Mềm mỏng hay không khoan nhượng?

GD&TĐ - 2 năm trước, Trung Quốc từng được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ca ngợi vì thành công kiểm soát Covid-19 với những biện pháp phòng dịch quyết liệt như phong tỏa Vũ Hán, đóng cửa biên giới…

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Trung Quốc đã tiếp tục áp dụng chiến lược mạnh mẽ nhằm cắt đứt nguồn lây lan dịch bệnh, còn gọi là chính sách “Không Covid” (Zero Covid), trong 2 năm liên tiếp bất chấp các quốc gia khác đã chuyển trạng thái bình thường mới.

Theo đó, dù đẩy mạnh tiêm vắc-xin trong nước, Trung Quốc vẫn yêu cầu cách ly ít nhất 2 tuần đối với công dân đến từ các quốc gia khác. Trong nước, khi phát hiện ca nhiễm, chính quyền sẽ xét nghiệm hàng loạt, truy vết tiếp xúc và cách ly để ngăn chặn dịch ngay từ đầu. Nhiều thành phố bị phong tỏa nếu số ca nhiễm không ngừng tăng.

Chính sách “Không Covid” đã giúp số ca nhiễm và số ca tử vong tại Trung Quốc giảm so với nhiều quốc gia khác. Nền kinh tế nước này tiếp tục tăng trưởng giữa lúc các nền kinh tế lớn khác suy giảm vì đại dịch năm 2020. Đà tăng trưởng này tiếp tục được duy trì vào năm ngoài và đầu năm nay.

Theo Bloomberg, doanh số bán lẻ tại Trung Quốc tính tới ngày 28/2 đạt mức 6,7%, tăng mạnh từ mức 1,7% vào ngày 31/12/2021. Sản lượng công nghiệp cũng có xu hướng tăng trong cùng giai đoạn, từ 4,3% lên 7,5%.

Tuy nhiên, tường thành “Không Covid” đang bị lung lay khi đối mặt với các biến chủng có khả năng lây lan nhanh như Delta, Omicron… Vào tháng 3, số ca nhiễm theo ngày lần đầu tiên vượt qua mức 5.000 kể từ khi dịch bùng phát tại Vũ Hán. Ngày 19/3, Trung Quốc lần đầu tiên ghi nhận 2 ca tử vong vì Covid-19 kể từ tháng 1/2021.

Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt khi đợt bùng phát này xuất hiện ở những trung tâm sản xuất của Trung Quốc như Thâm Quyến, Tây An… Theo dữ liệu của Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc, dưới tác động của bùng phát dịch và chính sách phong tỏa, sản lượng container qua cảng Thâm Quyến đã giảm 10,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lo ngại “Không Covid”, người dân Trung Quốc cũng hạn chế đi du lịch, mua sắm và ăn uống bên ngoài khiến doanh số bán lẻ giảm. Ước tính, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có thể giảm 0,5% do đợt bùng phát của biến chủng Omicron.

Nhiều người dân Trung Quốc bày tỏ ủng hộ đối với “Không Covid” nhưng sau hai năm kiên trì theo đuổi, không ít người cảm thấy mệt mỏi với những tác động mà chính sách này mang lại. Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc cần phải điều chỉnh chính sách với trọng tâm là tiếp cận từng bước một.

Ông Zhang Wenhong, Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm ứng phó Covid-19 tại Thượng Hải cho biết: “Trung Quốc nên vạch ra con đường rõ ràng để đối phó với dịch và không nên tiêu tốn thời gian tranh luận xem liệu chúng ta có nên duy trì “Không Covid” hay không. Trước tiên, hãy xua tan nỗi kinh sợ của người dân khi nhắc đến Covid-19”.

Một chuyên gia nghiên cứu khác cũng cho rằng, Trung Quốc sẽ phải chuyển từ “không khoan nhượng” sang tiếp cận mềm mỏng nếu “không Covid” không còn hiệu quả.

Nhưng thay vì dỡ bỏ hoàn toàn, nhà nước cần điều chỉnh các quy định phòng, chống dịch theo hướng giảm dần. Đơn cử giảm từ 14 ngày cách ly xuống 7 ngày cách ly để không gây áp lực lên hệ thống y tế và ảnh hưởng đến an toàn của người dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ