Mỏi mòn cử nhân đợi việc

Mỏi mòn cử nhân đợi việc

(GD&TĐ) - Tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp đang gia tăng. Nhiều cử nhân phải làm trái ngành, thậm chí chấp nhận đi bán hàng thuê, làm đủ nghề cốt để có công việc và có thu nhập trang trải cho cuộc sống thường nhật.

c
Nhiều sinh viên đã đến các hội chợ, phiên giao dịch việc làm để tìm kiếm cơ hội cho mình. Ảnh: Minh Hằng

Không đủ kiên nhẫn chờ việc

Tốt nghiệp ngành Báo chí tuyên truyền Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn đã gần 3 năm, từng bươn trải với đủ nghề, nhưng Bùi Thị Thu Hường, quê Quảng Bình vẫn đang trong những tháng ngày đầy khó nhọc vì thất nghiệp.

Với mơ ước được làm nhà báo, năm 2006, Hường quyết định ra Hà Nội thi vào ngành Báo chí tuyên truyền của Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn và  trúng tuyển. Những tưởng ước mơ làm nhà báo sẽ thành hiện thực. Nhưng kể từ khi ra trường (năm 2010) đến nay, Hường đã nộp hồ sơ xin vào nhiều tòa soạn nhưng không được.

Hường cho biết: “Có những chỗ vừa mới mang hồ sơ đến người ta đã bảo không được đâu mà nộp, có nơi thì người ta nhận hồ sơ nhưng không thấy hồi âm. Bố mẹ cũng chạy vạy, để cố xin cho em về làm ở báo tỉnh hoặc đài truyền thanh huyện nhưng cũng không được.

Hồi mới ra trường em cũng đã xin đi làm cộng tác viên ở nhiều báo. Nhưng thu nhập từ tiền nhuận bút của mấy bài báo không đủ chi tiêu trong cuộc sống. Không thể để gia đình chu cấp mãi được nên em phải bỏ và chuyển sang bán hàng, từ việc làm nhân viên bồi bàn cho nhà hàng, quán cà phê, interner đến bán hàng thuê sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ, bếp gas, quần áo v.v…thu nhập bình quân cũng chỉ được 2 - 3 triệu/tháng.

Vừa rồi em đang bán thuê quần áo cho một chủ hàng ở phố cổ Hà Nội.  Không may gia đình nhà chủ có chuyện, cửa hàng đóng cửa thế là em bị mất việc. Chán nản em về quê tìm việc nhưng khổ nỗi về quê cũng không có việc mà tìm. Vậy là lại “khăn gói quả mướp” ra Hà Nội. May mắn em vừa xin được làm nhân viên bán hàng nội thất cao cấp.

Nhiều lúc em nghĩ sao con đường lập thân, lập nghiệp của mình lại lắm gập ghềnh, gian truân đến thế - Hường buồn bã tâm sự.

Chờ qua cơn khủng hoảng kinh tế

Cùng chung cảnh ngộ như Hường, Trần Quang Huy ở Sóc Sơn, Hà Nội tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Hà Nội vẫn đau đáu một điều bao giờ có được một công việc ổn định. Ra trường được hơn một năm, Huy vẫn đang “dài cổ chờ việc”.

Huy cho biết: Một số công ty cũng gọi đi làm nhưng đến nhận việc mới hay là công việc mình làm không khác gì công nhân, lương bổng thì không xứng đáng nên Huy đã bỏ việc và tiếp tục chờ cơ hội.

Trường hợp của Nguyễn Văn Nhạc cũng không có gì sáng sủa hơn. Tốt nghiệp Đại học Mở Hà Nội, chuyên ngành Quản trị kinh doanh được hơn 5 năm nhưng công việc của Nhạc vẫn bấp bênh, nay làm cho công ty này, mai làm cho công ty khác.

Vừa rồi công ty mà Nhạc làm việc phải đóng cửa vì làm ăn không có lãi, vậy là Nhạc thêm một lần nữa thất nghiệp và tiếp tục hành trình đi xin việc như thủơ mới ra trường.

Nhạc chia sẻ “đã mấy tháng rồi mình phải sống dè sẻn bằng khoản tiền tiết kiệm ít ỏi dành dụm được, nay còn thất nghiệp không biết cuộc sống sau này như thế nào.

Trời mùa hè oi bức, căn phòng trọ chật hẹp, đôi lúc cũng muốn chuyển chỗ ở nhưng lại không đủ điều kiện nên đành đợi khi nào có việc làm ổn định hẵng hay.

Cũng vì công việc bấp bênh nên đã hơn 30 tuổi nhưng không dám nghĩ đến chuyện vợ con. Còn bây giờ trước mắt mình cần có một công việc để có thu nhập và trang trải cho cuộc sống hiện tại."

Buồn và lo lắng là vậy, nhưng cả Hường, Huy, Nhạc vẫn gắng lạc quan tiếp tục nộp hồ sơ xin việc, chờ qua cơn khủng hoảng của nền kinh tế.

Nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu và Phân tích chính sách Trường ĐH KHXH-NV (ĐHQG Hà Nội)

- Có tới 26,2% cử nhân được khảo sát chưa hoặc không tìm được việc làm.

- Trong số này, có tới 58,2% không biết xin việc ở đâu, 42% còn lại cho hay bị nhà tuyển dụng từ chối do không đáp ứng được yêu cầu.

- Ngay cả những cử nhân đã đi làm cũng gặp không ít thách thức, khi 61% nói mình thiếu kỹ năng làm việc, 42% thiếu kinh nghiệm và có tới 32% thiếu kiến thức chuyên môn.

(Nguồn: Báo Người lao động)

Minh Hằng (ghi)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian