TPHCM mở cửa trường học: Thầy trò tràn ngập niềm vui

GD&TĐ - Sau thời gian dài học trực tuyến, ngày 13/12, học sinh lớp 9 và lớp 12 ở TPHCM trở lại trường học trực tiếp. Cả giáo viên và học sinh đều vui mừng khi được gặp mặt.

Học sinh Trường THCS Lý Thánh Tông (Quận 8, TPHCM) được kiểm tra y tế trước khi vào lớp.
Học sinh Trường THCS Lý Thánh Tông (Quận 8, TPHCM) được kiểm tra y tế trước khi vào lớp.

Xây dựng bộ công cụ nhận diện Covid-19

Tại Trường THPT Võ Văn Kiệt, TPHCM, 6 giờ 30 phút sáng đã có nhiều học sinh đến trường. Ban giám hiệu, bộ phận quản sinh, cùng giáo viên chủ nhiệm cũng có mặt từ rất sớm để theo dõi và hướng dẫn.

Theo cô Lê Thị Hồng Anh - Phó Hiệu trưởng nhà trường, có 541/563 học sinh lớp 12 đến trường. Trong ngày đầu đến trường, học sinh thực hiện khai báo trình trạng sức khỏe tại nhà trên phần mềm ứng dụng do Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của nhà trường thiết kế. Việc làm này sẽ thực hiện trong suốt thời gian các em học trực tiếp nhằm rà soát, sàng lọc trường hợp có dấu hiệu nghi nhiễm hoặc các em có sức khỏe không tốt.

“Học sinh đến trường phải tuân thủ quy tắc 5K, đo thân nhiệt tại cổng trường, quét mã QR khai báo y tế, di chuyển theo sơ đồ chỗ ngồi đến phòng học và chia lớp. Đặc biệt, nhà trường xây dựng Bộ công cụ nhận diện và ứng xử văn minh khi có dấu hiệu nghi nhiễm Covid-19 tại trường học, trang bị cho tất cả học sinh khối 12 và thầy cô giáo cùng các bộ phận liên quan. Mục đích là giúp thầy và trò nhận biết và ứng xử khi phát hiện ca nghi nhiễm tại trường nhằm ổn định tâm lý học sinh và phụ huynh”, cô Lê Thị Hồng Anh chia sẻ.

Tại Trường THCS Lý Thánh Tông (Quận 8, TPHCM), thầy Nguyễn Long Giao - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: 283/283 HS lớp 9 đến trường trong ngày 13/12 đạt tỷ lệ 100%. Trước khi đến trường, học sinh khai báo y tế  thông qua mã QR code  PC-Covid. Khi vào cổng, các em phải đo thân nhiệt, quẹt thẻ thông minh, rửa tay sát khuẩn. Học sinh được cán bộ y tế địa phương tập huấn và hướng dẫn về phòng chống Covid-19.

Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 của trường tiến hành diễn tập tình huống giả định xử lý khi có F0, F1 tại lớp học. Sau buổi diễn tập, giáo viên  thông tin nội dung dạy học cho ngày hôm sau trên tinh thần vừa dạy vừa củng cố lại kiến thức cho học sinh.

“Học sinh rất vui, thầy cô giáo cũng rất phấn khởi khi dạy học trực tiếp tại trường”, thầy Nguyễn Long Giao chia sẻ.

Nói về cảm xúc khi đến trường đi học trực tiếp, em Tăng Thiên Phú (HS lớp 9 Trường THCS Chánh Hưng, Quận 8, TPHCM) chia sẻ: “Từ đầu năm học đến nay chỉ học online nên khi nghe thông tin được đi học trực tiếp em xúc động lắm. Mẹ đã chuẩn bị sẵn nước sát khuẩn, khẩu trang để em mang theo đến trường”.

Giáo viên Trường THCS Chánh Hưng (Quận 8, TPHCM) hướng dẫn HS các biện pháp an toàn phòng chống dịch (13/12).
Giáo viên Trường THCS Chánh Hưng (Quận 8, TPHCM) hướng dẫn HS các biện pháp an toàn phòng chống dịch (13/12).

Xuất hiện F0, liên quan lớp nào, học sinh lớp đó nghỉ

Theo Sở GD&ĐT TPHCM, có khoảng 88.000 học sinh lớp 9 và 66.000 học sinh lớp 12 được sự đồng tình của phụ huynh đi học trực tiếp vào ngày 13/12, đạt tỷ lệ 88%. Khi đi học trực tiếp, học sinh sẽ thi hết kỳ học kỳ I bằng hình thức trực tiếp. Thời gian thi thực hiện từ ngày 10 - 22/1/2022. Những học sinh chưa đến trường được sẽ lùi lại và qua học kỳ II đánh giá.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, trong sáng 13/12 có 5 đoàn của Sở GD&ĐT và Sở Y tế cùng hơn 10 đoàn của phòng chuyên môn đi kiểm tra việc học trực tiếp tại các cơ sở. Qua kiểm tra, các trường chấp hành hướng dẫn của ngành Y tế rất tốt. Tuy nhiên, tại Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong do phòng học cũ, học sinh ngồi bàn đôi nên khá chật. Sở đã hướng dẫn trường làm sao bố trí mỗi em ngồi 1 bàn, đồng thời đảm bảo quy định 5K.

“Thời gian thí điểm học 2 tuần sẽ tập trung vào an toàn là chính. Thầy cô dạy trên lớp, quan sát và xử lý các tình huống, không gây hoang mang nếu có những ca nghi nhiễm. Vì vậy trong 2 tuần này không đặt nặng vấn đề kiến thức. Nếu lỡ bùng phát dịch ở 1 trường, đa số học sinh đã tiêm vắc-xin do vậy cần truyền thông, thông tin cho học sinh yên tâm. Khi có ca nhiễm thực hiện theo quy định của ngành Y tế, không gây hoang mang, lớp có ca nghi nhiễm sẽ chuyển sang dạy và học trên Intetnet…”, ông Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ.

Trực tiếp kiểm tra Trường THCS Lý Phong và Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (Quận 5, TPHCM), sáng 13/12, ông Tăng Chí Thượng -Giám đốc Sở Y tế TPHCM nhận xét: Các trường có sự chuẩn bị khá tốt. Giám đốc Sở Y tế TPHCM  cũng lưu ý, việc thực hiện 5K là bắt buộc.

Theo ông Tăng Chí Thượng, ngành Y tế và Giáo dục đã soạn lại kịch bản với các tình huống khi bùng phát dịch vào trường. Trong thời gian tới ngành Giáo dục phải chủ động diễn tập và hi vọng các trường làm tốt điều này.

“Các trường, thầy cô không nên quá lo lắng khi phát hiện học sinh có triệu chứng và test dương tính với Covid vì quy trình xử lý đã có đầy đủ. Hơn nữa hầu hết 100% học sinh lớp 12 đã tiêm chủng. Thực tế, qua theo dõi tình hình trẻ em mắc Covid-19 chỉ tập trung ở những trẻ có nguy cơ. Do vậy các trường cần theo dõi sức khoẻ học sinh, nhất là những em nằm trong nhóm này”, ông Tăng Chí Thượng nhấn mạnh.

Một huyện xin lùi thời gian học trực tiếp
Thông tin với báo chí, ông Trần Văn Toản - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Củ Chi (TPHCM) cho biết: Huyện Củ Chi đề xuất với TPHCM cho lùi thời gian tổ chức học sinh đến trường học trực tiếp sau một tuần so với lộ trình của TP. Nguyên nhân do tỷ lệ phụ huynh học sinh đồng thuận với việc con em đi học trở lại còn thấp, có khối lớp chỉ khoảng 30% phụ huynh đồng ý cho con em đi học. “Dù các trường đã chuẩn bị cho học sinh đi học trực tiếp theo hướng dẫn của liên sở Y tế - GD&ĐT nhưng để phụ huynh an tâm hơn nên huyện đã xin ý kiến các trường và đề xuất tổ chức học vào ngày 20/12” - lãnh đạo phòng GD&ĐT huyện Củ Chi thông tin thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ