Quảng bá tiếng Việt
Tô Hoài Quỳnh Châu hiện đang làm việc ở Hiệp hội doanh nghiệp Singapore tại TPHCM. Dù công việc bận rộn, cô vẫn cố gắng cùng các tình nguyện viên của ILV dạy tiếng Việt miễn phí cho người nước ngoài. Dự án ILV được Châu thực hiện từ năm 2011, khi đang là sinh viên năm 2 khoa Ngữ văn Anh, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM.
“Dự án hướng đến truyền bá rộng rãi ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam cho tất cả mọi người đến từ nhiều nơi trên thế giới. Đồng thời, giúp các bạn trẻ Việt Nam phát triển kỹ năng cần thiết cho công việc và cuộc sống”, Châu cho hay.
Tô Hoài Quỳnh Châu (thứ 3 từ trái sang) cùng các học viên người nước ngoài. Ảnh: Nhân vật cung cấp) . |
Quỳnh Châu cho biết: “Ý tưởng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài của mình được chị họ có tên tiếng Anh là Stephanie ủng hộ và tạo thông báo trên trang expatblog. Không ngờ, bài thông báo đó được rất nhiều người hưởng ứng”.
Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều người nước ngoài đã tìm đến lớp khiến Châu phải vừa sắp xếp lịch dạy, vừa kêu gọi bạn bè hỗ trợ, chia sẻ học viên. Đến nay, hàng trăm tình nguyện viên đã tham gia ILV và cũng có 300 học viên người nước ngoài tự tin giao tiếp bằng tiếng Việt.
Ngay từ những ngày đầu đến nay, các lớp dạy tiếng Việt của ILV đều thuộc dạng “dã chiến”, khá linh động tiện lợi cho người dạy và người học, như quán cà phê, công viên, căng-tin...
Châu cho biết, trong giờ học mọi người đều nói tiếng Việt. Bắt đầu buổi học, các học viên đều được phát tập giấy có hình ảnh kèm theo chữ viết phía sau. Mỗi từ trên hình, học viên sẽ được hướng dẫn gọi tên, ghép chữ, đặt câu và luôn khuyến khích đặt câu hỏi.
Để tạo hứng thú và thuận tiện cho người học, các bài học và cách dạy sẽ căn chỉnh theo nhu cầu của học viên. Cùng một buổi học, nhưng có học viên sẽ học những mẫu thoại giao tiếp trong công ty, quán ăn, quán cà phê; có học viên học giao tiếp đi mua sắm ở chợ, siêu thị…
Trang bị hành trang cho các bạn trẻ
Không chỉ góp phần truyền bá ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam, các hoạt động của ILV đã mang đến nhiều cơ hội, trải nghiệm cho các bạn trẻ tham gia dự án. Trong đó, có cơ hội hiểu biết thêm và trau dồi tiếng Việt, nhiều nét văn hóa của dân tộc.
Để giải thích, trả lời câu hỏi của học viên về những điều tưởng chừng như đơn giản trong cách nói, hay đời sống của người Việt như: “tại sao ăn trầu là phong tục?”, “tại sao hay nói Chị nhặt cây viết của mình lên mà ít nói Chị nhặt cây viết của chị lên?”... các tình nguyện viên phải tra cứu, tìm đọc thêm.
Bên cạnh đó, ILV còn trở thành cầu nối để các bạn trẻ Việt mở rộng thêm mối quan hệ, học hỏi thêm về ngôn ngữ, văn hóa bản địa của học viên.
Tô Hoài Quỳnh Châu từng biết đến là 1 trong 7 sinh viên Việt Nam và 108 sinh viên quốc tế nhận học bổng của Global Undergraduate Exchange Program của Bộ Ngoại giao Mỹ (năm 2012) dành cho những sinh viên có tiềm năng lãnh đạo. Năm 2014, cô là một trong 5 đại diện của Việt Nam và 60 đại diện của Đông Nam Á tham gia tập huấn về kỹ năng mềm cho giới trẻ, do Young South East Asia Leader Initiative tổ chức (được Tổng thống Mỹ Barack Obama sáng lập). |