“Không Covid” lộ điểm yếu trước biến thể mới

GD&TĐ - Với chiến lược “không Covid-19”, Trung Quốc đã kiểm soát được đại dịch và tái khởi động nền kinh tế trong năm 2020.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Tuy nhiên, khi biến chủng Omicron xâm nhập vào Hồng Kông và đại lục, chiến lược vững chắc của nước này đã xuất hiện nhiều vết nứt.

Hôm 16/12, Hồng Kông ghi nhận ca nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên là một phi công 36 tuổi trên chuyến bay Cathay Pacific. Đến ngày 17/12, hai trường hợp khác được ghi nhận là thành viên phi hành đoàn trên cùng chuyến bay với ca nhiễm đầu tiên.

Quảng Châu, thành phố cảng của Trung Quốc, cũng ghi nhận ca nhiễm đầu tiên vào ngày 17/12, khởi đầu cho việc biến thể này bắt đầu lây lan tại xứ tỷ dân. Ngay sau đó, Trung Quốc yêu cầu tất cả khách du lịch đến nước này phải cách ly tại khách sạn do chính quyền quy định trong 14 ngày và ở tại nơi cư trú thêm 7 ngày để theo dõi.

Biến thể Omicron được đánh giá có khả năng lây nhiễm nhanh, rộng hơn biến thể Delta. Nếu Trung Quốc tiếp tục áp dụng các chính sách Covid-19 nghiêm ngặt như phong tỏa thành phố, dừng hoạt động sản xuất kinh doanh… để đối phó với Omicron, nền kinh tế quốc gia sẽ bị ảnh hưởng.

Trên thực tế, trong những tháng gần đây, hoạt động kinh tế tại Trung Quốc đã có dấu hiệu hạ nhiệt ở một số lĩnh vực như tiêu dùng, đầu tư bất chấp lĩnh vực sản xuất công nghiệp tăng.

Trong nước, việc tiến hành xét nghiệm Covid-19 chỉ được tiến hành tại các địa điểm do chính phủ quy định để đảm bảo mọi ca dương tính được kiểm soát. Khi một khu vực có dấu hiệu lây nhiễm, hệ thống cách ly hàng loạt trong phạm vi quận, huyện, thậm chí là thành phố, sẽ được kích hoạt. Trong trường hợp này, nhiều công ty, cửa hàng kinh doanh phải tạm dừng hoạt động, trường học đóng cửa, người dân không được phép ra khỏi nhà.

Những hạn chế nghiêm ngặt theo chiến lược “không Covid” tác động trực tiếp đến lao động trẻ tuổi, lao động tự do; kéo theo đó là các công ty, doanh nghiệp, nhà sản xuất. Đơn cử, công ty công nghệ Zhejiang Huangma phải đóng cửa hai công ty con. Các đơn đặt hàng công nghệ trong năm 2021 không thể hoàn thành trước tháng 12 và sẽ phải giao hàng chậm trễ.

Các thành phố cảng và khu vực biên giới Trung Quốc là những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi liên quan đến việc đóng mở biên giới và giao thương quốc tế. Khi một ca Covid-19 được phát hiện, cảng lập tức phải đóng cửa, gây ra tình trạng ùn ứ hàng hoá.

Ví dụ, vào tháng 8, khi cảng container Ninh Ba – Chu Sơn đóng cửa vì có ca nhiễm, hàng chục tàu chở hàng hoá kẹt cứng, không thể lấy hàng.

Giao thông hàng không nội địa Trung Quốc, từng là niềm ghen tị đối với thế giới vì phục hồi nhanh chóng trong đại dịch, giờ đang chững lại do chiến lược “không Covid”. Quý IV, thời điểm di chuyển trong nước rộn ràng nhất năm, đã trở nên mờ nhạt trong mắt người dân nước này.

Dữ liệu của ngân hàng HSBC cho thấy vào tháng 4/2021, công suất bay nội địa của ba hãng hàng không lớn nhất Trung Quốc đạt 115%. Tuy nhiên, đến tháng 10 giảm xuống còn 77%.

Hãng hàng không Air China, China Eastern Airlines và China Southern Airlines đã công bố khoản lỗ gần 8 tỷ nhân dân tệ trong quý III. Các chuyên gia phân tích của HSBC dự đoán ước tính quỹ IV, khoản lỗ sẽ xấp xỉ mức 7,2 tỷ nhân dân tệ.

Các đợt phong tỏa nghiêm ngặt lặp đi lặp lại với tần suất dày đặc trong hơn một năm qua đã gây tổn thất nặng nề cho nền kinh tế tại một số tỉnh, thành phố. Điều này càng trở nên đáng lo ngại khi Omicron xâm nhập vào nước này với khả năng lây nhiễm tăng vọt.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc không nên từ bỏ chiến lược “không Covid” bởi hệ thống y tế sẽ phải trả giá đắt. Hơn nữa, chiến dịch tiêm chủng trong nước phải tăng tốc, mạnh mẽ hơn nữa hoặc có phương pháp điều trị cụ thể hơn. Trung Quốc chỉ nên dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đi lại khi thực sự tự tin kiểm soát được tình trạng dịch trong điều kiện bình thường mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ