Quan tâm đến quyền trẻ em trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi

GD&TĐ - Sáng 12/9, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cùng Unicef tổ chức Hội nghị về các vấn đề trẻ em trong Luật Giáo dục (GD) sửa đổi. Khẳng định của nhiều đại biểu, việc sửa và đổi mới Luật GD là việc làm kịp thời trong bối cảnh Luật Trẻ em và các nghị định hướng dẫn thực hiện đã được thông qua gần đây, khẳng định quyền trẻ em của Việt Nam phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em.  

Ngành Giáo dục luôn đặc biệt quan tâm đến quyền trẻ em khi xây dựng Luật Giáo dục sửa đổi
Ngành Giáo dục luôn đặc biệt quan tâm đến quyền trẻ em khi xây dựng Luật Giáo dục sửa đổi

Nhiều nội dung vì trẻ em trong dự thảo Luật GD sửa đổi

Ông Nguyễn Đức Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GD&ĐT) - cho biết: Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi có 10 chương, 119 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 70 điều (tăng 34 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5). Trong đó có nhiều nội dung liên quan trực tiếp và gián tiếp đến trẻ em.

Có thể nói đến chính sách không thu học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, HS THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập với trẻ em, HS diện phổ cập. Về nội dung này, Chính phủ đã thống nhất thực hiện chính sách miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, HS THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập với trẻ em, HS diện phổ cập, đặc biệt là đối với các thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Cùng với đó là chính sách ưu tiên GD vùng dân tộc thiểu số, miền núi cũng như vùng có điều kiện KT-XH khó khăn. Ông Nguyễn Đức Cường khẳng định: Đây là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Các quy định của Luật GD cũng quy định rất rõ ràng, cụ thể về chính sách đối với các đối tượng này.

Một nội dung quan trọng khác liên quan đến trẻ em là miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho con em dân tộc thiểu số và vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo. Ông Nguyễn Đức Cường cho biết, theo kết quả nghiên cứu và khảo sát từ trước đến nay, rào cản kinh tế là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ em không được đến trường và bỏ học. Vì vậy, Nhà nước đã có những chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho con em dân tộc thiểu số và vùng sâu, vùng xa để tạo điều kiện cho đối tượng này được đến trường.

Tiếp thu các ý kiến góp ý, Thứ tưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, với Luật GD sửa đổi, hướng tiếp cận là tạo cơ hội cho người học được tiếp cận GD một cách tốt nhất; đối tượng HS khó khăn được quan tâm. Với GD hòa nhập, dự thảo Luật đã đưa Trung tâm hỗ trợ phát triển GD hòa nhập vào mạng lưới cơ sở GD để phù hợp với Luật Người khuyết tật. Thứ trưởng khẳng định sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý để bổ sung vào dự thảo Luật, cũng như cụ thể hóa trong các văn bản dưới luật. 

Các nội dung khác cũng liên quan trực tiếp đến quyền trẻ em như chính sách tín dụng sư phạm; chính sách cử tuyển; rà soát, bổ sung một số quy định về quyền của người học phù hợp với Luật Trẻ em, bổ sung Trung tâm hỗ trợ phát triển GD hòa nhập vào điểm b khoản 1 Điều 62 dự thảo Luật để phù hợp với Luật Người khuyết tật.

Với chính sách tín dụng sư phạm, dự thảo Luật bổ sung quy định trường hợp người học sư phạm không có nhu cầu sử dụng tín dụng sư phạm nhưng ra trường làm trong ngành sư phạm vào nghị định hướng dẫn, công tác quy hoạch các cơ sở đào tạo sư phạm và nhân lực ngành GD, công tác tuyển sinh, đào tạo sư phạm đủ theo nhu cầu sử dụng giáo viên và giao Chính phủ quy định cụ thể chính sách tín dụng sư phạm (Điều 81).

Với chính sách cử tuyển, Nhà nước dành riêng chỉ tiêu cử tuyển đối với các dân tộc thiểu số rất ít người ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn; có chính sách tạo nguồn tuyển sinh trên cơ sở tạo điều kiện thuận lợi để HS các dân tộc này vào học trường phổ thông dân tộc nội trú và tăng thời gian học dự bị ĐH; đồng thời, bổ sung quy định biện pháp hỗ trợ cho người đi học theo chế độ cử tuyển để đảm bảo chất lượng đầu ra (Điều 82)…

Một số chính sách liên quan trực tiếp đến trẻ em còn được thể hiện ở các nội dung trong dự thảo Luật về GD mầm non, GD phổ thông và GD thường xuyên. Ngoài ra, dự thảo Luật còn có 6 nội dung liên quan gián tiếp đến trẻ em, thể hiện trong những quy định về hệ thống GD quốc dân; mạng lưới cơ sở GD; chính sách đối với nhà giáo; đầu tư và tài chính GD; nhiệm vụ, quyền hạn nhà trường; quản lý Nhà nước về GD.

Khuyến nghị liên quan đến quyền trẻ em trong Luật

Khẳng định của nhiều đại biểu, việc sửa và đổi mới Luật GD là việc làm kịp thời trong bối cảnh Luật Trẻ em và các nghị định hướng dẫn thực hiện đã được thông qua gần đây, khẳng định quyền trẻ em của Việt Nam phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em.

Trong khuyến nghị đối với dự thảo Luật GD sửa đổi công bố tại Hội nghị do UNICEF và UNESCO đồng soạn thảo khẳng định: Bản dự thảo Luật GD sửa đổi đã tập trung vào một số nội dung hết sức cấp thiết trong ngành GD. Song, những nội dung này có thể chưa bao quát hết các ưu tiên và bất cập trong lĩnh vực GD, đặc biệt là vấn đề bình đẳng cũng như sự phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người và quyền trẻ em. Do đó, liên quan đến quan điểm toàn diện về GD hòa nhập, UNICEF và UNESCO khuyến nghị Luật GD sửa đổi đề cập “mọi HS” hoặc “mọi người học” một cách nhất quán. Có quy định chi tiết hơn về GD hòa nhập và bình đẳng, nhất là các điều khoản liên quan đến mục tiêu GD, đầu tư cho GD, quản lý GD, chương trình GD và GD mầm non.

UNICEF và UNESCO cho rằng, cần xem xét phản ánh những nội dung quan trọng về học tập suốt đời vào phần liên quan đến GD thường xuyên. Ưu tiên ngân sách GD chi cho GD mầm non và miễn học phí GD mầm non cho trẻ 5 tuổi nhưng không làm tăng các khoản thu khác ngoài học phí cho gia đình, tăng đầu tư cho GD mầm non cho trẻ 3 - 4 tuổi. Tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia cung cấp các dịch vụ GD mầm non để giảm gánh nặng cho cả khu vực công và gia đình. Cần xem xét để điều chỉnh, đảm bảo bình đẳng trong GD, đặc biệt là đối với trẻ em thuộc các gia đình nghèo, dễ bị tổn thương và gia đình nhập cư…

Đồng tình cao với các khuyến nghị của UNICEF và UNESCO, bà HoàngThị Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - thể hiện sự hoan nghênh với nội dung trong dự thảo Luật đã quan tâm đến GD mầm non, miễn học phí cho trẻ mầm non 5 tuổi…; đồng thời thể hiện mong muốn Nhà nước cần quan tâm xây dựng trường học mầm non cho cả nhà trẻ và mẫu giáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ