Trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của sinh viên
Từ năm 2018, trong hoạt động Mùa hè Xanh, Đoàn Thanh niên Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng thay đổi phương thức hoạt động. Ngoài một công trình đường nông thôn, Đoàn trường tiến hành một dự án dài hơn khi tổ chức các lớp học nhằm lan tỏa tinh thần khởi nghiệp cho HS các trường THPT trên địa bàn Hòa Vang.
Anh Lê Đình Quang Phúc – Bí thư Đoàn trường Trường ĐH Kinh tế cho biết: “Những bạn HS khi kết thúc THPT nếu theo các ngành kỹ thuật sẽ có những giải pháp về công nghệ nhưng không biết cách thương mại hóa sản phẩm. Nếu được trang bị các kiến thức cơ bản về kinh doanh, có tinh thần doanh nhân thì có thể tính tới chuyện “bán” được sản phẩm”.
Gần như trường ĐH nào cũng thành lập đội Công tác xã hội (CTXH) với tinh thần luôn đi đầu trong các chương trình tình nguyện, các hoạt động nhân đạo, chung sức vì cộng đồng. Như mô hình “Chương trình dạy học xã hội” của Đội Công tác xã hội, Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng với dự án dạy học tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng và cộng đồng được triển khai trong 6 năm qua.
Mỗi buổi tối có 15 SV trong đội CTXH của trường cùng học bài với những HS khiếm thị của trung tâm theo hình thức một kèm một. Niềm vui của các đội viên đội CTXH Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng là gần như năm nào Trung tâm cũng có vài HS thi đỗ ĐH, CĐ.
Bên cạnh các hoạt động hỗ trợ vật chất, công trình xây dựng và bảo vệ môi trường, tuổi trẻ ĐH Đà Nẵng đã có các phương thức tình nguyện khác nhau tùy theo đặc điểm kinh tế - xã hội ở từng địa phương, như: Chuyển giao mô hình nuôi trùn quế tự động kết hợp xử lý rác thải từ chăn nuôi cho người dân xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang), hỗ trợ giống và công nghệ trồng nấm sò tím cho huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam)...
Đối với các địa phương phát triển về du lịch, các TNV đã thiết kế website quảng bá mô hình du lịch sinh thái (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang), thực hiện video quảng bá du lịch và thiết kế các ấn phẩm du lịch (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam), vẽ bích họa trang trí trên bờ kè chắn sóng (huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi)...
Hình thức sinh hoạt CLB, đội nhóm tại các trường ĐH được đánh giá là đáp ứng được nguyện vọng, sở thích của SV trong môi trường học tập ở bậc ĐH. Như Trường ĐH Ngoại thương, từ CLB đầu tiên - CLB sinh viên NCKH được thành lập vào năm 1993, đến nay, hệ thống các CLB đã được xây dựng và phát triển mạnh mẽ tại cả 3 cơ sở: Hà Nội, TPHCM và Quảng Ninh với 68 CLB với khoảng 4.000 SV tham gia.
TS Nguyễn Ngọc Lan, Trưởng phòng Công tác chính trị - sinh viên Trường ĐH Ngoại thương cho biết: “Các CLB đã góp phần đóng góp xây dựng Chi bộ SV và công tác phát triển Đảng trong SV ở cả 3 cơ sở, đã cung cấp, bổ sung cho Đảng lực lượng trẻ có trí tuệ, tri thức, đạo đức và nhiệt huyết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Nuôi dưỡng lửa nhiệt tình của đoàn viên – sinh viên
Thành viên đội CTXH Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng hướng dẫn HS khiếm thị tự học tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng |
Gần như các CLB của Trường ĐH Ngoại thương đều đã xã hội hóa được nguồn kinh phí tương đối lớn để tổ chức hoạt động. TS Nguyễn Ngọc Lan cho biết, hàng năm, trung bình mỗi CLB cần ít nhất khoảng 60 - 100 triệu đồng để hoạt động. Với 68 CLB, trung bình mỗi năm đã xã hội hóa khoảng 4 - 6 tỷ đồng. Thạc sĩ Đinh Thị Mỹ Hạnh – Phó trưởng ban công tác HSSV, ĐH Đà Nẵng nhận xét: “Khó khăn lớn nhất trong duy trì và tổ chức hoạt động của các CLB, đội nhóm là kinh phí, gần như phải xã hội hóa hoàn toàn, trong khi SV phải dành thời gian cho học tập, ít kinh nghiệm và kỹ năng vận động tài trợ. Các CLB, đội nhóm chủ yếu phải dùng tiền quỹ từ các hoạt động gây quỹ tự mình tổ chức là chủ yếu”.
Một khó khăn nữa mà TS Nguyễn Ngọc Lan cũng thẳng thắn thừa nhận là cơ sở vật chất cho các hoạt động của CLB là vô cùng thiếu thốn, chưa đáp ứng được yêu cầu của các hoạt động, tổ chức chương trình, từ thiếu hội trường, phòng học, văn phòng…
Ở một góc độ khác, TS Phùng Khắc Bình, nguyên Vụ trưởng Vụ Công tác HSSV, Bộ GD&ĐT cho rằng, “ở một số trường có số lượng CLB đông, hoạt động chuyên sâu, rộng, vượt qua khả năng kiểm soát của nhà trường. Ở một số trường, chương trình hoạt động của CLB ít sáng tạo, đổi mới, cập nhật tình hình thực tiễn nên gây nhàm chán đối với SV tham gia liên tục. Hỗ trợ chuyên môn của nhà trường còn hạn chế do chưa có cơ chế cụ thể, giảng viên có kinh nghiệm thì bận nhiều, giảng viên trẻ chưa có kinh nghiệm”.
Theo đề xuất của TS Phùng Khắc Bình, cần đưa hoạt động CLB, đội nhóm là một hoạt động trong quá trình giáo dục và đào tạo của nhà trường để có chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức, quản lý, có cơ chế hỗ trợ chuyên môn và định hướng xã hội hóa hoạt động cho các CLB, tạo điều kiện hỗ trợ về CSVC và kinh phí tùy theo điều kiện của từng trường, có tiêu chí đánh giá, sử dụng kết quả hoạt động của CLB trong đánh giá SV.
TS Nguyễn Ngọc Lan nhấn mạnh, cần phải chú ý đặc biệt đến công tác đào tạo, bồi dưỡng lãnh đạo các CLB, đội nhóm; đánh giá và khen thưởng kịp thời những cá nhân, tập thể CLB có thành tích xuất sắc…