Tuy nhiên, để triển khai dạy học hiệu quả với hình thức này, đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực không nhỏ của các thầy cô giáo, lãnh đạo nhà trường.
Không để HS chưa đến trường bị bỏ lại phía sau
Trong điều kiện dịch bệnh, ngay từ đầu năm Ban giám hiệu Trường THPT Yên Thế (Bắc Giang) đã xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường để chủ động, linh hoạt ứng phó với tình hình Covid-19, bảo đảm hoàn thành chương trình năm học. Đó là kế hoạch dạy học trực tiếp bình thường; dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến; hoặc dạy học trực tuyến khi dịch bệnh bùng phát. Nhà trường đã đầu tư lắp đặt hệ thống wifi, webcam tại lớp học, bảo đảm chất lượng về hình, tiếng để HS không dự học trực tiếp vẫn có thể nghe giảng.
Chia sẻ của cô Nguyễn Thị Tuyển, năm học 2021 - 2022, lớp 12A8 do cô chủ nhiệm có em Nguyễn Thị Thùy Vân bị mắc kẹt trong Thành phố Hồ Chí Minh, không thể tham gia học trực tiếp cùng các bạn. Bản thân em rất lo lắng, phần vì dịch bệnh, phần vì sợ không theo kịp các bạn và đôi lúc có cảm giác “bị bỏ rơi”. Bên cạnh thường xuyên gọi điện nói chuyện, trấn an tâm lý HS, việc bố trí cho Thùy Vân theo dõi lớp học trực tuyến đồng thời cùng các bạn học trực tiếp cũng được triển khai, giúp em không bị gián đoạn việc học.
Tất nhiên, để tổ chức một lớp học vừa có HS học trực tiếp, vừa có HS học trực tuyến, cô Tuyển không tránh khỏi lúng túng trong thời gian đầu. “Giáo án khi dạy trực tiếp phải chuyển sang dạy vừa trực tiếp vừa trực tuyến. Khi chuyển sang dạy trực tiếp là chính, những HS không thể đến trường phải theo dõi bài giảng qua máy tính sẽ ít nhiều bị hạn chế, dễ chán nản, buồn ngủ, nên phải tìm tòi, thiết kế bài dạy để các em thích thú, hứng khởi, tập trung hơn. Đây cũng là lý do khiến tôi quá tải, việc quan tâm đến nhóm HS khó khăn không thể đến trường trong giai đoạn này cũng bị hạn chế” - cô Nguyễn Thị Thùy Vân chia sẻ.
Khi HS Hà Nội bắt đầu quay trở lại trường học, cô Vũ Thị Dung, giáo viên (GV) Trường THPT Xuân Phương cũng bắt đầu với lớp học “2 trong 1”. Cô chia sẻ, do yếu tố dịch tễ, một số HS không thể đến trường học trực tiếp, nhà trường chỉ đạo GV kết hợp dạy học trực tiếp và trực tuyến.
Theo đó, HS không thể đến trường sẽ học trực tuyến qua Zoom; trên lớp GV vẫn dạy trực tiếp bình thường, đồng thời sử dụng thiết bị ghi hình (như điện thoại) đặt trên chân giá (nhà trường trang bị) để ghi hình trực tiếp buổi học, phát qua phòng học Zoom cho HS theo dõi. Để làm được điều này, nhà trường đã phủ sóng wifi khắp trường và nâng cấp tốc độ đường truyền wifi lên mức cao nhất.
“Bản thân không gặp khó khăn gì ở lớp học “2 trong 1”. Chỉ tiếc là, giá như 100% HS có thể đến trường học trực tiếp thì tốt hơn. Vì ít nhất, khi đến trường tức là các em đang có sức khỏe tốt, ở vùng an toàn. Việc đến trường thay vì học trực tuyến cũng có nhiều lợi ích trong học tập và giải tỏa được tâm lý bức bối, cũng như khắc phục được những hệ lụy của việc học trực tuyến suốt thời gian qua” – cô Vũ Thị Dung cho hay.
Để triển khai tốt nhất lớp học đặc thù
Ngày 3/12, Trường THPT Lục Nam (Bắc Giang) có 7 HS là F1, F2 tham gia học trực tuyến. Ngày 13/12, các em hết thời gian cách ly và tham gia học đầy đủ. Trong thời gian chưa được đến trường, các HS này vẫn được học đầy đủ qua hình thức trực tuyến. Cô Hiệu trưởng Nguyễn Phương Lan thông tin: Để thực hiện học trực tuyến ổn định, bảo đảm chất lượng, nhà trường đã đăng ký với Microsoft Việt Nam khởi tạo miễn phí tài khoản Office 365 A1 với tên miền @thptlucnam.edu.vn cho 100% cán bộ, GV, HS.
Mỗi khối có 2 đến 3 lớp học (khối A, A1, D, HS đăng ký lựa chọn theo lớp phù hợp với năng lực bản thân) đã có hạ tầng cơ sở đầy đủ, gồm máy tính kết nối mạng, hệ thống camera, micro, hệ thống dạy học trực tuyến trên nền tảng Microsoft Teams, đáp ứng mục tiêu “2 trong 1”, sẵn sàng dạy trực tuyến cho những HS phải nghỉ do dịch bệnh hoặc lý do bất khả kháng.
““2 trong 1” là lớp học đặc thù. Để dạy học hiệu quả, GV cần thành thạo ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học; thiết kế bài giảng, sử dụng phương pháp dạy học phù hợp (vừa dạy trực tiếp trên lớp, vừa phải quan tâm đến HS theo dõi trực tuyến).
GV cập nhật danh sách HS học online trong các tiết dạy do ban giám hiệu cung cấp, tìm hiểu thông tin về đối tượng học trực tuyến; kiểm diện, quan tâm đến HS tham gia học trực tuyến trong tất cả các hoạt động dạy học trên lớp. Thầy cô cũng cần giao riêng nhiệm vụ về nhà cho HS học trực tuyến, sao cho các em có thể theo học song song cùng các bạn học trực tiếp trên lớp” - cô Nguyễn Phương Lan lưu ý.
Chia sẻ kinh nghiệm từ thực tế dạy học, theo cô Nguyễn Thị Tuyển, dưới sự hướng dẫn của ban giám hiệu, cô và GV bộ môn của lớp cùng trao đổi để đưa ra phương pháp hợp lý nhất. HS học trực tuyến được bố trí nghe giảng cùng các bạn ở lớp học trực tiếp qua Microsoft Teams. GV tạo lịch học, gửi link tham gia cho HS và GV bộ môn; đồng thời kiểm soát việc ra vào lớp của HS trong suốt quá trình học.
Như vậy, chỉ khác là HS không đến trường, còn mọi diễn biến và các hoạt động vẫn như ở trên lớp, từ việc phát biểu ý kiến, kiểm tra việc làm bài tập, trả lời câu hỏi của GV hoặc nghe các bạn trả lời câu hỏi trong tiết học. Ngoài ra, Microsoft Teams có chức năng ghi hình, các video bài giảng sẽ được lưu lại giúp HS có thể mở ra xem lại khi cần thiết.
“Việc giữ tương tác giữa thầy và trò cực kỳ quan trọng. Để duy trì được tương tác tốt, bảo đảm HS học tập nghiêm túc, có kết quả, tôi phải thực hiện song song nhiều biện pháp: Sưu tầm hoặc sử dụng các phần mềm hỗ trợ bộ môn có hình ảnh, âm thanh, video minh họa, thí nghiệm ảo... cho bài giảng sinh động; lồng ghép vừa dạy vừa có những hoạt động trò chơi, trắc nghiệm... để HS tập trung tham gia vào giờ học…” - cô Nguyễn Thị Tuyển chia sẻ.