Sự sợ hãi của việc sinh nở còn khiến nhiều phụ nữ bị trầm cảm sau sinh.Nếu bạn bị mất ngủ bởi vì quá sợ sinh nở thì hãy cố gắng tìm hiểu nguyên nhân của sự sợ hãi, làm thế nào để có thể đối phó với nó qua bài viết sau đây.
1. Điều gì khiến phụ nữ sợ hãi sinh con?
Lý do đầu tiên phải nhắc tới là sợ đau. Hầu hết các nỗi sợ hãi này đến từ những gì phụ nữ xem trên truyền hình hay trên mạng. Ngoài ra, những câu chuyện mang thai kinh dị hoặc quá đau đớn được kể lại từ bạn bè hay người quen của họ sẽ khiến bạn càng sợ hãi thêm.
Sợ đau đẻ là tâm lý chung của hầu hết các phụ nữ mang thai.
Theo một nghiên cứu của Đan Mạch, nỗi sợ sinh con nhiều nhất là ở những phụ nữ ít học, trẻ, hoặc thất nghiệp hay những người nghiện thuốc hoặc có một sức khỏe yếu.
Những phụ nữ có tiền sử trầm cảm, lo lắng, bị lạm dụng tình dục cũng rất sợ khi nghĩ tới chuyện sinh con.
2. Nỗi sợ đó có thể ảnh hưởng đến việc mang thai và giai đoạn hậu sản
Sợ hãi sinh nở là nguyên nhân ảnh hưởng tới việc bạn duy trì một thai kỳ khỏe mạnh, thậm chí nỗi sợ hãi và lo lắng của bạn có thể ảnh hưởng đến em bé. Lo lắng trong suốt thai kỳ làm bạn có thể ăn ít hơn, mất ngủ, huyết áp cao, đau đầu và khả năng miễn dịch kém đi.
Nỗi sợ hãi cũng có thể khiến sản phụ khó sinh, bị sinh non hoặc có những biến chứng mà nhiều người không thể lường trước đó. Việc sợ hãi sinh nở còn khiến bạn có nguy cơ cao của bệnh trầm cảm sau sinh.
3. Bạn có thể làm gì để vượt qua những sự sợ hãi đó?
Tìm ra nguyên nhân của nỗi sợ cũng sẽ giúp bạn biết cách để đối phó với nói, cụ thể là:
A. Sợ đau
Đây là nỗi sợ phổ biến nhất song bạn có thể giải quyết nó bằng cách tham gia vào các bài tập thở hoặc các phương pháp thư giãn thay thế. Các mẹ bầu hoàn toàn có thể chủ động đăng ký với một bệnh viện về phương pháp gây tê khi sinh nở để “vượt cạn” dễ dàng hơn.
B. Sợ phải mổ
Nếu bạn không sinh tự nhiên được thì phải mổ là điều tất nhiên để an toàn cho cả mẹ và con. Hãy trao đổi với bác sĩ theo dõi thai kỳ cho mình để có quyết định đúng đắn nhất và chủ động hơn trong mọi việc. Trong nhiều trường hợp, mổ đẻ lại là sự an toàn với sản phụ hơn so với việc sinh thường.
C. Hãy để mọi thứ tự nhiên, bạn có thể chứ?
Sinh nở tuyệt đối không phải là một trải nghiệm mà bạn có thể kiểm soát bất kỳ điều gì. Thậm chí tiếng la hét hay "chất thải" vô tình trong lúc sinh nở của bạn cũng sẽ không ảnh hưởng hay gây bất ngờ cho đội ngũ y tế trực ca đẻ.
D. Sợ rách âm hộ
Để tránh bị rách âm hộ, bạn hãy cố gắng kiểm soát nó bằng cách sinh con ở tư thế đúng, không nằm ngửa để con xổ ra dễ hơn
E. Sợ thai nhi bị dị tật
Điều này nghe thật đáng ngại nhưng đó lại là nỗi sợ không đáng có bởi phần lớn trẻ sơ sinh được sinh ra đều khỏe mạnh, chỉ có 3% số trẻ sơ sinh là bị dị tật. Tuy nhiên, trong những lần khám thai định kỳ, sàng lọc trước đó, các bác sĩ đều đã kiểm tra thai nhi của bạn rất kỹ nên khó có chuyện bất thường xảy ra với bé yêu của bạn.
4. Mẹo để vượt qua sợ hãi về sinh nở
- Tắt các chương trình TV mà miêu tả quá chi tiết về các trường hợp sinh con khó. Đừng xem các video sinh con trên mạng mà có thể sẽ khiến bạn càng tăng nỗi sợ hãi.
- Đừng đề nghị mẹ bạn hay những người thân khác kể lại chuyện lần “vượt cạn” đau đớn của họ.
- Đừng tưởng tượng trước việc sinh nở của mình một cách tiêu cực.
- Nếu gặp vấn đề tâm lý nặng thì bạn hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ bác sĩ.
- Hãy thư giãn, thực hành những động tác yoga nhẹ nhàng, hít thở sâu và nghĩ về những điều tích cực.
- Tắm nước ấm, thư giãn cơ thể.
- Nhận sự hỗ trợ tinh thần, động viên từ gia đình và những người bạn thân thiết.