Mở rộng hay không?

GD&TĐ - Nhóm 5 nước trong BRICS đang chiếm hơn 41% dân số toàn cầu (3,2 tỷ dân), 26,6% diện tích đất liền (39,7 triệu km vuông) và gần 1/4 GDP của thế giới.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Giới chức Brazil ngày 3/8 đưa ra lập trường của nước này về tầm quan trọng của việc BRICS phải thể hiện sự gắn kết của nhóm sáng lập, do đó việc mở rộng mạnh mẽ và nhanh chóng của khối kinh tế này có thể khiến nó trở thành một tổ chức khác so với thiết kế ban đầu.

Nhóm 5 nước trong BRICS đang chiếm hơn 41% dân số toàn cầu (3,2 tỷ dân), 26,6% diện tích đất liền (39,7 triệu km vuông) và gần 1/4 GDP của thế giới. Vai trò và ảnh hưởng của khối đối với kinh tế toàn cầu càng gia tăng mạnh mẽ sau khi cuộc xung đột Nga - Ukraine dẫn đến những biến động của nền kinh tế thế giới. Khối đang phát triển các giải pháp thay thế cho các tổ chức tài chính quốc tế hiện nay như Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới.

Với tầm ảnh hưởng ngày càng mở rộng, đến tháng 7/2023 đã có 22 quốc gia chính thức nộp đơn xin gia nhập khối BRICS để tận dụng các lợi ích từ tổ chức này. Bên cạnh đó còn có hơn 20 quốc gia khác đề cập một cách không chính thức về ý định muốn trở thành thành viên của BRICS.

Trước diễn biến mới và triển vọng mở rộng khối, nhóm 5 nước sáng lập BRICS là Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi đang thảo luận những tiêu chí chính thức để có thể tiến hành kết nạp các ứng viên mới. Khối kỳ vọng có thể đạt được thống nhất trong vấn đề này trước khi hội nghị thượng đỉnh BRICS diễn ra tại Johannesburg (Nam Phi) từ ngày 20 đến 22/8 tới.

Trái với lo ngại về sự thay đổi của Brazil, hai nước Nga và Trung Quốc lại đang bày tỏ sự ủng hộ đối với việc mở rộng BRICS. Còn Nam Phi ủng hộ động thái này với điều kiện là các quy tắc kết nạp thành viên cần phải được xem xét một cách chặt chẽ. Trong khi đó, thành viên thứ năm của khối là Ấn Độ thì đang tỏ ra dè dặt và chưa thể hiện rõ ràng ủng hộ hay phản đối.

Quốc gia duy nhất thể hiện quan điểm cứng rắn về vấn đề mở rộng BRICS là Brazil và nước này đang đề xuất một quá trình mở rộng một cách từ từ để khối BRICS có thể duy trì được sự cân bằng và giữ vững vai trò chủ đạo cho 5 thành viên sáng lập.

Điểm chung của các nước sáng lập BRICS là đều có dân số đông hàng đầu thế giới, diện tích rộng và sở hữu tiềm lực quân sự rất lớn. Đây cũng là các nền kinh tế mới nổi có tiềm lực mạnh, tổng GDP của các nước thành viên có tốc độ tăng trưởng nhanh và ổn định trong hàng chục năm qua và dự kiến sẽ còn tăng mạnh trong nhiều năm tới.

BRICS còn được xem là đối thủ địa chính trị hàng đầu của khối các nước giàu nhất thế giới G7. Theo các chuyên gia, sức hút của nhóm các nền kinh tế mới nổi này chủ yếu đến từ việc khối đang gia tăng tầm ảnh hưởng toàn cầu và hướng tới mục tiêu thiết lập trật tự thế giới mới.

Việc quyết định có kết nạp thành viên mới hay không trong hội nghị thượng đỉnh tại Nam Phi vào cuối tháng này sẽ có vai trò mang tính cột mốc, đánh dấu BRICS thực sự lập ra một trật tự thế giới mới trong bối cảnh toàn cầu đang chứng kiến nhiều biến động khó lường như hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ