Nhiều cách thức ôn thi
Cô Phạm Thị Ngọc Thúy - Trưởng bộ môn Lịch sử, Trường THCS Chu Văn An (quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: Đây là lần thứ 2 Lịch sử được Hà Nội chọn là môn thi thứ 4 kỳ thi tuyển sinh lớp 10 nên nhà trường đã có kinh nghiệm.
Trên cơ sở nội dung đã ôn tập cho học sinh từ lần thi trước, nhà trường và giáo viên nhanh chóng hoàn chỉnh hệ thống kiến thức và ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm cho từng chuyên đề. Việc tổ chức ôn tập diễn ra đảm bảo tiến độ chương trình cũng như kế hoạch của nhà trường với mục tiêu giúp học sinh nắm chắc kiến thức cơ bản để đạt kết quả cao khi bước vào kỳ thi.
Để việc ôn tập diễn ra hiệu quả và tập trung, Trường THCS Chu Văn An phân loại học sinh theo các cấp độ: Với học sinh giỏi, nhà trường tổ chức các CLB để các em phát huy được năng lực của mình.
Với học sinh đại trà, các em được lĩnh hội kiến thức thông qua hướng dẫn học từng tuần, qua việc dạy học trên lớp và tự tìm hiểu, nghiên cứu tư liệu…
Với nhóm học sinh chưa chăm, nhà trường chia thành từng nhóm nhỏ để thường xuyên hỗ trợ các em trong việc ôn tập, củng cố kiến thức.
Theo cô Phạm Thị Ngọc Thúy, điều quan trọng là không tạo tâm lý căng thẳng mà khích lệ, động viên các em “chinh phục” kiến thức, đề thi môn Lịch sử một cách dễ dàng nhất. Tạo cho các em tâm thể chủ động trong việc học và ôn luyện chứ không học qua quít, đối phó…
Giáo viên xây dựng những bài kiểm tra chung theo từng chuyên đề để đến những tuần cuối có bài kiểm tra với lượng kiến thức phủ rộng toàn bộ chương trình.
Đề kiểm tra được cấu trúc theo đề thi vào 10 với các mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng đã được nhà trường thực hiện cho các đề kiểm tra định kỳ của học sinh lớp 9. Các khâu ra đề, coi kiểm tra, chấm, chữa được thực hiện nghiêm túc, thống nhất và đồng bộ.
Bên cạnh đó, nhà trường đã sử dụng thường xuyên phần mềm trộn đề, máy quét chấm trắc nghiệm nên việc tổ chức ôn tập, kiểm tra, đánh giá rất thuận lợi và khách quan.
Học sinh tự thẩm thấu kiến thức
Cô Phạm Thị Ngọc Thúy nhận định, do có sự chuẩn bị về mặt tâm lý từ trước, học sinh không coi Lịch sử là môn phụ nên đã chủ động lĩnh hội kiến thức từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau.
Trưởng môn Lịch sử Trường THCS Chu Văn An chia sẻ: Nhiều phụ huynh lo lắng khi con chuẩn bị thi vào 10 nên đôn đáo tìm các lớp hoặc gia sư ôn luyện cấp tốc. Tuy nhiên, nếu con đã học đúng phương pháp, nắm chắc kiến thức và kỹ năng qua ôn tập trên lớp thì phụ huynh nên đặt niềm tin vào con.
Điều cốt lõi là từ học sinh, các em phải tự mình thẩm thấu kiến thức thông qua việc học trên lớp, thông qua các kênh tư liệu để biến kiến thức của thầy cô thành kiến thức của mình.
“Việc cho con đi học thêm bên ngoài cần được phụ huynh cân nhắc theo năng lực và điều kiện của các em. Tránh học thêm nhiều, dàn trải, mất thời gian. Kiến thức nếu bị nhồi nhét một cách không hợp lý, hiệu quả sẽ không cao. Cần dành cho các em thời gian để tự ôn luyện tự thẩm thấu kiến thức”, cô Ngọc Thúy bày tỏ.
Cô Thúy phân tích, môn Lịch sử sử dụng các đề thi trắc nghiệm khách quan với kiến thức phủ rộng, bao trùm, câu hỏi đa lựa chọn, với các cấp độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng nên yếu tố đoán mò may rủi giảm đi; giảm thiểu hiện tượng học tủ, học lệch.
Một trong những sai lầm đáng lo ngại của học sinh hiện nay chính là “học tủ – học vẹt” khiến các em nhầm lẫn giữa nội dung các sự kiện với nhau. Thường các đáp án trong bài thi có phần tương tự, thí sinh không nắm vững kiến thức rất dễ chọn sai.
Việc học vẹt, học tủ, chọn đáp án dựa vào may rủi sẽ không mang lại kết quả cao trong kì thi. Các em cần khắc phục cách học đối phó này để vừa tích lũy kiến thức toàn diện cho bản thân, vừa đạt kết quả cao khi làm bài, cơ hội có được tấm vé vào lớp 10 trường THPT theo nguyện vọng sẽ rộng mở hơn.
Cô Thúy lưu ý: Các em nên học Lịch sử theo chủ đề, đặt sự kiện lịch sử trong bối cảnh không gian (trong nước, thế giới), thời gian để hiểu được bản chất của sự kiện. Học theo sự hướng dẫn của các thầy cô giáo dạy trên lớp chứ không nên nhớ máy móc các mốc thời gian cụ thể hay các con số cụ thể.
Các em nên ghi chép rõ ràng, mạch lạc các sự kiện, mốc thời gian hay số liệu cần thiết. Có thể lập bảng cho từng sự kiện để dễ học, dễ nhớ. Coi đó là “cẩm nang” để ôn tập kiến thức một cách chắc chắn nhất, qua đó không bị lơ mơ, nhầm sự kiện này sang sự kiện khác.
Học sinh cũng cần chuẩn bị tốt kiến thức bằng cách học đầy đủ chương trình và học nhóm, kiểm tra kiến thức lẫn nhau trong nhóm.