Trường vùng khó tăng cường kỹ năng cho trẻ vào lớp 1

GD&TĐ - Bên cạnh các hoạt động tăng cường tiếng Việt, nhiều trường học ở vùng cao đã đa dạng hóa hình thức rèn kỹ năng giúp trẻ tự tin bước vào lớp 1.

Trường Mầm non Mường So, huyện Phong Thổ rèn tiếng Việt cho trẻ 5 tuổi.
Trường Mầm non Mường So, huyện Phong Thổ rèn tiếng Việt cho trẻ 5 tuổi.


Tăng cường tiếng Việt

Huyện Phong Thổ (Lai Châu) có 96% đồng bào dân tộc thiểu số. Khó khăn lớn nhất của học sinh khi đến trường là khả năng sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp, học tập chưa thành thạo. Vì vậy, để trẻ bước vào lớp 1 vững vàng, ngành GD&ĐT huyện Phong Thổ đã lồng ghép nhiều giải pháp trong hoạt động giảng dạy tiếng Việt ở bậc mầm non.

Thời gian qua, Trường Mầm non xã Lản Nhì Thàng, huyện Phong Thổ đã xây dựng môi trường tiếng Việt phong phú, đa dạng. Nhà trường đã áp dụng linh hoạt phương pháp dạy học, tổ chức dạy học song ngữ, tăng cường tiếng Việt trong tất các các hoạt động giáo dục khi trẻ đến lớp.

Nhà trường quan tâm tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng sống; hoạt động trải nghiệm thực tế có sự tham gia, trợ giúp từ phía phụ huynh; tích cực tuyên truyền vận động cha mẹ thường xuyên giao tiếp bằng tiếng Việt với trẻ khi ở nhà.

“Tôi áp dụng linh hoạt phương pháp dạy học, lấy trẻ làm trung tâm, chú trọng trao đổi giúp các em hoàn thiện việc phát âm. Cùng đó, tôi kết hợp dạy nói và nghe tiếng Việt thông qua các hình thức như: Cho trẻ làm quen văn học, âm nhạc, hoạt động vui chơi, trải nghiệm”- cô Nọi chia sẻ.

Là giáo viên chủ nhiệm lớp mẫu giáo lớn 5 tuổi, ngoài chăm sóc trẻ, cô Lò Thị Nọi, Trường Mầm non xã Lản Nhì Thàng đặc biệt quan tâm đến dạy tiếng Việt cho trẻ dân tộc.

Ông Khổng Văn Thiện, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phong Thổ cho biết: “Cụ thể hoá đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số, ngành GD&ĐT huyện đưa ra nhiều giải pháp giúp học sinh có thêm cơ hội học tập. Cùng với học trên lớp, chúng tôi tăng cường tuyên truyền các bậc phụ huynh tích cực trò chuyện với trẻ bằng tiếng Việt mọi nơi, mọi lúc”.

Cô giáo Hoàng Thị Hằng, Trường Mầm non xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường cho biết: “Để trẻ đủ kiến thức, kỹ năng bước vào lớp 1, chúng tôi rèn chữ cái, cách phát âm chuẩn 29 chữ cái, kỹ năng cầm bút, tư thế ngồi và cách tô theo chiều các chữ cái. Ngoài ra, giáo viên tận dụng học liệu sẵn có tại địa phương để tăng cường tiếng Việt cho trẻ; rèn cho các em về số và cách chia tách, gộp số để học tốt môn Toán”.

Tại Trường Mầm non xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn có 380 trẻ, trong đó có 114 trẻ 5 tuổi. Theo cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Vân Anh, với 100% trẻ người dân tộc thiểu số nên việc tăng cường tiếng Việt được nhà trường chú trọng.

“Trường có 17 giáo viên người dân tộc, một số giáo viên lại là người địa phương nên chúng tôi bố trí những giáo viên này trực tiếp giảng dạy, áp dụng song ngữ để tăng cường tiếng Việt cho trẻ. Qua đó, các em có thể tự tin hơn khi sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp, tạo điều kiện thuận lợi để trẻ bước vào lớp 1” – cô Nguyễn Thị Vân Anh cho hay.

Cũng theo cô Vân Anh, đơn vị đã phối hợp với Trường Tiểu học Nậm Chà để kiểm tra chất lượng trẻ 5 tuổi. Qua đó, đảm bảo trẻ có đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết khi chuyển cấp.

Trường Tiểu học Kim Đồng (TP Lào Cai) rèn kỹ năng sử dụng máy tính cho trẻ.

Trường Tiểu học Kim Đồng (TP Lào Cai) rèn kỹ năng sử dụng máy tính cho trẻ.

Giúp trẻ không bỡ ngỡ môi trường mới

Kết thúc năm học, được sự cho phép của Sở, Phòng GD&ĐT và tinh thần tự nguyện của phụ huynh, Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, thành phố Lào Cai đã tổ chức hoạt động “Rèn kỹ năng cho học sinh chuẩn bị vào lớp 1”.

Cô Bùi Thị Việt Hà, Hiệu trưởng nhà trường trao đổi: “Với các chủ đề rèn các kĩ năng phù hợp với lứa tuổi, vui nhộn và ý nghĩa, học sinh được làm quen với môi trường lớp học mới; Xây dựng và phát triển tinh thần đồng đội, tự tin trong việc thể hiện bản thân, cùng nhau tạo nên môi trường rèn luyện tích cực và hạnh phúc”.

Mỗi tuần, học sinh được tham gia vào các chủ đề khác nhau, từ “Gặp gỡ, làm quen” đến “Điều em muốn nói”. Cùng đó, các em được tham gia những hoạt động tập thể ngoài sân trường, tăng cơ hội để tìm hiểu về nhau, xây dựng mối quan hệ tình bạn, sự tự tin diễn đạt bày tỏ ý kiến. Bên cạnh đó, nhà trường cũng tổ chức các hoạt động nhóm, rèn kỹ năng giao tiếp tiếng Anh và Nghệ thuật, giúp học sinh phát triển về tư duy, sự sáng tạo và tinh thần hợp tác đồng đội.

Cô Hà đánh giá: “Sau 5 tuần tham gia các hoạt động “Rèn kỹ năng cho học sinh chuẩn bị vào lớp 1” đã giúp các em không những làm quen với những kỹ năng cơ bản, cần thiết mà còn phát triển các kỹ năng xã hội, tư duy logic, tinh thần hợp tác và khơi dậy sự sáng tạo”.

Cuối tháng 7, Trường Tiểu học Bắc Cường, thành phố Lào Cai cũng tổ chức các hoạt động hè cho 250 trẻ chuẩn bị bước vào lớp 1. Cô Trần Thị Minh Chung, Hiệu trưởng cho biết: “Dự kiến năm học tới, nhà trường tuyển sinh 360 học sinh lớp 1. Trong dịp hè có 250 em tự nguyện đăng ký đến trường rèn kiến thức, kỹ năng cơ bản. Đây là khoảng thời gian để các em làm quen với môi trường, bạn bè mới”.

Thầy Bùi Văn Cát, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bản Phùng, thị xã Sa Pa (Lào Cai) cho biết: “Sau khi kết thúc bồi dưỡng chuyên môn hè cho giáo viên, khoảng giữa tháng 8, chúng tôi sẽ đón học sinh lớp 1 tựu trường. Trường sẽ dành 2 tuần để rèn các kiến thức, kỹ năng cơ bản cho học sinh lớp 1. Đồng thời tổ chức cho các em làm quen với trường, lớp và bạn bè mới”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.