Màu áo xanh trong “cuộc chiến” chống Covid

GD&TĐ - Trước những đợt bùng phát dịch Covid-19 ở nhiều tỉnh/thành trong nước, cùng với y, bác sĩ, công an, quân đội, ở đâu chúng ta cũng bắt gặp hình ảnh màu áo xanh thanh niên hiện hữu trên tuyến đầu chống dịch.

Anh Nguyễn Mạnh Dũng (thứ 3, phải sang) – Bí thư Thành đoàn Đà Nẵng thăm và tặng quà động viên lực lượng thanh niên tình nguyện đang túc trực ở chốt kiểm soát dịch ở các cửa ngõ ra vào thành phố.
Anh Nguyễn Mạnh Dũng (thứ 3, phải sang) – Bí thư Thành đoàn Đà Nẵng thăm và tặng quà động viên lực lượng thanh niên tình nguyện đang túc trực ở chốt kiểm soát dịch ở các cửa ngõ ra vào thành phố.

Họ, những nam thanh nữ tú, những thủ lĩnh tương lai của đất nước, đang miệt mài ngày đêm góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào “cuộc chiến” chống lại đại dịch.

1 ngày có 5.400 đoàn viên đăng ký “ra trận”

Hơn 1 năm qua, Việt Nam đã trải qua 3 đợt dịch Covid-19, với hàng nghìn ca mắc Covid-19 và hàng chục ca tử vong do dịch bệnh này gây ra. Để phòng, chống và dập tắt những đợt dịch, hàng nghìn y, bác sĩ, công an, quân đội đang ngày đêm căng mình “chiến đấu” trên “mặt trận” chống dịch. Trong đó, có sự hỗ trợ đắc lực từ những đoàn viên, thanh niên tình nguyện.

Tại TP Đà Nẵng, khi xuất hiện những ca mắc Covid-19 đầu tiên và đợt bùng phát dịch lần thứ 2, hàng nghìn y, bác sĩ, công an, bộ đội đã 2 lần bước vào “cuộc chiến không tiếng súng”. Trong đó, hàng nghìn đoàn viên thanh niên trên địa bàn, các thanh niên đang sinh sống, học tập và làm việc tại thành phố đã tình nguyện xung phong ra “chiến trường”.

Khó khăn, nguy hiểm là điều ai cũng biết. Nhưng với quyết tâm của tuổi trẻ, các đoàn viên thanh niên tự hứa với nhau rằng, khi nào thành phố hết dịch, khi nào đất nước Việt Nam hết dịch thì khi đó họ mới thôi nhiệm vụ.

Người Đà Nẵng không thể nào quên những ngày tháng 7/2020 “lịch sử”. Ngày mà TP như bị một vết thương rất lớn khi xuất hiện ca mắc Covid-19 sau vài tháng im ắng. Đà Nẵng nhanh chóng phong tỏa các bệnh viện, các ổ bệnh, các điểm ra vào thành phố đều bị bịt kín.

Nhiều chốt kiểm soát y tế được lập nên, ở đó có y, bác sĩ, công an, bộ đội và lực lượng thanh niên tình nguyện. Nhiều sinh viên đang học tập tại Đà Nẵng không về quê mà tình nguyện ở lại thành phố dập dịch. Hơn ai hết, những đoàn viên thanh niên hiểu được rằng, đây là lúc họ cống hiến sức trẻ của mình vào “cuộc chiến”.

Để tiếp sức cho các lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch, Thành đoàn Đà Nẵng đã gửi lời kêu gọi các đoàn viên thanh niên trên địa bàn thành phố. Chỉ sau 1 ngày kêu gọi, con số đoàn viên, sinh viên tình nguyện đã lên đến 5.400 người. Con số đó còn tăng cao hơn sau vài ngày.

Tại chốt kiểm soát ra vào TP đường Trần Đại Nghĩa (quận Ngũ Hành Sơn) lúc 0 giờ ngày 3/8/2020, em Trương Quang Cương (19 tuổi, quê ở Quảng Ngãi) nhễ nhại mồ hôi trong bộ đồ bảo hộ trùm kín.

Quang Cương chia sẻ, em là sinh viên Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (ĐH Đà Nẵng). Khi dịch bùng phát trở lại, thay vì về quê như các bạn đồng trang lứa, Cương quyết định ở lại và xung phong đi tình nguyện.

“Lần trước em cũng đăng ký đi nhưng không được chọn. Nên lần này nhất định em phải đi. Ngay sau khi nhận được lời kêu gọi của Thành đoàn em đã đăng ký ngay. Khi biết mình được chọn tham gia vào đội tình nguyện viên, em rất vui, nhưng cũng có chút gì đó lo lắng. Đây lần đầu tiên em đi làm công tác phòng chống dịch bệnh và có phần nguy hiểm”, Cương nói.

Cương cũng chia sẻ: “Biết mình được chọn em định báo về ba mẹ ở quê để xin đi. Nhưng đợt dịch này khác lần trước, nguy hiểm hơn. Sợ ba mẹ em ở quê lo lắng nên em đã giấu không báo. Con cũng xin lỗi ba mẹ và hãy hiểu cho con. Vì đây là trách nhiệm của một người thanh niên, một người đang sống trên mảnh đất Đà Nẵng”.

Anh Nguyễn Cao Sang đang hỗ trợ người dân khai báo y tế trước khi vào thành phố.
Anh Nguyễn Cao Sang đang hỗ trợ người dân khai báo y tế trước khi vào thành phố.

Tạm “gác” đón Tết bên gia đình

Thời điểm TP Đà Nẵng lập chốt kiểm soát dịch, cũng chính là thời điểm mọi người, mọi nhà đang tất bật chuẩn bị đón chào năm mới Tân Sửu. Chính vì thế, Tết Nguyên đán Tân Sửu được xem là cái Tết đặc biệt đối với hàng trăm cán bộ y tế, chiến sĩ và đoàn viên thanh niên tình nguyện thực hiện nhiệm vụ tại các cửa ngõ ra vào thành phố.

Với những lực lượng này, một cái Tết vui, hạnh phúc chính là xông pha ra “mặt trận” chống dịch, để giữ được sự bình an, giúp người dân có một mùa Xuân an toàn.

Có mặt tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 tại đường Trường Sa (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) vào những ngày Tết Nguyên đán Tân Sửu - đây là chốt kiểm soát dịch tuyến đường du lịch giáp ranh TP Đà Nẵng - tỉnh Quảng Nam nên lượng người ra vào TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) rất đông. Lúc này các lực lượng gồm công an, quân đội, y tế, đoàn viên thanh niên đang nhanh chóng hướng dẫn người dân, phương tiện ra, vào thành phố dừng xe để tiến hành khai báo y tế, đo thân nhiệt kiểm tra dịch tễ…

Trong bộ đồ bảo hộ kín mít vừa hướng dẫn người dân thực hiện khai báo y tế, anh Nguyễn Cao Sang (26 tuổi, trú phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) cho biết, cũng như mọi đoàn viên thanh niên khác trên địa bàn thành phố, thực hiện lời kêu gọi của Thành đoàn Đà Nẵng về việc tuổi trẻ thành phố xuống đường xuyên Tết chống dịch Covid-19. Anh đã sắp xếp việc du Xuân, đón Tết cùng gia đình để túc trực tại chốt kiểm soát dịch xuyên Tết.

Theo anh Sang, nhiệm vụ của các đoàn viên thanh niên là ghi lại hành trình di chuyển của người dân và du khách khi ra vào cửa ngõ TP Đà Nẵng. Bên cạnh đó, sẽ cùng cán bộ y tế tham gia tuyên truyền cho người nước ngoài, Việt kiều hiểu, chấp hành theo các hướng dẫn của chốt kiểm soát dịch; cung cấp các bản hướng dẫn, quy trình đo thân nhiệt, thực hiện khai báo y tế bằng tiếng nước ngoài…

Anh Sang cho hay, trải qua 2 đợt dịch Covid-19 hồi năm 2020, các tình nguyện viên như đoàn viên đã có kinh nghiệm trong việc hỗ trợ lực lượng y tế, công an, thanh tra giao thông kiểm soát dịch Covid-19 tại các chốt trên địa bàn TP Đà Nẵng.

“Mình nhận nhiệm trực chiến từ 29 Tết đến nay. Cảm xúc lẫn lộn khi đây là trải nghiệm khá mới mẻ đối với mình. Những ngày Tết lúc đứng chốt, gia đình, bạn bè nhắn tin thăm hỏi rất nhiều, mình thấy vui lắm.

Vui nhất là lúc làm nhiệm vụ đón nhận tình cảm của bà con nhân dân, của các cấp chính quyền. Mọi người không ai bảo ai đều cố gắng làm tốt nhiệm vụ để bảo đảm Đà Nẵng bình an trước dịch Covid-19”, anh Sang tâm sự.

Còn tại Ga Đà Nẵng, anh Đỗ Văn Thành – Bí thư Đoàn phường An Khê (quận Thanh Khê) cùng các bạn trẻ nơi đây hỗ trợ tích cực cho lực lượng công an, y tế thực hiện đo thân nhiệt và sát khuẩn cho tất cả hành khách. Hỗ trợ thực hiện khai báo y tế bản giấy và khai báo điện tử, nhanh chóng có phương án xử lý nếu có trường hợp nghi ngờ.

“Đây là lần thứ ba các bạn trẻ tham gia công tác tình nguyện trên “mặt trận” chống dịch. Ngay khi thành phố có quyết định thành lập chốt, cũng như hai lần trước, chúng mình lại kêu gọi các bạn trẻ xung phong tham gia trực. Lần này sẽ thực hiện xuyên Tết nên cứ nghĩ sẽ có ít bạn, vậy mà với số lượng đăng ký bảo đảm, nên cả Tết mỗi người sẽ trực ba lần”, anh Thành nói.

Những đêm thức trắng nơi tâm dịch.
Những đêm thức trắng nơi tâm dịch.

Sinh viên trường y trưởng thành từ tâm dịch

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 tại Hải Dương, nhận được Công điện của Bộ trưởng Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh Hải Dương đã huy động giảng viên và sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương tham gia hỗ trợ ngành y tế tỉnh phòng chống dịch bệnh Covid-19 và trưng dụng Bệnh viện Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương thành Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid.

Hơn 1.000 giảng viên và sinh viên Trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương đã viết đơn tình nguyện tham gia phòng chống dịch bệnh.

PGS.TS Đinh Thị Diệu Hằng, Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương cho biết: Chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ quan trọng và khẩn trương nên đã huy động tổng lực cán bộ, thầy thuốc của trường tham gia.

Đồng hành với các bác sĩ là những sinh viên cùng tham gia vào quá trình điều tra dịch tễ, truy vết, khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm và điều trị bệnh nhân Covid-19. Tại bệnh viện dã chiến, các sinh viên tình nguyện đã tích cực tham gia hỗ trợ khử trùng, khử khuẩn, vệ sinh buồng bệnh phục vụ công tác chăm sóc và điều trị bệnh nhân.

Theo sự điều động, phân công của tỉnh Hải Dương và nhà trường, hàng ngày, từ sáng sớm, những chuyến xe chở sinh viên đi khắp các địa bàn đang bùng phát dịch của tỉnh. 20 sinh viên đi hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm tại TP Chí Linh. 100 sinh viên hỗ trợ huyện Nam Sách. 60 sinh viên về huyện Kim Thành. 20 sinh viên hỗ trợ truy vết và 15 sinh viên hỗ trợ mã hóa danh sách trả kết quả tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hải Dương (CDC).

Tham gia lấy mẫu xét nghiệm.
Tham gia lấy mẫu xét nghiệm.

Kể về những ngày tham gia kiểm soát nhiễm khuẩn tại Bệnh viện dã chiến số 2, Đồng Thị Thư - sinh viên năm thứ ba, Khoa Điều dưỡng, Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương cho biết: Tết đến gần, ai cũng sẵn sàng tâm lý về nhà thì 27 Tết, trường thông báo tình hình dịch đang diễn biến phức tạp tại Hải Dương và huy động sinh viên tham gia chống dịch.

Được đào tạo những kỹ năng y khoa nên chúng em biết mình rất cần cho xã hội lúc này. Em và các bạn vội viết đơn đăng ký tham gia. Ai cũng biết sẽ phải làm việc trong môi trường nguy cơ lây nhiễm cao, nhưng mọi người đều lạc quan vì tin vào vốn kiến thức của mình. Thêm nữa được các thầy cô tập huấn và hướng dẫn rất kỹ nên suốt quá trình làm việc, chúng em đã tự bảo vệ sức khỏe để không bị lây nhiễm, đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Nguyễn Văn Hùng - sinh viên lớp hình ảnh 11, Trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương không thể quên thời gian làm việc tại Bệnh viên Dã chiến số 2 cũng những lo lắng khi phải tiếp xúc trực tiếp với các bệnh nhân Covid-19, nguy cơ lây nhiễm cao. Tuy nhiên, là sinh viên trường y có kiến thức chuyên môn, bản thân được các thầy cô hướng dẫn tỉ mỉ cách phòng tránh nên Hùng tự tin với nhiệm vụ được giao.

Hằng ngày, với bộ đồ bảo hộ kín mít, nóng bức, em và các bạn chia theo ca thực hiện công việc vận chuyển rác thải, phun khử khuẩn, lau bề mặt. Làm việc trong điều kiện khá vất vả nhưng các bạn sinh viên trường y đều vui vẻ nỗ lực tối đa để hoàn thành nhiệm vụ. Với Hùng, chống dịch luôn căng thẳng, vất vả nhưng cũng là môi trường giúp sinh viên rèn bản lĩnh, trau dồi kiến thức, Sau tháng ngày lao vào chống dịch, mỗi sinh viên đề trưởng thành hơn rất nhiều... 

Những ngày tháng tình nguyện của các thanh niên tình nguyên nói chung và sinh viên ngành y tại các tâm dịch là hành trang quý giá với mỗi người. Điều mà các bạn mong được nghe nhiều nhất là “âm tính rồi”. Không chỉ góp sức trẻ của mình để đẩy lùi dịch bệnh, mang lại an toàn cho người dân và xã hội, những sinh viên tình nguyện cũng học hỏi được nhiều điều nơi tâm dịch.

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Khi trách nhiệm… 'mơ màng'!

GD&TĐ - Trước khi mọi việc đi quá xa thì cần nghĩ đến đường dài cho nhạc hội bằng sự lắng nghe, cầu thị và tôn trọng khán giả.
Kết quả thi GCSE tại Anh sẽ tiếp tục giảm do ảnh hưởng từ việc đóng cửa trường học thời Covid-19.

Covid-19 vẫn 'đeo bám' học sinh Anh

GD&TĐ - Nghiên cứu do Quỹ Nuffield, quỹ từ thiện của Anh, tài trợ, dự đoán điểm số các môn thi chính trong kỳ thi GCSE sẽ giảm đến năm 2030.
Nhiều người lợi dụng thị thực du học để nhập cư Australia trái phép.

Ngăn chặn tình trạng lừa đảo du học

GD&TĐ - Các đại lý du học thiếu uy tín thường vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp về cuộc sống đại học và cơ hội nhập cư để lừa sinh viên quốc tế đăng ký.
Robot chơi piano của nhóm sinh viên.

Sinh viên chế tạo robot chơi piano

GD&TĐ - Nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM chế tạo robot có thể chơi hàng trăm bản nhạc khác nhau một cách thuần thục với đàn piano.