Sức hấp dẫn của mạng internet đã lôi cuốn con người đặc biệt là giới trẻ và nó đã tạo ra bộ phận “cư dân mạng”. Đây chính là đối tượng đã hình thành nên lực lượng sáng tác mạng, độc giả mạng và tạo ra cả hình thức mới cho quy trình vận hành sáng tác, lưu truyền, xuất bản thưởng thức trong môi trường mạng.
Internet đã dẫn đến sự giao lưu văn hóa, sự nở rộ phong trào viết cho mạng nhất là báo chí điện tử, các trang điện tử chính thống của các ngành, các cơ quan, đoàn thể, các trang website, blog của các đơn vị trường, của thầy cô giáo, của các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học đã góp phần nuôi dưỡng, quảng bá giúp cho văn học mạng có một đời sống sôi động, nhiều ý nghĩa.
Vốn có của văn học là chức năng giao tiếp nay lại được hỗ trợ thêm những ưu thế của mạng trở thành một hiện tượng giao tiếp đặc biệt. Khả năng kết nối, cập nhật, khả năng tương tác, khuếch tán... Nhờ thế mà sự giao lưu giữa tác giả và bạn đọc được diễn ra một cách chủ động, mạnh mẽ, tự do, nhanh chóng, tức thời và đa dạng hơn, điều mà văn học in ấn khó lòng so sánh. Nó đã tao ra một hệ quả là các “cơn sốt” bình luận hoặc chuyển một tác phẩm từ sáng tác cá nhân thành sáng tác tập thể.
Tuy văn học học mạng hiện nay chưa thể “phủ sóng” đến tất cả mọi người, vì còn một số người chưa có điều kiện tiếp cận với máy tinh và mạng Internet.
Nhưng với khả năng siêu liên kết, với các hiệu ứng âm thanh, hình ảnh và những ứng dụng kĩ thuật truyền thông đa phương tiện khác đã đem lại cho các tác phẩm văn học mạng những hình thức biểu đạt mới, góp phần đa dạng hóa diện mạo nền văn học hiện đại.
Cho nên trong thời gian qua, thời gian mà văn hóa đọc bị văn hóa nghe, nhìn cạnh tranh gay gắt, khốc liệt nhưng văn học mạng đã thu hút đáng kể lượng người đọc và bình luận.
Tuy đã có rất nhiều nỗ lực của các nhà chuyên môn, các thầy cô giáo trong việc dạy văn- học văn nhưng phải công nhận rằng đời sống văn học của nhà trường vẫn còn ít nhiều bất cập. Nguyên nhân của tình trạng này có rất nhiều lí do, trong đó có nguyên nhân văn học nhà trường đang bị chịu sức ép cạnh tranh của các loại hình văn hóa khác được hỗ trợ đắc lực của khoa học công nghệ như ca nhạc, phim ảnh, truyền hình, báo chí, giải trí kĩ thuật số…
Thật khó cho các em học sinh đứng trước vô số sự lựa chọn hưởng thụ văn hóa lại có thể bỏ qua tất cả để rồi lựa chọn đọc một cuốn sách dày vài nghìn chữ. Chính vì điều này đã tạo nên khoảng cách giữa các em học sinh với các tác phẩm văn học đã được chọn in ấn đưa vào chương trình để giảng dạy càng ngày càng xa.
Hệ quả tất yếu là đã có một bộ phận học sinh không nhỏ ngày càng thờ ơ với bộ môn Văn, nếu có học chẳng qua là chiếu lệ, đối phó. Môn Văn đang mất dần sức hút hấp dẫn vốn có của nó trong guồng quay khắc nghiệt của nền kinh tế thị trường.
Nên trước tình hình này, việc làm tươi mới nguồn tư liệu và khởi phát cảm hứng cho người dạy và người học văn là một việc làm hết sức cần thiết. Trong thời đại bùng nổ thông tin và tri thức loài người được phát triển với tốc độ như vũ bão thì ta cần phải gắn kết đời sống văn học nhà trường với nền văn học đương đại qua văn học mạng theo hướng tích cực.
Vì văn học mạng tận dụng được ưu thế “mạng” trong mối tương quan với văn học in ấn bởi người đọc, người học chủ yếu là thế hệ trẻ, một lớp người luôn nhạy cảm và tiếp cận nhanh với Internet và có đời sống chịu ảnh hưởng của văn hóa mạng.
Thực tế ta đã thấy có nhiều forum, website, blog, faceebook của học sinh có liên quan đến việc thưởng thức, sáng tác văn học. Số lượng người truy cập, bình luận dành cho các tác phẩm văn học mạng đa số là thế hệ trẻ, học sinh. Sức hấp dẫn của Internet với thế hệ trẻ không thể cưỡng nỗi.
Tiếp cận với văn học mạng là đến với văn hóa mạng, đến với xã hội tri thức và hình thức học tập suốt đời, kích thích tính chủ động tích cực trong truy tìm thông tin và tiếp cận với thành tựu khoa học công nghệ.
Sức hấp dẫn của văn học mạng là không thể phủ nhận vì nó mang tính đồng điệu giữa tác giả với người đọc, khả năng tương tác, tính tốc độ cập nhật cho phép người đọc có thể giải tỏa ngay tâm lý hoặc tham gia đồng sáng tạo trong quá trình giao lưu tiếp nhận, hình thức biểu hiện sinh động, mang tính thời sự, các sự kiện, âm hưởng của cuộc sống đương đại, khả năng tập hợp diễn đàn.
Văn học mạng không chỉ góp phần thỏa mãn nhu cầu giải trí lành mạnh mà còn làm tăng cường hứng thú và khả năng tự học, tự giáo dục bằng các tác phẩm có giá trị đối với học sinh.
Sự tiếp cận với mạng và văn học mạng là tính tất yếu của thời đại, vấn đề là cần có giáo dục, định hướng cho thế hệ trẻ, học sinh tiếp cận văn học mạng như thế nào trong lúc văn học mạng có cả giá trị văn hóa tốt đẹp lẫn yếu tố xấu.
Nên các nhà giáo nhất là các thầy cô giáo Ngữ văn cần có lối ứng xử phù hợp, không thờ ơ, lảng tránh, phủ nhận mà phải nghiêm túc nghiên cứu để kịp thời nắm bắt đối tượng đưa ra những định hướng tiếp nhận đúng đắn cho học sinh. Tuy chưa có thể đưa văn học mạng vào hoạt động dạy chính thống của nhà trường nhưng ta có thể đưa vào các buổi hoạt động ngoại khóa.