“Ôn thi vào lớp 10: Chắc kiến thức - Chuẩn kỹ năng”

Các khách mời tham gia giao lưu trực tuyến sẽ trao đổi, giải đáp những thông tin hữu ích về các quy định tuyển sinh vào lớp 10 tới phụ huynh, học sinh. Giao lưu diễn ra tại Báo Giáo dục và Thời đại từ 14h đến 15h30 ngày 15/4.

“Ôn thi vào lớp 10: Chắc kiến thức - Chuẩn kỹ năng”

Chương trình có sự tham gia của các khách mời:

- TS Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, Hà Nội;

- Cô Lưu Thị Hà Phương, Hiệu trưởng Trường THCS Đoàn Thị Điểm, Quận 3, TPHCM;

- Cô Phạm Thị Ngọc Thúy, Trưởng bộ môn Lịch sử, Trường THCS Chu Văn An, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT là một trong những kỳ “vượt vũ môn” quan trọng với học sinh. Năm nay nhiều địa phương đã có những điều chỉnh về công tác tổ chức tuyển sinh. Trong đó, nhiều thành phố lớn, như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội có những điều chỉnh về mặt kỹ thuật.

Nếu như trước đây, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tính môn Toán và Ngữ văn là hệ số 2, ngoại ngữ hệ số 1 còn năm nay, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh sẽ tính cả 3 môn này đều hệ số 1. Đây là sự thay đổi, định hướng quan trọng để phát triển ngoại ngữ.

Năm nay, Hà Nội vẫn giữ nguyên thi 4 môn, đồng thời ban hành quy định mới: HS có hộ khẩu ở khu vực nào sẽ phải đăng ký nguyện vọng 1, NV2 ở khu vực đó…

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều địa phương vẫn giữ phương án thi 3 môn: Văn, Toán, Ngoại ngữ.

Dù thi 3 hay 4 môn, phương thức tính điểm thay đổi thế nào thì điều quan trọng nhất vẫn là làm sao để giành được tấm vé vào học trong trường THPT theo nguyện vọng.

Ngay từ bây giờ, bạn đọc quan tâm đến vấn đề này, có thể gửi câu hỏi tới các khách mời theo form dưới đây, hoặc gửi qua email của Báo Giáo dục và Thời đại: gdtddientu@gmail.com, hoặc tương tác qua facebook của Báo www.fb.com/giaoducthoidai.

“Ôn thi vào lớp 10: Chắc kiến thức - Chuẩn kỹ năng” ảnh 1
Cô Phạm Thị Ngọc Thúy

Cô Phạm Thị Ngọc Thúy

Trưởng bộ môn Lịch sử, Trường THCS Chu Văn An, quận Tây Hồ, Hà Nội

TS Nguyễn Bội Quỳnh

TS Nguyễn Bội Quỳnh

Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, Hà Nội

Cô Lưu Thị Hà Phương

Cô Lưu Thị Hà Phương

Hiệu trưởng Trường THCS Đoàn Thị Điểm, Quận 3, TPHCM

Bạn đọc

Bạn tranphong88@...:

Ở thời điểm này, nhiều học sinh lo lắng nên chỉ tập trung vào 4 môn thi và bỏ qua các môn còn lại. Theo cô, học sinh nên phân bổ thời gian ôn tập như thế nào cho hiệu quả ạ?
TS Nguyễn Bội Quỳnh

TS Nguyễn Bội Quỳnh

Cô và trò trường THPT Việt Đức
Cô và trò trường THPT Việt Đức 

 

Ngoài việc tập trung nhiều thời gian cho 4 môn thi, các em nên có sự phân bố thời gian hợp lý để học các môn còn lại, chú ý theo dõi bài giảng của giáo viên trên lớp để kiến thức không bị rơi rụng và mai một.

Bạn đọc

Bạn tuyetmai…gmail.com:

Theo cô, học sinh thường mắc sai lầm gì trong quá trình ôn thi và làm bài thi vào lớp 10?
TS Nguyễn Bội Quỳnh

TS Nguyễn Bội Quỳnh

Trong quá trình ôn thi và làm bài thi vào lớp 10, thí sinh thường mắc một số lỗi như: Không cẩn thận đọc kỹ đầu bài; vội vàng trong tính toán; chưa chủ động phân bố thời gian khi làm bài; làm theo thứ tự từ trên xuống dưới mà không chọn lọc câu dễ làm trước, câu khó làm sau; chưa nắm chắc ngữ liệu và tư liệu với các môn xã hội (Ngữ văn, Lịch sử)…

Bạn đọc

Bạn huyentran….gmail.com:

Cô cho em hỏi, Trường THPT Việt Đức có lớp chuyên không ạ? Em muốn đăng ký xét tuyển vào trường mình mà đang phân vân. Mong cô cho em lời khuyên?
TS Nguyễn Bội Quỳnh

TS Nguyễn Bội Quỳnh

Học sinh trường THPT Việt Đức, Hà Nội
Học sinh trường THPT Việt Đức, Hà Nội

 

Trường THPT Việt Đức không có lớp chuyên. Trường nằm trong hệ thống các trường công lập tuyển sinh theo hình thức thi tuyển.

Bạn đọc

Bạn huyentrang8…gmail.com:

Con tôi đang học lớp 9. Nghe nói tuyển sinh vào lớp 10 năm nay có nhiều điểm mới, trong đó thí sinh có tối đa đến 15 nguyện vọng. Vậy cụ thể như thế nào, mong cô giải thích giúp?
TS Nguyễn Bội Quỳnh

TS Nguyễn Bội Quỳnh

Theo quy định, thí sinh thi vào lớp 10 các trường THPT công lập có tối đa 3 nguyện vọng. ngoài ra, các em có thể đăng ký dự thi các trường THPT chuyên và đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường dân lập.

Bạn đọc

Bạn tuanquang...@gmail.com:

Bây giờ đang là giai đoạn “tăng tốc” của kỳ thi vào lớp 10. Cô chia sẻ giúp em bí quyết học tập trong giai đoạn này với ạ?
TS Nguyễn Bội Quỳnh

TS Nguyễn Bội Quỳnh

Theo cô, các em cần lưu ý:

- Biết cách tư duy các bài giảng của thầy, cô trên lớp.

- Chăm chỉ làm bài tập, ôn luyện các dạng đề thi theo hướng dẫn của nhà trường.

- Học đến đâu, chắc đến đấy, sẵn sàng chia sẻ với bạn bè, thầy cô, những nội dung bài học mà mình chưa nắm chắc.

- Thời điểm này, ngoài việc học tập, các em hãy tự tạo cho mình khoảng thời gian thư giãn để đảm bảo sức khỏe tốt trước khi bước vào kỳ thi.

Bạn đọc

Bạn thimuoi102@...:

Bố em cứ muốn em thi vào lớp 10 của một trường công lập, nhưng em thích học trường dân lập để không bị áp lực thi cử và học tập sau này. Cô cho em lời khuyên với ạ?
TS Nguyễn Bội Quỳnh

TS Nguyễn Bội Quỳnh

Dù em có chọn trường THPT dân lập nhưng không thể tránh được áp lực thi cử và học tập sau này, bởi vì học ở mô hình trường nào cũng phải trải qua các kỳ kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ. Chính vì vậy, em hãy cân nhắc lựa chọn trường THPT phù hợp với năng lực học tập của mình (kể cả trường công lập hay dân lập).

Bạn đọc

Bạn Hà Thu – quận Tân Bình – TP.HCM:

Năm nay môn tiếng Anh được điều chỉnh hệ số tính điểm ngang với các môn thi còn lại trong kỳ thi vào lớp 10. Điều này thuận lợi và khó khăn gì đối với học sinh không, thưa cô?
Cô Lưu Thị Hà Phương

Cô Lưu Thị Hà Phương

Như cô đã chia sẻ, việc thay đổi về thời gian thi của môn Tiếng Anh từ 60 lên 90 phút và cách tính điểm hệ số 1 cả ba môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh không có ảnh hưởng gì đến kế hoạch dạy, học và định hướng ôn tập cho học sinh lớp 9.

Tuy nhiên, đối với một số học sinh do vẫn có chủ quan, lơ là với bộ môn tiếng Anh (chủ yếu tập trung Toán, Ngữ văn vì đây là 2 môn thi những năm trước đều được tính hệ số 2) thì việc thay đổi sẽ làm cho các em gặp một chút khó khăn trong ôn tập. Vì thế, các em này cần phải dành nhiều thời gian hơn để củng cố kiến thức đã học và làm quen với dạng đề minh hoạ với bộ môn này. 

Chính vì vậy, cô xin nhấn mạnh, các em phải học tập đều cả 3 môn, không có tư tưởng dùng môn này để kéo điểm cho môn khác ở kỳ thi tuyển sinh 10. 

Theo cô, với những thay đổi trong cách tính điểm môn Tiếng Anh (hệ số 1 giống như Toán, Ngữ văn), điều này cho thấy vị thế của môn học này đã được nâng tầm, đáp ứng yêu cầu đổi mới, phù hợp xu thế hiện nay.

Bạn đọc

Bạn huyquoc...@gmail:

Thưa cô, không biết đề thi năm nay thế nào, em hoang mang quá?
TS Nguyễn Bội Quỳnh

TS Nguyễn Bội Quỳnh

Các khách mời trả lời câu hỏi của độc giả báo GD&TĐ tại điểm cầu Hà Nội
Các khách mời trả lời câu hỏi của độc giả báo GD&TĐ tại điểm cầu Hà Nội

 

Nội dung và định hướng ôn tập thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội đã được các thầy, cô nắm rõ theo hướng dẫn chuyên môn của Sở GD&ĐT Hà Nội. Cấu trúc đề thi cũng được phổ biến để các nhà trường nắm được và sẽ giống như những năm trước. Các em cứ bình tĩnh, nắm chắc kiến thức, ôn tập cẩn thận để tự tin bước vào kỳ thi sắp tới.

Bạn đọc

Bạn nhumai...@gmail.com:

Nhiều người cho rằng tuyển sinh vào lớp 10 còn “nóng” hơn cả tuyển sinh vào đại học. Là hiệu trưởng của một trong những trường tốp đầu, cô có cảm nhận được điều này?
TS Nguyễn Bội Quỳnh

TS Nguyễn Bội Quỳnh

Tôi cũng cảm nhận được điều đó! Thực tế cho thấy, đôi khi nguyện vọng của cha mẹ vô hình chung đã tạo áp lực cho con em mình.

Theo tôi, điều cần làm bây giờ, các bậc cha mẹ hãy tạo một môi trường tốt nhất cho con em chúng ta học tập sao cho hiệu quả. Cha mẹ nên động viên, đồng hành, chia sẻ cùng các con, để các con có niềm tin, động lực, tin tưởng vào năng lực của chính mình và tìm được phương pháp học tập tốt nhất cho bản thân.

Bạn đọc

Bạn Minhgvtoan@...:

Những năm qua, học sinh Trường THCS Đoàn Thị Điểm thường đăng kí nguyện vọng vào lớp 10 như thế nào, đặc biệt tỷ lệ phân luồng biến động ra sao, thưa cô?
Cô Lưu Thị Hà Phương

Cô Lưu Thị Hà Phương

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nhà trường, về vấn đề này cũng thay đổi tùy theo từng năm, ví dụ như trong năm học trước nhà trường có 32/247 (gần 13%) học sinh đăng ký không tham gia thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT mà đăng ký học nghề tại các trường Cao đẳng hoặc Trung cấp nghề.

Nhìn chung trung bình từ 13-15% học sinh lớp 9 sẽ chọn theo học trường nghề, THPT dân lập, GDTX…

Phần lớn học sinh khối 9 đăng kí nguyện vọng vào Trường THPT Marie Curie, Trường THPT Hàn Thuyên, Trường THPT Nguyễn Thị Diệu...

Ngoài ra cũng có những học sinh đăng kí nguyện vọng 1 vào Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, THPT Nguyễn Thượng Hiền, THTP Bùi Thị Xuân... 

Bạn đọc

Bạn Tranlan68@...:

Những năm qua, TP.HCM kiên trì trong việc đổi mới đề thi theo hướng đánh giá năng lực học sinh, vận dụng kiến thức vào giải quyết thực tiễn. Vậy, điều này đòi hỏi các giáo viên phải “chuyển động” ra sao trong dạy học, thưa cô?
Cô Lưu Thị Hà Phương

Cô Lưu Thị Hà Phương

Những năm qua, TP.HCM kiên trì trong việc đổi mới đề thi theo hướng đánh giá năng lực học sinh, vận dụng kiến thức vào giải quyết thực tiễn, điều này đòi hỏi các giáo viên phải liên tục đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới cách kiểm tra đánh giá trong bộ môn ngay tại nhà trường để học sinh được làm quen dần với các dạng đề thi theo hướng đánh giá năng lực học sinh, vận dụng kiến thức vào giải quyết thực tiễn.

Ngoài ra việc đổi mới về phương pháp giảng dạy, đổi mới về hình thức kiểm tra đánh giá mà các giáo viên đang thực hiện trong nhiều năm gần đây không chỉ để phục vụ cho việc thi cử mà chính yếu là để đáp ứng yêu cầu dạy học hiện nay và nhất là chuẩn bị cho việc thực hiện chương trình GDPT 2018 sắp tới.

Bạn đọc

Bạn Xuân Trường – Quận 1. TPHCM:

Khi đăng ký thi vào lớp 10, các em cần lưu ý và nên ưu tiên điều gì để chọn các nguyện vọng theo thứ tự 1, 2, 3 đúng và trúng, thưa cô?
Cô Lưu Thị Hà Phương

Cô Lưu Thị Hà Phương

Để có thể chọn các nguyện vọng theo thứ tự 1, 2, 3 đúng và trúng, các em cần lưu ý:

Chọn nguyện vọng phải phù hợp năng lực học tập của bản thân.

Chọn nguyện vọng là các trường THPT gần nơi cư trú để chắc chắn tiếp tục đi học khi đã trúng tuyển vì học sinh đậu nguyện vọng nào phải học nguyện vọng đó, không được thay đổi nguyện vọng sau khi đã trúng tuyển (không được xin chuyển trường sau khi đã trúng tuyển).

Lắng nghe ý kiến tư vấn của giáo viên chủ nhiệm

Không đặt cả 3 nguyện vọng vào cùng 1 trường (vì ở mỗi trường, điểm chuẩn nguyện vọng 2 sẽ cao hơn điểm chuẩn nguyện vọng 1 và điểm chuẩn nguyện vọng 3 sẽ cao hơn điểm chuẩn nguyện vọng 2 không quá 1 điểm). Do đó, nếu đăng kí 3 nguyện vọng cùng 1 trường, khi rớt nguyện vọng 1 thì đồng nghĩa sẽ rớt hết 3 nguyện vọng.

Không được đặt nguyện vọng ngược, tức là dựa theo điểm chuẩn tuyển sinh hằng năm (thầy cô sẽ có thống kê cho học sinh tham khảo), trường thường có điểm chuẩn cao đặt ở nguyện vọng 2 trong khi trường có điểm chuẩn thấp hơn lại đặt ở nguyện vọng 1.  Như vậy, khi rớt nguyện vọng 1 sẽ đồng nghĩa rớt luôn nguyện vọng 2.

 

Bạn đọc

Bạn Levietanhcm@...:

Theo cô, để giúp các em lựa chọn đúng và trúng nguyện vọng vào lớp 10, giáo viên chủ nhiệm đóng vai trò như thế nào?
Cô Lưu Thị Hà Phương

Cô Lưu Thị Hà Phương

Học sinh Trường THCS Đoàn Thị Điểm, Quận 3, TP.HCM trong chuyên đề STEM. Ảnh: NTCC
Học sinh Trường THCS Đoàn Thị Điểm, Quận 3, TP.HCM trong chuyên đề STEM. Ảnh: NTCC

 

Về vấn đề này, giáo viên chủ nhiệm lớp 9 chỉ là người tư vấn và hướng dẫn cha mẹ học sinh để lựa chọn nguyện vọng cho học sinh.

Tuy nhiên quyền lựa chọn nguyện vọng vẫn là của cha mẹ, học sinh, do đó nếu cha mẹ, học sinh đánh giá đúng về năng lực học tập của học sinh, các điều kiện của gia đình và lắng nghe ý kiến của giáo viên chủ nhiệm thì học sinh có thể chọn đúng và trúng nguyện vọng vào lớp 10.

Ngược lại nếu cha mẹ học sinh không đánh giá đúng năng lực học tập của học sinh, chỉ chọn trường theo sở thích hoặc theo mơ ước của con thì có thể sẽ không đạt đúng nguyện vọng, thậm chi có khi trượt hết tất cả 3 nguyện vọng.

 

Bạn đọc

Bạn truonglo... gmail.com:

Được biết, cô xuất phát từ giáo viên tiếng Anh. Cô chia sẻ giúp bí quyết học môn này với, sắp đến kỳ thi vào lớp 10 rồi, em lo quá!
TS Nguyễn Bội Quỳnh

TS Nguyễn Bội Quỳnh

Kiến thức bài thi môn tiếng Anh - Kỳ thi vào lớp 10 của Sở GD&ĐT Hà Nội hoàn toàn nằm trong chương trình sách giáo khoa bậc THCS. Các em cần nắm vững các cấu trúc ngữ pháp, cấu tạo từ vựng trong các chủ điểm bài học của sách giáo khoa. Cụ thể:

Đối với những bài đọc, để lựa chọn câu trả lời đúng nhất, các em hãy nắm bắt những thông tin trùng lặp giữa nội dung trong bài đọc và phương án trả lời để lựa chọn chính xác.

Đối với các bài tập từ vựng, các em phải biết xác định từ đó làm chức năng gì trong câu (chủ ngữ, vị ngữ, tân ngữ…) để chọn cấu tạo từ là danh từ, động từ, trạng từ…

Đối với các cấu trúc ngữ pháp, các em cần nắm rõ được cách dùng các thì động từ trong tiếng Anh, tìm những từ nhận biết trong cấu trúc để lựa chọn câu trả lời.

Hình thức thi môn tiếng Anh là: 100% trắc nghiệm khách quan nên chúng ta phải có thủ thuật làm bài ngoài những kiến thức đã được học. Các em không nên bỏ trắng những câu không biết làm mà hãy lựa chọn phương án trả lời bất kỳ. Điều quan trọng là đọc kỹ đầu bài trước khi có lựa chọn đúng nhất cho câu trả lời của mình.

Bạn đọc

Bạn Luongbinht567@...:

Cô có thể cho biết điều kiện để được xét tuyển thẳng vào lớp 10 công lập tại TP.HCM cụ thể thế nào, năm nay có điều chỉnh gì so với năm trước không?
Cô Lưu Thị Hà Phương

Cô Lưu Thị Hà Phương

Theo văn bản hướng dẫn của Sở GD-ĐT TP.HCM, TP sẽ xét tuyển thẳng vào lớp 10 công lập năm học 2021-2022 những học sinh đã học lớp 9 tại các trường THCS, phổ thông nhiều cấp học có lớp 9,  có hồ sơ hợp lệ và có một trong những điều kiện sau đây:

Học sinh khuyết tật (có giấy chứng nhận theo quy định);

Học sinh đạt các điều kiện:

- Học sinh đạt giải cấp quốc gia và quốc tế về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh THCS và THPT.

- Giải quốc gia do Bộ GD-ĐT tổ chức hoặc đồng tổ chức; Giải quốc tế do Bộ GD-ĐT hoặc Sở GD-ĐT cử đi dự thi.

Về hồ sơ xét tuyển thẳng:

Học sinh khuyết tật, học sinh đạt giải cấp quốc gia và quốc tế về văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, làm đơn đăng kí xét tuyển thẳng với 3 nguyện vọng vào các trường THPT gần nơi cư trú trên địa bàn thành phố phù hợp với năng lực và điều kiện học tập (ngoại trừ các trường THPT chuyên, trường THPT có lớp chuyên, các trường tiên tiến hội nhập) và được Sở phê duyệt. 

Đối với học sinh đạt giải cuộc thi KHKT dành cho học sinh  trung học do Bộ GD-ĐT tổ chức hoặc các học sinh đạt giải quốc tế các bộ môn thi tương ứng chương trình GD phổ thông  quốc gia được phép đăng kí nguyện vọng tuyển thẳng vào tất cả các trường THPT (ngoại trừ trường chuyên) và được Sở phê duyệt.

Sở GD-ĐT khuyến khích học sinh đạt giải cấp quốc gia và quốc tế về thể dục thể thao tốt nghiệp trung học cơ sở tại TP.HCM đăng ký xét tuyển thẳng với 3 nguyện vọng vào Trường THPT Năng khiếu thể dục thể thao, Trường THPT chuyên Năng khiếu thể dục thể thao Nguyễn Thị Định và Trường THPT Năng khiếu thể dục thể thao huyện Bình Chánh - để tiếp tục phát triển năng khiếu của học sinh. Khi vào học tại các trường này học sinh được miễn học phí và được hưởng các chế độ trong tập luyện và thi đấu cho thành phố.

Hồ sơ tuyển  xét tuyển thẳng bao gồm: 

Phiếu đăng ký xét tuyển thẳng vào lớp 10, giấy chứng nhận khuyết tật do cơ quan có thẩm quyền cấp, giấy chứng nhận đạt giải cấp quốc gia và quốc tế hợp lệ do Bộ GD-ĐT cấp, giấy xác nhận được hưởng chính sách ưu tiên (nếu có) do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Học sinh nộp hồ sơ tuyển thẳng từ nay đến hết ngày 28/4 tại trường THCS mà học sinh đang theo học.  Sở GD-ĐT sẽ công bố danh sách trước ngày 30/5/2021 (chưa công bố trường trúng tuyển). 

Cũng theo Sở GD-ĐT TPHCM, học sinh là đối tượng tuyển thẳng có quyền lựa chọn tuyển thẳng hoặc thi tuyển vào lớp 10 giống như các thí sinh khác.

Năm nay có sự điều chỉnh về thời gian nộp hồ sơ, do năm trước ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, kỳ thi diễn ra vào ngày 16/7. Nên các em cần lưu ý về các mốc thời gian và nghiên cứu kĩ quy định về hồ sơ xét tuyển thẳng được Sở GD-ĐT công bố.

Bạn đọc

Bạn Hà Khánh Thương, huyện Gia Lâm, Hà Nội:

Hiện nay, có rất nhiều sách ôn tập, bổ trợ kiến thức môn Lịch sử cho học sinh lớp 9 chuẩn bị thi vào lớp Xin cô giáo tư vấn, chúng em nên lựa chọn những tài liệu tham khảo thế nào cho phù hợp và hiệu quả?
Cô Phạm Thị Ngọc Thúy

Cô Phạm Thị Ngọc Thúy

Học sinh Trường THCS Chu Văn An hào hứng tái hiện sự kiện lịch sử tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Học sinh Trường THCS Chu Văn An hào hứng tái hiện sự kiện lịch sử tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

 

Thực tế, trước mỗi kỳ thi quan trọng, học sinh sẽ muốn có thật nhiều tư liệu để tham khảo và luyện tập, trau dồi kiến thức. Những bộ sách ôn tập chất lượng của các nhà xuất bản uy tín là một kênh để hỗ trợ thêm cho các em.

Tuy nhiên, kiến thức dù ở tài liệu nào cũng đều xoay quanh kiến thức trong sách giáo khoa, học sinh không nên tìm kiếm quá nhiều tài liệu tham khảo vì sẽ gây loãng, loạn kiến thức.

Các nhà trường khi xây dựng kiến thức ôn tập đều vừa bám sát vào chương trình trong sách giáo khoa, lấy sách giáo khoa làm gốc nên các em yên tâm học, ôn theo hướng dẫn sát sao của thầy cô.

Đặc biệt, các nhà trường đều xây dựng tài liệu ôn tập nội bộ hội tụ những nội dung và dạng bài trọng tâm cơ bản nhất. Các em có thể bám theo tài liệu này để ôn tập một cách khoa học, bố trí thời gian hợp lý, biến kiến thức lĩnh hội được thành kiến thức của mình bên cạnh tập trung ôn tập các môn thi khác.

Chúc các em ôn tập và thi tốt!

Bạn đọc

Bạn Vinhnguyen1988@gmail.com:

Một số học sinh học đối phó bằng cách học tủ một số kiến thức được coi là trọng tâm khi ôn luyện, đồng thời mong chờ may rủi từ việc lựa chọn đáp án thi trắc nghiệm. Điều này ảnh hưởng thế nào đến việc làm bài của các em, thưa cô?
Cô Phạm Thị Ngọc Thúy

Cô Phạm Thị Ngọc Thúy

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Lịch sử sử dụng các đề thi trắc nghiệm khách quan với kiến thức phủ rộng, bao trùm; các câu hỏi đa lựa chọn, với các cấp độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng nên các yếu tố đoán mò may rủi giảm đi; giảm thiểu hiện tượng học tủ, học lệch.

Một trong những sai lầm đáng lo ngại của học sinh hiện nay chính là “học tủ – học vẹt” khiến các em nhầm lẫn giữa nội dung các sự kiện với nhau. Thường các đáp án trong bài thi có phần tương tự, thí sinh không nắm vững kiến thức rất dễ chọn đáp án sai. 

Việc học vẹt, học tủ, chọn đáp án dựa vào may rủi sẽ không mang lại kết quả cao trong kỳ thi. Các em cần khắc phục cách học đối phó này để vừa tích lũy kiến thức toàn diện cho bản thân, vừa đạt kết quả cao khi làm bài, cơ hội có được tấm vé vào lớp 10 trường THPT theo nguyện vọng sẽ rộng mở hơn.

Bạn đọc

Bạn Phan Khánh Hà, quận Ba Đình, Hà Nội:

Được biết, Trường THCS Chu Văn An đã triển khai dạy học Lịch sử qua trải nghiệm các hoạt động thực tế tại Bảo tàng, tại các địa danh lịch sử… Theo đánh giá của cô, cách làm này đem lại hiệu quả thế nào cho việc học và ôn tập môn Lịch sử?
Cô Phạm Thị Ngọc Thúy

Cô Phạm Thị Ngọc Thúy

Các cụ đã nói "trăm nghe không bằng một thấy". Câu này rất phù hợp trong dạy học môn Lịch sử cũng như nhiều môn học khác, nên khi giảng dạy mà có dẫn chứng thực tế sẽ rất hiệu quả.

Cụ thể, tại Trường THCS Chu Văn An, chúng tôi đã triển khai dạy học Lịch sử qua trải nghiệm các hoạt động thực tế tại Bảo tàng, tại các địa danh lịch sử...

Qua các tiết học trải nghiệm, chúng tôi đã truyền được cảm hứng học môn Lịch sử tưởng như khô khan, cứng nhắc đến học sinh.

Học sinh được tiếp cận kiến thức thông qua đồ dùng trực quan sinh động nên các con học tập rất sôi nổi, hào hứng và nắm được kiến thức nhanh hơn nhiều so với việc chỉ dạy trên lớp.

Qua trải nghiệm, học sinh được rèn kĩ năng sống (liên môn Lịch sử với Địa lí, Giáo dục công dân; có ý thức giữ gìn và bảo vệ các di sản văn hóa…), các em thấy được vai trò, trách nhiệm của người công dân với xã hội, với đất nước nên sẽ nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt những nhiệm vụ trước mắt của học sinh.

Bạn đọc

Bạn Bùi Thị Thảo, huyện Ba Vì:

Tuyển vào lớp 10 các trường công lập ở Hà Nội sẽ phải dự thi 4 bài gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử. Theo cô, 4 môn thi này có phù hợp hay không vì nhiều người cho rằng, năm nay thi toàn môn khó?
TS Nguyễn Bội Quỳnh

TS Nguyễn Bội Quỳnh

TS Nguyễn Bội Quỳnh trả lời câu hỏi của độc giả báo GD&TĐ tại điểm cầu Hà Nội
TS Nguyễn Bội Quỳnh trả lời câu hỏi của độc giả báo GD&TĐ tại điểm cầu Hà Nội

 

Tuyển sinh vào lớp 10 các trường công lập ở Hà Nội sẽ phải dự thi 4 bài gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử. 4 môn này phù hợp với học sinh. Ngoài 3 môn thi bắt buộc là: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, năm học 2019-2020, Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội, thí sinh cũng phải thi phải thi môn thứ 4 là Lịch sử. Hình thức thi trắc nghiệm khách quan môn Lịch sử cũng giống kỳ thi trước, không có gì thay đổi.

Theo đó, các nhà trường đã có kinh nghiệm trong giảng dạy và ôn tập môn Lịch sử, nên các em hoàn toàn yên tâm, đừng quá lo lắng mà ảnh hưởng tới kết quả học tập và sức khỏe của chính bản thân mình.

Bạn đọc

Bạn Maytrang20..@gmail.com:

Để có thể đạt 7-8 điểm môn Lịch sử, học sinh cần đạt được khối lượng kiến thức và kỹ năng làm bài thế nào, thưa cô?
Cô Phạm Thị Ngọc Thúy

Cô Phạm Thị Ngọc Thúy

Học sinh Trường THCS Chu Văn An chăm chú nghe thuyết minh sự kiện lịch sử.
Học sinh Trường THCS Chu Văn An chăm chú nghe thuyết minh sự kiện lịch sử.

 

Theo kinh nghiệm của tôi, có 2 yêu cầu đặt ra để các em đạt điểm tốt môn Lịch sử, đó là:

Nắm chắc khối lượng kiến thức: Kiến thức trong các đề thi nằm trong kiến thức của sách giáo khoa. Khi các con nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa là các con hoàn toàn yên tâm với điểm thi của mình.

Rèn kỹ năng làm bài, cụ thể là:

- Kiểm tra kỹ đề bài trước khi làm;

- Phân bố thời gian hợp lí. Làm bài theo nguyên tắc dễ làm trước, khó làm sau;

- Không bỏ sót câu hỏi;

- Rèn cách tìm từ khóa trong mỗi câu hỏi để tránh bị lạc đề, tránh các đáp án nhiễu, bẫy, dẫn đến mất điểm đáng tiếc.

Bạn đọc

Bạn Hoàng Hải Nam, huyện Ba Vì, Hà Nội:

Chúng em có thể dễ dàng tìm kiếm những tài liệu sơ đồ tư duy môn Lịch sử trên các trang mạng học tập. Tuy nhiên, em muốn tự mình vẽ để vừa chủ động hệ thống kiến thức mỗi bài học thành các chương, giai đoạn lịch sử dễ nhớ, dễ tra cứu lại vừa phù hợp với khả năng học của bản thân thì nên triển khai thế nào, thưa cô?
Cô Phạm Thị Ngọc Thúy

Cô Phạm Thị Ngọc Thúy

Học Lịch sử thông qua sơ đồ tư duy là một trong những phương pháp học phù hợp với yêu cầu đổi mới của giáo dục hiện nay. Chúng tôi rất khuyến khích học sinh học thông qua việc nghiên cứu tài liệu và hệ thống kiến thức bằng sơ đồ tư duy trong học Lịch sử. Tuy nhiên, sơ đồ tư duy không thể lấy của người này ghép vào người kia mà các con phải tự xây dựng sơ đồ tư duy theo cách hiểu của mình dưới sự hướng dẫn của các thầy cô giáo.

Có nhiều cách xây dựng sơ đồ tư duy, với môn Lịch sử thì tất cả các cách hệ thống hóa đều lấy giai đoạn lịch sử và trình tự diễn ra các sự kiện làm gốc.

Vì dụ, với phần Lịch sử Việt Nam từ 1946 đến 1954, các em nên xây dựng sơ đồ tư duy theo dạng sơ đồ cây, giai đoạn 1946- 1954 là gốc, các nhánh là 1946- 1950, 1950- 1953, 1953- 1954. Trong mỗi nhánh sẽ có những nội dung, sự kiện lịch sử diễn ra làm thành những nhánh nhỏ và từ đó rút ra ý nghĩa lịch sử của từng sự kiện cũng như kết quả,  ý nghĩa lịch sử chung của cả giai đoạn.

Bạn đọc

Bạn Vũ Văn Thao, huyện Đông Anh, Hà Nội:

Theo cô giáo, làm thế nào để việc học và ôn Lịch sử không chỉ để đi thi mà còn là cơ hội để giáo viên giáo dục học trò lòng yêu nước, tự hào dân tộc và thêm yêu bộ môn Lịch sử?
Cô Phạm Thị Ngọc Thúy

Cô Phạm Thị Ngọc Thúy

Dù thi hay không thi, chúng tôi vẫn luôn cố gắng, sáng tạo và đổi mới để có thể truyền đạt đến học sinh không chỉ kiến thức, phương pháp học Lịch sử mà còn là gieo vào lòng các em giá trị của lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc

Đổi mới trong dạy học Lịch sử là gắn dạy học Lịch sử với thực tế, tận dụng tối đa các đồ dùng trực quan, các công cụ hỗ trợ để các em lĩnh hội được kiến thức Lịch sử một các đầy đủ nhất, sâu sắc nhất. Qua đó, các em sẽ rút ra được những bài học kinh nghiệm cho cuộc sống sau mỗi tiết học gắn với từng sự kiện, dấu mốc lịch sử.

Bạn đọc

Bạn Minhnga198...@gmail.com:

Là giáo viên dạy Sử, tôi chú ý hướng dẫn học sinh nhận biết cấu trúc cũng như các cấp độ của đề (theo đề minh họa của Sở GD&ĐT Hà Nội năm 2019); phát huy năng lực của học sinh theo yêu cầu môn học. Vậy cô có thể chia sẻ cách để tránh gây căng thẳng cho các em?
Cô Phạm Thị Ngọc Thúy

Cô Phạm Thị Ngọc Thúy

Giáo viên tổ chức ôn tập cho các em một cách phù hợp, học phần nào chắc phần đó. Học sinh không bị dồn ép kiến thức sẽ thoải mái hơn khi ôn luyện và tự tin vận dụng kiến thức đã nắm vững để làm bài.

Với học sinh, các em cần chuẩn bị tốt kiến thức bằng cách học đầy đủ chương trình và học nhóm, kiểm tra kiến thức lẫn nhau trong nhóm.

Ngoài thời gian học tập trên lớp, được sự hướng dẫn của các thầy cô, các em hãy dành cho mình thời gian tự ôn luyện đề ở nhà. Tự ôn luyện đề là một cách học giúp các em ghi nhớ kiến thức, rèn luyện kĩ năng làm bài và làm quen các dạng câu hỏi trắc nghiệm thường xuất hiện trong đề thi.

Các đề kiểm tra được ra sát với đề minh họa, học sinh được tiếp cận, làm quen nên không còn bỡ ngỡ.

Bạn đọc

Bạn Phạm Minh Chính, quận Hoàng Mai, Hà Nội:

Bên cạnh tổ chức ôn tập theo trình độ học sinh, Trường THCS Chu Văn An tiến hành kiểm tra mức độ đạt được sau mỗi chặng ôn luyện cho các em thế nào để nhìn nhận đúng khả năng, trình độ cũng như tâm thế chuẩn bị cho kỳ thi của học sinh?
Cô Phạm Thị Ngọc Thúy

Cô Phạm Thị Ngọc Thúy

Trước khi biết Lịch sử là môn thi thứ 4 thì trường chúng tôi đã tổ chức kiểm tra chung toàn trường (chung đề kiểm tra, chia phòng kiểm tra, chấm chéo).

Khi Lịch sử được chọn là môn thi thứ 4, trường chúng tôi có những bài kiểm tra chung theo từng chuyên đề, đến những tuần cuối có những bài kiểm tra với lượng kiến thức phủ rộng toàn bộ chương trình.

Đề kiểm tra được cấu trúc theo đề thi vào 10 với các mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng đã được nhà trường thực hiện cho các đề kiểm tra định kỳ của học sinh lớp 9.

Các khâu ra đề, coi kiểm tra, chấm, chữa được thực hiện nghiêm túc, thống nhất và đồng bộ.

Bên cạnh đó, nhà trường đã sử dụng thường xuyên phần mềm trộn đề, máy quét chấm trắc nghiệm nên việc tổ chức ôn tập, kiểm tra, đánh giá kết quả ôn tập của học sinh rất thuận lợi và khách quan.

Bạn đọc

Bạn Hồng Quang – quận 8 – TP HCM:

Khi thực hiện làm hồ sơ đăng kí dự thi vào lớp 10 năm học 2021-2022, học sinh khối 9 cần đặc biệt lưu ý những điểm gì, thưa cô?
Cô Lưu Thị Hà Phương

Cô Lưu Thị Hà Phương

Học sinh khối 9 Trường THCS Đoàn Thị Điểm, Quận 3, TP.HCM trong giờ học môn Toán
Học sinh khối 9 Trường THCS Đoàn Thị Điểm, Quận 3, TP.HCM trong giờ học môn Toán

 

Khi làm hồ sơ đăng kí dự thi vào lớp 10 năm học 2021-2022 tại TP.HCM, điều đầu tiên học sinh cần lưu ý nhất đó là mốc thời gian nộp hồ sơ dự thi, trước ngày 29/4/2021.

Dự kiến, Sở GD-ĐT TP sẽ công bố số liệu tổng hợp ban đầu về số học sinh đăng kí dự thi vào từng trường (nguyện vọng 1) vào 16 giờ ngày 5/5 để cha mẹ học sinh, học sinh tham khảo. Ngay sau đó, các em có thể điều chỉnh nguyện vọng trong khoảng thời gian từ ngày 5/5 đến 10/5. 

Đặc biệt, khi làm hồ sơ dự thi, việc lựa chọn 3 nguyện vọng để điền vào phiếu đăng kí dự thi vào lớp 10 là rất quan trọng. 

Các em cần lưu ý: Học sinh chọn 3 nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên 1, 2, 3 vào lớp 10 các trường THPT công lập phù hợp với năng lực học tập của bản thân, gần nơi cư trú để thuận lợi cho việc tiếp tục đi học khi đã trúng tuyển và giảm áp lực giao thông theo chủ trương của TP.

Khi đã có kết quả trúng tuyển, các em đậu vào nguyện vọng nào, phải theo học ở nguyện vọng đó, tuyệt đối không đổi nguyện vọng sau khi công bố kết quả tuyển sinh. 

Các em cần ghi nhớ: Lịch thi tuyển sinh đã được Sở GD-ĐT TP.HCM công bố để tránh nhầm lẫn hoặc bị trễ giờ

Lịch thi vào lớp 10 năm học 2021-2022 tại TP.HCM được Sở GD-ĐT TP công bố ngày 12/4
Lịch thi vào lớp 10 năm học 2021-2022 tại TP.HCM được Sở GD-ĐT TP công bố ngày 12/4
Bạn đọc

Bạn thaomai9…gmail.com:

Có phải kỳ thi vào lớp 10 của Hà Nội “nóng” vì chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường công lập quá ít không, thưa cô?
TS Nguyễn Bội Quỳnh

TS Nguyễn Bội Quỳnh

Hàng năm, có khoảng 62% học sinh tốt nghiệp THCS vào các trường THPT công lập, còn lại là vào các trường THPT công lập tự chủ, các trường dân lập và trung tâm giáo dục thường xuyên. Vì thế, nếu nói kỳ thi vào lớp 10 của Hà Nội “nóng” do chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường công lập quá ít là không phù hợp.

Theo tôi, “nóng” hay không là do suy nghĩ chủ quan của mỗi người. Nếu các bậc cha mẹ muốn con em mình thi đỗ vào những trường “tốp đầu” thì sức “nóng” sẽ cao. Do đó, phụ huynh nên cân nhắc, tư vấn cho con em mình lựa chọn những trường vừa với sức học của bản thân để không bị “nóng”!

Bạn đọc

Bạn Tuanvu19…@gmail.com:

Để tránh hiện tượng “râu ông nọ cắm cằm bà kia” khi nhớ nhầm thời gian và sự kiện lịch sử, học sinh cần có phương pháp học và ôn luyện thế nào?
Cô Phạm Thị Ngọc Thúy

Cô Phạm Thị Ngọc Thúy

Hiện nay, các em được tiếp cận với các sự kiện Lịch sử gắn với các chủ đề. Học sinh được nghiên cứu tư liệu, trao đổi, thảo luận để xác định thời gian, hoàn cảnh, nguyên nhân, diễn biến, kết quả, bài học rút ra và ý nghĩa lịch sử của sự kiện đó...

Từ những kiến thức, sự kiện, giai đoạn lịch sử cụ thể từng phần, từng chương, các em chú ý học các bài Tổng kết phần, chương để rèn luyện kỹ năng khái quát hóa kiến thức và xâu chuỗi vấn đề. Tất cả những kiến thức, những vấn đề và sự kiện lịch sử cốt lõi nhất, nổi bật nhất đều hiện hữu trong các bài tổng kết mà đa phần học sinh không để ý.

Trong quá trình ôn tập, giáo viên luôn nhắc nhở các em lưu tâm đến kiến thức được hệ thống lại sau mỗi phần, chương - để có được sự tập trung, tránh lúng túng khi ôn và làm bài.

Bạn đọc

Bạn lyhung***@gmail.com:

Hiện nay, gia đình tôi có hộ khẩu thường trú ở Thái Bình, nhưng đang tạm trú ở quận Long Biên. Tôi nghe nói, thi vào lớp 10 của Hà Nội có những điểm mới liên quan đến hộ khẩu. Không biết thực hư thế nào, mong cô chia sẻ giúp?
TS Nguyễn Bội Quỳnh

TS Nguyễn Bội Quỳnh

Chào bạn! Theo quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội, những thí sinh dự thi vào lớp 10 các trường THPT công lập thì phải có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội.

Bạn đọc

Bạn datvu189...@gmail.com:

Có con năm nay thi vào lớp 10, gia đình tôi khá lo lắng. Xin hỏi cô giáo, nếu con đã học đúng phương pháp, nắm chắc kiến thức và kỹ năng qua ôn tập ở trên lớp thì có cần phải đi ôn cấp tốc thêm bên ngoài với môn Lịch sử không?
Cô Phạm Thị Ngọc Thúy

Cô Phạm Thị Ngọc Thúy

Cô Phạm Thị Ngọc Thúy giao lưu cùng độc giả Báo GD&TĐ tại điểm cầu Hà Nội
Cô Phạm Thị Ngọc Thúy giao lưu cùng độc giả Báo GD&TĐ tại điểm cầu Hà Nội

 

Sự lo lắng khi có con thi vào 10 là tâm lí chung của các gia đình, tuy nhiên nếu con đã học đúng phương pháp, nắm chắc kiến thức và kỹ năng qua ôn tập trên lớp thì phụ huynh nên đặt niềm tin vào con.

Điều cốt lõi là từ các con, các con phải tự mình thẩm thấu kiến thức thông qua việc học trên lớp, thông qua các kênh tư liệu. Các con phải biến kiến thức của thầy cô thành kiến thức của mình.

Việc cho con đi học thêm bên ngoài cần được phụ huynh học sinh cân nhắc theo năng lực và điều kiện của học sinh. Tránh học thêm nhiều, dàn trải, mất thời gian; kiến thức nếu bị nhồi nhét một cách không hợp lý thì hiệu quả sẽ không cao.

Nhà trường và gia đình đều cần dành cho các em khoảng thời gian để tự ôn luyện, tự thẩm thấu kiến thức.

Bạn đọc

Bạn bongmay...@gmail.com:

Thưa cô Bội Quỳnh, xin cô cho biết, đăng ký xét tuyển vào trường THPT Việt Đức có cần phải đạt thành tích hay năng lực gì đặc biệt không?
TS Nguyễn Bội Quỳnh

TS Nguyễn Bội Quỳnh

Đăng ký xét tuyển vào trường THPT Việt Đức không cần thành hay năng lực gì đặc biệt. Điều quan trọng là các em hãy chăm chỉ học tập để đạt kết quả tốt trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sắp tới. Chúc em thành công!

Bạn đọc

Bạn gvthcs77@gmail.com:

Xin hỏi, thầy cô giáo Trường THCS Chu Văn An tổ chức phân luồng học sinh như thế nào để các em được học và ôn tập theo đúng trình độ?
Cô Phạm Thị Ngọc Thúy

Cô Phạm Thị Ngọc Thúy

Học sinh lớp 9 Trường THCS Chu Văn An tranh thủ ôn bài sau mỗi giờ học.
Học sinh lớp 9 Trường THCS Chu Văn An tranh thủ ôn bài sau mỗi giờ học.

 

Đây là kỳ thi chung, không phải là thi học sinh giỏi hay tuyển chọn học sinh chuyên. Tất cả học sinh của Trường THCS Chu Văn An đều phải đảm bảo hoàn thành chương trình và đạt yêu cầu về chuẩn kiến thức. Chúng tôi tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các em khi dạy cũng như ôn luyện, kiểm tra trình độ.

Tuy nhiên, chúng tôi có phân loại học sinh theo các cấp độ:

- Với học sinh giỏi, chúng tôi đã tổ chức các CLB từ khối lớp dưới để các em phát huy được năng lực của mình.

- Với học sinh đại trà, các em được lĩnh hội kiến thức thông qua hướng dẫn học từng tuần, thông qua việc dạy học trên lớp, thông qua tìm hiểu, nghiên cứu tư liệu….

- Với nhóm học sinh chưa chăm, chúng tôi chia thành từng nhóm nhỏ để thường xuyên hỗ trợ các em trong việc ôn tập, củng cố kiến thức, bản thân các em cũng tự kiểm tra nhắc nhở, giúp đỡ lẫn nhau hoàn thành yêu cầu của môn học.

Sự phân loại nêu trên sẽ giúp cho việc ôn luyện tập trung, hiệu quả hơn.

Điều quan trọng là không tạo tâm lý căng thẳng mà khích lệ, động viên các em “chinh phục” các kiến thức, đề thi môn Lịch sử một cách dễ dàng nhất. Tạo cho các em tâm thể chủ động trong việc học và ôn luyện chứ không học qua quít, đối phó…

Bạn đọc

Bạn tuankiet...@gmail.com:

Nhiều người nói, thi trượt đại học thì có thể làm lại hoặc tự lập được cuộc sống; còn thi trượt vào lớp 10 trường công lập thì coi như là thất bại. Điều này khiến em rất áp lực. Điều này có đúng không và cô khuyên em phải làm gì để có thể giải tỏa áp lực này?
TS Nguyễn Bội Quỳnh

TS Nguyễn Bội Quỳnh

Các em không nên tự tạo áp lực cho mình, mà cần biến áp lực thành động lực trong học tập. Quan niệm thi trượt đại học thì có thể làm lại hoặc tự lập được cuộc sống; còn thi trượt vào lớp 10 trường công lập thì coi như là thất bại - là không đúng. Chúng ta có nhiều mô hình để theo học lớp 10 như: ngoài hệ thống các trường công lập, các em có thể theo học ở các trường dân lập hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên, tùy vào khả năng học tập của bản thân mình.

Bạn đọc

Bạn Dương Thị Hằng, Hai Bà Trưng, Hà Nội:

Theo phân phối chương trình, phần lịch sử Việt Nam có khối lượng kiến thức nhiều hơn lịch sử thế giới. Vậy, với cấu trúc đề thi cơ bản, học sinh cần phân bố thời gian ôn tập và làm bài thi thế nào cho cân đối, thưa cô?
Cô Phạm Thị Ngọc Thúy

Cô Phạm Thị Ngọc Thúy

Sở GD&ĐT Hà Nội đã nghiên cứu và xây dựng phân phối chương trình cho 2 phần Sử thế giới (16 tiết) và Sử Việt Nam (35 tiết).

Việc thực hiện phân phối chương trình được chúng tôi xây dựng theo kế hoạch giáo dục cụ thể theo mỗi học kì.

Học sinh hiện nay được tìm hiểu lịch sử không chỉ thông qua các bài giảng trên lớp của thầy cô mà còn thông qua nhiều kênh tư liệu khác nhau, vì vậy giáo viên có thể căn cứ vào tình hình của học sinh từng lớp để điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp; định hướng và ôn tập hài hòa khối lượng kiến thức cần thiết cho các em. Bản thân các em cũng cần bù lấp những kiến thức còn chưa chắc chắn về cả hai phần nội dung này để đạt điểm cao khi làm bài.

Về phần Lịch sử Việt Nam, các em cần nắm chắc các nội dung theo các giai đoạn sau:

- VN từ 1919 đến 1930;

 -VN từ 1930 đến 1939;

- VN từ 1939 đến 1945;

-VN từ sau cách mạng tháng Tám đến toàn quốc kháng chiến;

- VN từ cuối năm 1946 đến 1954.

-VN từ 1954 đến 1975

- VN từ 1975 đến nay.

Về phần Lịch sử thế giới, các em cần ghi nhớ những kiến thức theo các chủ đề:

- Liên Xô và các nước Đông Âu từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

- Các nước Á, Phi, Mĩ la tinh từ 1945 đến nay.

- Mĩ, Nhật Bản, Tây Âu từ 1945 đến nay.

- Quan hệ quốc tế từ 1945 đến nay.

- Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật từ 1945 đến nay.

Bạn đọc

Bạn Dương Thị Ngọc, huyện Ứng Hòa (TP Hà Nội).:

Gia đình tôi có hộ khẩu ở huyện Ứng Hòa, đang học tại nơi đăng ký hộ khẩu. Nếu con tôi đăng ký thi vào lớp 10 Trường THPT Việt Đức có được không, thưa cô?
TS Nguyễn Bội Quỳnh

TS Nguyễn Bội Quỳnh

TS Nguyễn Bội Quỳnh - Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, Hà Nội
TS Nguyễn Bội Quỳnh - Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, Hà Nội

 

Nếu các em chọn 1 nguyện vọng duy nhất có thể chọn 1 khu vực tuyển sinh bất kỳ không liên quan đến nơi đăng ký hộ khẩu thường trú.

Nếu chọn 2 nguyện vọng thì phải chọn cùng 1 khu vực tuyển sinh. Tuy nhiên, gia đình phải làm đơn xin đổi khu vực tuyển sinh và có xác nhận của trường THCS nơi các em đang theo học.

Bạn đọc

Bạn Myanhlove@...:

Để chuẩn bị tốt cho cho kỳ tuyển sinh vào lớp 10 sắp tới, trường có kế hoạch ôn tập cho học sinh khối 9 như thế nào?
Cô Lưu Thị Hà Phương

Cô Lưu Thị Hà Phương

Cô Lưu Thị Hà Phương - Hiệu trưởng Trường THCS Đoàn Thị Điểm, Quận 3, TPHCM
Cô Lưu Thị Hà Phương - Hiệu trưởng Trường THCS Đoàn Thị Điểm, Quận 3, TPHCM

 

Hiện nay, các thầy cô vẫn tiếp tục giảng dạy theo chương trình quy định của Bộ GD-ĐT cho đến khi kiểm tra học kỳ 2 năm học 2021-2022. Trong quá trình giảng dạy, thầy cô ở tổ bộ môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh (3 môn thi bắt buộc vào lớp 10) sẽ có những phần lồng ghép các nội dung để học sinh tiếp cận với định hướng thi vào lớp 10, củng cố kiến thức đã học, nhằm đảm bảo học đến đâu chắc đến đó. 

Theo kế hoạch, sau khi học sinh kết thúc kỳ kiểm tra học kỳ 2, nhà trường sẽ tiến hành điều chỉnh thời gian ôn tập ở các môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh để chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10. Theo dự kiến, môn Toán và Ngữ văn học sinh sẽ học 8 tiết/tuần và môn Tiếng Anh là 7 tiết/tuần.

Bạn đọc

Bạn Anhtravu20...@gmail.com:

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, học sinh làm bài thi môn Lịch sử theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Với đặc thù nhiều kiến thức cần ghi nhớ, không ít học sinh gặp khó khăn khi ôn tập môn học này. Vậy, để ghi nhớ kiến thức một cách chắc chắn, cô có lưu ý đặc biệt để việc ôn luyện đạt hiệu quả cao nhất?
Cô Phạm Thị Ngọc Thúy

Cô Phạm Thị Ngọc Thúy

Kinh nghiệm để dễ nhớ các kiến thức lịch sử là:

Các em nên học lịch sử theo chủ đề, đặt sự kiện lịch sử trong bối cảnh không gian (trong nước, thế giới), thời gian để hiểu được bản chất của sự kiện lịch sử.

Học theo sự hướng dẫn của các thầy cô giáo dạy trên lớp chứ không nên nhớ máy móc các mốc thời gian cụ thể hay các con số cụ thể.

Các em nên ghi chép rõ ràng, mạch lạc các sự kiện, mốc thời gian hay số liệu cần thiết. Có thể lập bảng cho từng sự kiện để dễ học, dễ nhớ. Coi đó là “cẩm nang” để ôn tập kiến thức một cách chắc chắn nhất, qua đó không bị lơ mơ, nhầm sự kiện này sang sự kiện khác.

Bạn đọc

Bạn hongha***@gmail.com:

Xin cô cho biết, năm học 2020 – 2021 Trường THPT Việt Đức có chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 như thế nào? Con tôi có học lực khá, liệu có cơ hội trúng tuyển vào trường không? Mong có được lời khuyên từ cô?
TS Nguyễn Bội Quỳnh

TS Nguyễn Bội Quỳnh

Năm học này, trường có chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 là 765 học sinh (đông nhất TP Hà Nội), bằng với năm 2020. Các em có học lực khá giỏi đều có cơ hội trúng tuyển vào trường.

Tôi muốn nhắn nhủ với các em rằng, việc cần lúc này là chăm chỉ học, biết cách học, tóm tắt nội dung bài học và nắm bắt được các vấn đề kiến thức trọng tâm đã được nhà trường ôn tập. Chúc các em thành công!

Bạn đọc

Bạn Hoàng Ánh Mai, quận Tây Hồ, Hà Nội:

Năm nay là năm thứ hai Hà Nội tiếp tục chọn môn Lịch sử làm môn thi thứ tư, cùng với Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Theo cô điều này có thuận lợi gì cho thầy, trò các nhà trường?
Cô Phạm Thị Ngọc Thúy

Cô Phạm Thị Ngọc Thúy

Cô Phạm Thị Ngọc Thúy - Trưởng bộ môn Lịch sử, Trường THCS Chu Văn An, quận Tây Hồ, Hà Nội
Cô Phạm Thị Ngọc Thúy - Trưởng bộ môn Lịch sử, Trường THCS Chu Văn An, quận Tây Hồ, Hà Nội

 

Việc Hà Nội tiếp tục chọn Lịch sử là môn thi thứ 4 tại Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm nay là nằm trong dự kiến 6 môn Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa, GDCD sẽ chọn là môn thi thứ 4, chúng tôi thấy đây là một sự thuận lợi lớn cho cả giáo viên và học sinh. 

Về phía giáo viên, chúng tôi đã có sự chủ động ngay từ đầu năm học, tâm thế luôn sẵn sàng. Đây là lần thứ 2 môn Lịch sử được chọn nên chúng tôi đã có kinh nghiệm tổ chức ôn tập cho học sinh từ lần thi trước.

Trên cơ sở nội dung đã ôn tập cho học sinh từ lần thi trước, nhà trường và giáo viên nhanh chóng hoàn chỉnh hệ thống kiến thức và ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm cho từng chuyên đề. Việc tổ chức ôn tập cho học sinh diễn ra đảm bảo theo tiến độ chương trình cũng như kế hoạch giáo dục của nhà trường với mục tiêu giúp học sinh nắm chắc kiến thức cơ bản để đạt kết quả cao khi bước vào kỳ thi.

Về phía học sinh, các em đã có sự chuẩn bị về mặt tâm lý từ trước, không coi môn Lịch sử là môn phụ, nên chủ động lĩnh hội kiến thức từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau.

Các em đã được cọ sát thông qua các đợt kiểm tra giữa kì và cuối kì.

Bạn đọc

Bạn Hương Quỳnh – Đà Nẵng:

Cô giáo có thể cho biết, song song với dạy học, nhà trường đã triển khai hoạt động hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS ra sao?
Cô Lưu Thị Hà Phương

Cô Lưu Thị Hà Phương

Bên cạnh dạy học, trong những năm qua nhà trường đã rất chú trọng đến hoạt động hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS. Cụ thể như: tổ chức cho học sinh tham quan, học tập tại các công ty, doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn TP như: Công ty bóng đèn Điện Quang, Công ty gốm sứ...  và mời các trường trung cấp nghề trên địa bàn Quận 3, cũng như một số trường dân lập trên địa bàn TP đến để tư vấn, định hướng cho học sinh lớp 9.

Đặc biệt, trong năm học 2021-2022, giữa tháng 3 vừa qua, Nhà trường đã mời Trung tâm dạy nghề Nhân Đạo tư vấn cho học sinh nhà trường (tư vấn chung dưới sân trường).

Tiếp tục trong tháng 4 vừa qua, trường mời Trung tâm nói trên tư vấn cho học sinh lớp 9 tại riêng từng lớp để các em có thể hiểu rõ và có những định hướng cụ thể cho học sinh sau khi tốt nghiệp THCS.

Mới đây, trong sáng 5/4, Nhà trường đã tổ chức hoạt động tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp sau THCS theo kế hoạch của Sở GD-ĐT TP.HCM với sự tham gia của đại diện Sở GD-ĐT, đại diện Trường Dân lập Hồng Hà và Trường Cao đẳng nghề Sài Gòn Gia Định.

Dự kiến trong ngày 18/4 (Chủ nhật), trong buổi họp với cha mẹ học sinh lớp 9, trường tiếp tục mời 2 trường dạy nghề (Dạy nghề Nhân Đạo và Cao đẳng nghề Sài Gòn Gia Định) và 2 trường Dân lập (DL Hồng Hà và DL Đăng Khoa) đến tư vấn cho cha mẹ học sinh.

Bạn đọc

Bạn Lelunglinh8@...:

Tuyển sinh vào lớp 10 năm 2021-2022 tại TP. HCM có một số thay đổi, cụ thể môn tiếng Anh sẽ nâng thời gian thi từ 60 lên 90 phút và tính điểm hệ số 1. Theo cô điều này có ảnh hưởng gì đến việc dạy học, ôn tập của học sinh nhà trường không?
Cô Lưu Thị Hà Phương

Cô Lưu Thị Hà Phương

Cô Lưu Thị Hà Phương (bên trái), Hiệu trưởng Trường THCS Đoàn Thị Điểm, Quận 3, TPHCM trả lời câu hỏi của độc giả báo GD&TĐ tại điểm cầu TPHCM
Cô Lưu Thị Hà Phương (bên trái), Hiệu trưởng Trường THCS Đoàn Thị Điểm, Quận 3, TPHCM trả lời câu hỏi của độc giả báo GD&TĐ tại điểm cầu TPHCM

 

Sở GD-ĐT TP.HCM đã thông tin về những điểm mới trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2021-2022, cụ thể: môn tiếng Anh sẽ nâng thời gian thi từ 60-90 phút và tính điểm hệ số 1 (giống như môn Toán, Ngữ văn). Về vấn đề này, từ đầu năm học nhà trường đã nhắc nhở kỹ các em học sinh lớp 9 phải học đều các môn; không nên có quan niệm dùng một môn lợi thế nào để có thể kéo cho các môn còn lại; không thể chủ quan, lơ là ở bất kỳ môn nào; cũng không thể dùng môn này để kéo điểm cho môn khác.

Do đó, ngay khi có thông tin trong buổi hội nghị trực tuyến Sơ kết học kỳ 1 và triển khai kế hoạch học kỳ 2 năm học 2020 – 2021 của Sở GD-ĐT TP.HCM, nhà trường đã triển khai đến tổ Tiếng Anh để có kế hoạch trong quá trình giảng dạy chú ý lồng ghép các nội dung phù hợp với những điểm mới. Bên cạnh đó, giáo viên Tiếng Anh chủ động biên soạn các nội dung ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Chính vì vậy, việc thay đổi này cũng không ảnh hưởng gì lớn đến việc dạy học, định hướng ôn tập của học sinh nhà trường.

Bạn đọc

Bạn Vân Hà – Gò Vấp – TP HCM:

Mới đây Sở GD&ĐT TP.HCM đã công bố những thông tin quan trọng liên quan đến tuyển sinh vào lớp 10, nhà trường đã thông tin đến học sinh, phụ huynh như thế nào, thưa cô?
Cô Lưu Thị Hà Phương

Cô Lưu Thị Hà Phương

Cảm ơn câu hỏi của bạn!

Ngay trong tháng 3 vừa qua, khi Sở GD-ĐT TP.HCM công bố những thông tin liên quan về những điểm mới trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021 – 2022, nhà trường đã sinh hoạt đến học sinh trong buổi sinh hoạt dưới cờ, đồng thời giáo viên chủ nhiệm lớp 9 tiếp tục nhắc lại cho các em trong các buổi sinh hoạt tại lớp.

Ngày 12/4/2021 khi Sở GD-ĐT TP.HCM có các văn bản hướng dẫn liên quan tuyển sinh lớp 10 năm học 2021-2022, các thầy cô quản lý đã thống nhất sẽ họp phụ huynh học sinh lớp 9 vào sáng chủ nhật (18/4/2021) để thông tin đến cha mẹ học sinh về vấn đề xét tốt nghiệp THCS và các nội dung liên quan đến tuyển sinh lớp 10. Đồng thời phát và hướng dẫn thực hiện phiếu xét tốt nghiệp THCS và đăng ký tuyển sinh lớp 10 cũng như tư vấn tuyển sinh và phân luồng học sinh sau THCS với 4 trường được mời trên địa bàn TP (gồm 2 trường nghề và 2 trường dân lập).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.