Thầy trò "vào guồng" ôn thi lớp 10: Phụ đạo qua trực tuyến

GD&TĐ - Thời điểm này, các trường THCS Hà Nội bắt đầu khởi động ôn tập cho HS lớp 9 chuẩn bị thi vào lớp 10. Để HS thi tuyển đạt kết quả tốt, các trường vừa dạy theo chương trình, vừa phụ đạo cho HS qua học trực tuyến.

Học sinh Trường THCS Thái Thịnh nghiêm túc học trực tuyến.
Học sinh Trường THCS Thái Thịnh nghiêm túc học trực tuyến.

Mặc dù hiện nay Sở GD&ĐT Hà Nội chưa công bố phương án tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT, tuy nhiên giữ ổn định phương thức thi tuyển là chủ trương của thành phố Hà Nội trong công tác tuyển sinh lớp 10. Để đáp ứng các yêu cầu của kỳ thi, các trường THCS trên địa bàn thành phố tập trung dạy học đồng đều ở tất cả các môn, còn các trường THPT chuẩn bị tốt điều kiện tuyển sinh.

Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các trường đang triển khai dạy học trực tuyến. Nhiều trường THCS đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch dạy và học trực tuyến cho các khối lớp, trong đó có thêm những lưu ý với học sinh khối lớp 9.

Cô Trần Thị Mỹ Lâm- Hiệu trưởng Trường THCS Xuân La (quận Tây Hồ) cho biết: Ngoài học như các khối lớp khác 4 tiết/buổi trong 6 buổi/tuần thì học sinh lớp 9 sẽ có thêm các giờ học phụ đạo khác. Các tiết phụ đạo Toán, Văn, Anh cho học sinh khối 9 được giáo viên dạy miễn phí.

Năm học 2019-2020 với nhiều khó khăn do dịch Covid-19, các thầy cô giáo của trường THCS Xuân La đã nỗ lực dạy học, bồi dưỡng kiến thức miễn phí cả dạy trực tuyến và trực tiếp cho học sinh. Giáo viên chia học sinh thành các nhóm nhỏ để dạy và ôn luyện theo những dạng bài tập được chính giáo viên soạn phù hợp với điều kiện dạy học của nhà trường và trình độ tiếp nhận của từng học sinh.

Giáo viên dạy các khối 6,7,8 sau khi hoàn thành công việc ở lớp thì chuyển sang làm “gia sư” cho học sinh lớp 9. Bài tập được thầy cô giao, kiểm tra kết quả thực hiện, chấm ngay bằng phần mềm chấm điểm trên điện thoại…, đòi hỏi học sinh phải nghiêm túc học tập, ôn luyện và khắc phục các nội dung còn hạn chế, bổ sung thêm kiến thức phục vụ cho kỳ thi.

Cô Nguyễn Thị Lan Hương- GV môn tiếng Anh, Trường THCS Xuân La cho hay: Với việc học trực tuyến, học sinh lớp 9 vừa song song hoàn thiện chương trình, vừa tiến hành ôn tập và làm đề tổng hợp qua các bài làm trên Google form mỗi tuần 2 buổi. Theo kế hoạch và nội dung ôn tập được xây dựng từ đầu năm học, mỗi giáo viên trong nhóm tiếng Anh của trường tập trung cho học sinh tập dượt làm các dạng đề thi, sau đó sử dụng phần mềm chấm điểm để nắm bắt kết quả làm bài của các em, phát hiện những kiến thức còn hổng để kịp thời bổ sung.

Năm học này, Trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa) có 350 học sinh lớp 9. Thầy Nguyễn Cao Cường- Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Hiện nay trường được Microsoft Việt Nam hỗ trợ tài khoản Office 365 online để sử dụng ứng dụng Teams cho toàn bộ GV, HS miễn phí lâu dài. Trên cơ sở phần mềm ổn định này, trường xây dựng kế hoạch dạy học được điều chỉnh tinh giản cho phù hợp dạy học trực tuyến. Nhà trường ưu tiên 3 môn Toán, Văn, Anh cho học sinh lớp 9.

Theo thầy Cường, ngoài dạy học theo thời khóa biểu của nhà trường, các thầy cô phân loại và dạy bồi dưỡng cho học sinh khá giỏi, kèm cặp học sinh yếu kém. Bên cạnh đó, hệ thống bài giảng trên truyền hình do Sở GD&ĐT phối hợp Đài PTTH Hà Nội ghi hình năm trước cũng được nhà trường đăng tải trên website trường để hỗ trợ học sinh học tập, ôn luyện. Việc làm này duy trì kể cả sau khi học sinh quay trở lại học trực tiếp.

Cũng như vậy, thầy Nguyễn Đức Bình, Hiệu trưởng Trường THCS Khánh Thượng (huyện Ba Vì) cho hay, nhà trường đã tổ chức khảo sát, phân loại để có kế hoạch dạy học phù hợp và xây dựng phương án hỗ trợ học sinh 3 môn Toán, Văn, Anh theo các diện học lực khác nhau. Với môn ngoại ngữ, nhà trường rèn cho học sinh đồng đều cả 4 kỹ năng: Nghe, nói, đọc, viết.

Dự kiến cuối tháng 2, Hà Nội sẽ công bố phương án tuyển sinh vào lớp 10. Năm học 2021-2022, chỉ tiêu vào lớp 10 các trường THPT công lập tại Hà Nội chiếm khoảng 62% số học sinh dự tuyển, số chỉ tiêu còn lại dành cho các loại hình khác, như trường ngoài công lập, trường công lập tự chủ tài chính, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.