện, các em hãysuy ngẫm xem mình hiểu chi tiết, hình ảnh này thế nào; câu chữ viết về ai, về việc gì và có cách hiểu nào khác nữa; nhân vật này được miêu tả ra sao; những suy nghĩ và hành động ấy giúp em hiểu gì về tâm hồn và tình cảm của nhân vật.
Các em hãy viết thành câu, thành đoạn văn những điều mình hiểu. Khi viết cần chú ý chọn lựa từ dùng; chính tả chuẩn xác; sử dụng các dấu câu, dấu phẩy. Không viết cẩu thả và nên đọc lại để chỉnh sửa hoàn thiện.
Xóa bỏ mặc cảm "không biết, không hiểu, không viết được" bằng việc đọc tài liệu và viết từng câu, từng đoạn. Đọc và tập viết bài thường xuyên sẽ giúp các em tự tin vào suy nghĩ và hiểu biết, đánh giá của mình về vấn đề đặt ra trong đề bài.
Tự luyện kỹ năng làm bài
Cô Phương Chi lưu ý học sinh nên tham khảo các đề thi những năm gần đây để nắm bắt xu hướng ra đề, tránh ôn lan man.
Kĩ năng tìm hiểu đề: Các em cần xác định những câu, từ ngữ chứa yêu cầu về nội dung và cách thức làm bài (trả lời cho câu hỏi: Đề yêu cầu làm gì và làm bằng cách nào?). Trong kĩ năng tìm hiểu đề, quan trọng nhất chính là phần tìm hiểu đề viết đoạn.
Trước khi viết, các em cần xác định yêu cầu kiểu đoạn (đoạn tổng phân hợp hay diễn dịch, quy nạp), viết câu chủ đề đoạn theo yêu cầu, xác định mục tiêu về nội dung (đề giải quyết đề bài đó, cần có những ý gì và sắp xếp như thế nào?). Nên lập dàn ý chi tiết đến từng dẫn chứng, dẫn chứng phải tiêu biểu, chọn lọc sao cho sát nhất với vấn đề nghị luận. Dẫn chứng chỉ được tính điểm khi các em kết hợp tái hiện và phân tích, đánh giá, ví dụ: chi tiết này chứng tỏ tính cách nào ở nhân vật… Từ đó các em có thể tìm được những lời văn bình luận cho phù hợp.
Phần nghị luận xã hội, các em không nên “ôn tủ”, tuy nhiên nên lưu ý ôn để giải quyết thuần thục được những vấn đề cơ bản về tư tưởng đạo lí (như tình yêu thương, sự sẻ chia, lòng yêu nước, lòng biết ơn,…), về hiện tượng đời sống (như bạo lực học đường, sử dụng mạng xã hội, chọn cách thần tượng, sự vô cảm,…)
Các em hãy dành sự quan tâm tới những vấn đề liên quan trực tiếp, thiết thân với lứa tuổi của mình. Đó có thể là vai trò của những nguyên tố dẫn tới thành công (ý chí, nghị lực, sự chăm chỉ, sáng tạo, kiên trì, khiêm tốn,…), ý thức trách nhiệm của công dân, ý nghĩa của lí tưởng sống, vai trò của ước mơ, mối quan hệ giữa cái “tôi” với cộng đồng, trách nhiệm với tài nguyên, môi trường,… Nhất là khi gắn những vấn đề đó với một tình thế cụ thể của dân tộc (cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cuộc chiến chống Covid-19,…), thì vấn đề sẽ thu hẹp phạm vi và các em cần bàn luận tập trung hơn.
Các em cũng nên lưu ý dạng đề mở, đặt ra câu hỏi để thí sinh nêu quan điểm cá nhân.
Với nghị luận xã hội, các em nên chọn dẫn chứng nổi bật, cụ thể và xác thực, có tính thời sự “nóng hổi”.
Những điều cần lưu ý khi làm bài thi
Bên cạnh việc nhắc nhở học trò luôn bình tĩnh và tự tin vào hiểu biết của mình, cô Phương Chi “bật mí”: Thầy cô chấm thi rất thiện cảm với những bài có chữ viết rõ ràng, trình bày mạch lạc. Hướng dẫn chấm mở sẽ khuyến khích thí sinh thể hiện hiểu biết và vốn ngôn ngữ khi tự luận.
Phân chia hợp lí thời gian làm bài thi cũng là một bí quyết giúp học trò có thể chinh phục kì thi vào lớp 10 THPT với số điểm như mong đợi.
5 bước để có bài thi Văn hoàn hảo
Bước 1: Đọc kỹ để hiểu đúng đề bài. Câu dễ làm trước. Không vội vàng, cẩu thả phần tiếng Việt.
Bước 2: Lập dàn ý sơ lược, xác định các nội dung chính trong bài nghị luận văn học.
Bước 3: Tự hỏi và trả lời các nội dung xoay quanh vấn đề được yêu cầu: Ai, cái gì, vấn đề gì? Hiểu thế nào? Có cách hiểu khác không? Tại sao?
Bước 4: Viết bài, viết đoạn, thận trọng chọn từ, viết câu, chính tả. Chú ý đến dung lượng của đoạn văn và các yêu cầu tiếng Việt có trong đề bài.
Bước 5: Hoàn thiện bài và nộp bài.
Chúc các sĩ tử sẽ bước vào kì thi với tâm thế tốt nhất và kết quả cao nhất!