Đó là quan điểm của UNICEF và UNESCO trong khuyến nghị đối với dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi được công bố tại Hội nghị về các vấn đề trẻ em trong Luật Giáo dục sửa đổi do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội và Unicef tổ chức tại Hà Nội vừa qua.
Trong bản khuyến nghị, UNICEF và UNESCO chúc mừng Chính phủ và Quốc hội Việt Nam vì đã đầu tư rất công phu cho công tác sửa đổi Luật Giáo dục. Sửa và đổi mới Luật Giáo dục là việc làm kịp thời trong bối cảnh Luật Trẻ em và các nghị định hướng dẫn thực hiện đã được thông qua gần đây, khẳng định quyền trẻ em ở Việt Nam phù hợp với Công ước quốc tế về Quyền trẻ em.
Bản khuyên nghị thể hiện hoan nghênh việc khẳng định “Ngân sách nhà nước phải giữ vai trò chủ yếu trong tổng nguồn lực đầu tư cho giáo dục” trong dự thảo Luật sửa đổi. Đồng thời, mong muốn đề xuất nhà nước bố trí đủ nguồn lực nhằm đảm bảo vận hành hiệu quả hệ thống giáo dục hướng tới nền giáo dục hoà nhập có chất lượng, đặc biệt từ mầm non đến giáo dục phổ thông.
Theo bản khuyến nghị này, hiện nay, tại một số địa phương, do nguồn lực eo hẹp, khoảng 85-90% (và có thể nhiều hơn) ngân sách thường xuyên được sử dụng cho việc chi lương và phụ cấp cho cán bộ và giáo viên (Kế hoạch ngành giáo dục năm 2016, 2017; Phân tích ngành giáo dục 2017), và chỉ một phần nhỏ còn lại được chi cho hoạt động dạy và học.
Bản khuyến nghị đưa ra đề nghị với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Bộ GD&ĐT và Ban soạn thảo, ưu tiên xem xét vấn đề xã hội hoá giáo dục trong mối liên hệ với Điều về “Đầu tư cho giáo dục”. Tăng cường quy định về đầu tư của tư nhân trong giáo dục, theo quan điểm bình đẳng và phù hợp với các nghĩa vụ về con người và quyền trẻ em của Việt Nam.
Đồng thời, đảm bảo “Xã hội hóa” không làm gia tăng gánh nặng cho gia đình và không gia tăng khoảng cách chênh lệch. Đảm bảo đầu tư đủ cho việc xây dựng, nâng cấp và bảo trì công trình nước, vệ sinh riêng cho học sinh nam và học sinh nữ. Thận trọng xem xét vấn đề tự chủ tài chính (đang được thực hiện trong thực tế) và có ảnh hưởng đến bình đẳng giáo dục, đặc biệt đối với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.