Tiềm năng của BRICS

GD&TĐ - Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS dự kiến tổ chức hội nghị thượng đỉnh khối tại thành phố Johannesburg (Nam Phi) vào ngày 22 - 24/8.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Hồi cuối tháng 7, Nam Phi, quốc gia chủ tịch của BRICS, tiết lộ hơn 40 quốc gia đã bày tỏ mong muốn hoặc quan tâm đến việc gia nhập nhóm này, mở ra tiềm năng cho các nền kinh tế đang phát triển.

Từ BRICS ban đầu là tên viết tắt của Brazil, Nga (Russia), Ấn Độ (India), Trung Quốc (China) và Nam Phi (South Africa), được xuất hiện trong báo cáo của ngân hàng đầu tư quốc gia Goldman Sachs.

Vào thời điểm đó, đây là những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững. BRICS đang dần trở thành diễn đàn ngoại giao và tài chính phát triển bên ngoài phương Tây.

BRICS xuất hiện từ năm 2001 nhưng gần đây, nhóm này nhận được sự quan tâm đặc biệt trên trường quốc tế với nhu cầu mở rộng mạnh mẽ. Nhu cầu này xuất phát từ bối cảnh xung đột Nga – Ukraine, cạnh tranh Mỹ - Trung và đối đầu Đông – Tây.

Là nền tảng thúc đẩy hợp tác giữa các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển, BRICS cam kết duy trì chủ nghĩa đa phương, cải cách hệ thống quản trị toàn cầu, đồng thời tăng cường tiếng nói của các nước đang phát triển. Các quốc gia thành viên gia nhập BRICS có thể hy vọng giữ vai trò tích cực, ổn định, mang tính xây dựng trong các vấn đề quốc tế và nhận được tài trợ phát triển.

Trong những quốc gia mong muốn gia nhập BRICS, một số cái tên đáng chú ý có thể kể đến như Ai Cập, Arab Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ. Mỗi quốc gia này đều chiếm vai trò quan trọng trong các vấn đề đối ngoại. Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của NATO, Ai Cập và Arab Saudi là những quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn trên thế giới.

Việc các nước này bày tỏ nguyện vọng gia nhập BRICS có thể là tín hiệu cho thấy quan hệ giữa họ với Nga, Trung Quốc và Ấn Độ ngày càng tích cực, gắn bó cả về thương mại lẫn quốc phòng. Nếu ba quốc gia này gia nhập BRICS trong thời gian tới có nguy cơ làm thay đổi vai trò và vị trí của Mỹ trong khu vực và trong các chính sách đối ngoại với Washington.

Mong muốn giảm sự phụ thuộc vào phương Tây cũng đi kèm với mục đích nâng tầm vị thế của các quốc gia đang phát triển. Việc BRICS đang tích cực xem xét giao dịch nội khối bằng đồng tiền riêng, dẫn đến nguy cơ “phi dollar hóa” cũng đã chứng minh cho mục tiêu trên. Nếu sử dụng một đồng tiền riêng, BRICS có thể củng cố vị thế trong các vấn đề toàn cầu.

Tuy nhiên, để cân bằng hai mục tiêu trên là thách thức với BRICS và có thể gây bất đồng ngay trong nội bộ của khối. Nếu giảm sự phụ thuộc vào phương Tây, Trung Quốc hay Nga sẽ phải gánh vác phần lớn trách nhiệm kinh tế. Đây là gánh nặng lớn với hai quốc gia đang từ từ khôi phục kinh tế sau dịch Covid-19 và xung đột với Ukraine.

Cần lưu ý việc giảm sự phụ thuộc vào phương Tây không đồng nghĩa BRICS muốn “hạ gục” phương Tây. Mục tiêu của khối vẫn là thiết lập một thế giới công bằng, toàn diện hơn để các quốc gia đang phát triển có cơ hội thể hiện tiếng nói và tiềm năng của mình. Liệu BRICS có thể thay đổi trật tự thế giới từ đơn cực sang đa cực hay không là điều mà thế giới đang trông đợi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.