Theo ông Nguyễn Đức Cường – Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ GD&ĐT) – Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi có 10 chương, 119 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 70 điều (tăng 34 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5). Trong đó có nhiều nội dung liên quan trực tiếp và gián tiếp đến trẻ em.
Có thể nói đến chính sách không thu học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập với trẻ em, học sinh diện phổ cập;
Chính sách ưu tiên giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi cũng như vùng có điều kiện KT-XH khó khăn. Miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho con em dân tộc thiểu số và vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo.
Chính sách tín dụng sư phạm; chính sách cử tuyển; rà soát, bổ sung một số quy định về quyền của người học phù hợp với Luật Trẻ em, bổ sung Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập vào điểm b khoản 1 Điều 62 dự thảo Luật để phù hợp với Luật người khuyết tật…
Khẳng định việc sửa và đổi mới Luật Giáo dục là việc làm kịp thời trong bối cảnh Luật trẻ em và các nghị định hướng dẫn thực hiện đã được thông qua gần đây, trong khuyến nghị do Unicef và Unesco đồng soạn thảo khẳng định: Bản dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi đã tập trung vào một số nội dung hết sức cấp thiết trong ngành Giáo dục. Song, những nội dung này có thể chưa bao quát hết các ưu tiên và bất cập trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là vấn đề bình đẳng cũng như sự phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người và quyền trẻ em. Nhiều khuyến nghị do 2 tổ chức này đưa ra nhằm thể hiện toàn diện hơn quyền trẻ em trong dự thảo Luật.
Tại hội nghị, 2 chủ đề lớn được các đại biểu trao đổi liên quan đến vấn đề bạo lực và xâm hại trẻ em trong nhà trường, hướng nghiệp và giáo dục nghề nghiệp cho trẻ em; tài chính cho giáo dục, giáo dục hòa nhập và sự tham gia của trẻ em trong nhà trường.