Mật ong cũng tiềm ẩn chất độc như trong pate Minh Chay, các mẹ chú ý khi dùng cho trẻ nhỏ

GD&TĐ - Người ăn phải thực phẩm chứa độc botulinum (độc chất trong pate Minh Chay) sẽ xuất hiện các triệu chứng sau 4 – 6 tiếng. Điều ít người biết là mật ong cũng tiềm ẩn chất độc nguy hiểm này...

Hàng loạt bệnh nhân nhiễm độc botulinum sau khi ăn pate Minh Chay. Ảnh minh họa
Hàng loạt bệnh nhân nhiễm độc botulinum sau khi ăn pate Minh Chay. Ảnh minh họa

Tình trạng hiếm gặp tại Việt Nam

PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, dấu hiệu nhận biết thực phẩm có thể chứa C. botulinum là khi đồ hộp bị phồng (do vi khuẩn sinh hơi). Nếu ăn thực phẩm chứa độc sau 4 – 6 tiếng sẽ xuất hiện các triệu chứng thần kinh. Cụ thể như mệt mỏi, sụp mi mắt, yếu cơ, khó nuốt, khó thở nếu liệt cơ hô hấp, nặng có thể tử vong. 

Bệnh này không gây nôn, tiêu chảy mất nước như các bệnh ngộ độc thực phẩm khác (độc tố tụ cầu, salmonella...). Bệnh tiến triển rối loạn tiết nước bọt, khô miệng, khó nuốt, nói khó, nói khàn, rối loạn ngôn ngữ... thậm chí liệt toàn thân, tắc ruột cơ năng. Thời gian ủ bệnh trung bình từ 12 – 36 tiếng. Bệnh có thể kéo dài, tỷ lệ tử vong từ 7 - 10%. Nếu không được phát hiện và chữa trị sớm, tỷ lệ này có thể tăng lên.

“Người bệnh cần nhập viện ngay nếu chẩn đoán nghi ngờ nhiễm độc botulinum, theo dõi sát tình trạng hô hấp để hỗ trợ hô hấp, sử dụng kháng độc tố càng sớm càng tốt, nhanh chóng loại bỏ nguồn độc tố”, PGS Cường nói.

Chuyên gia này nhận định, việc ngộ độc botulinum là tình trạng hiếm gặp tại Việt Nam. Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, vụ việc ngộ độc botulinum do ăn pate Minh Chay vừa qua là lời cảnh tỉnh dành cho các hãng thực phẩm khác. Do đó, không chỉ pate, mà các hãng thực phẩm đóng hộp khác cũng cần kiểm tra lại. Rà soát tất cả các khâu nguyên vật liệu, xử lý, đóng hộp, bảo quản, cách người dùng sử dụng. 

Vì sao trẻ nhỏ nhiễm độc botulinum cao hơn người lớn? 

Bác sĩ Trần Văn Phúc, Khoa Chẩn đoán hình ảnh tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) cho biết, số lượng trẻ em ngộ độc botulinum thường cao hơn so với các nhóm tuổi khác. 

“Câu trả lời là, trong mật ong chứa nha bào clostridium botulinum. Một nghiên cứu tại Mỹ định lượng các mẫu mật ong có khả năng gây bệnh, cho thấy, mỗi gam mật có từ 5 - 70 nha bào vi khuẩn”, bác sĩ Phúc cho hay.

Do đó, khi ăn phải nha bào có trong mật ong, vì dạ dày của trẻ ít axit, nên các nha bào có điều kiện nảy mầm, vi khuẩn clostridium botulinum phát triển tạo ra độc tố botulinum. Biểu hiện bệnh ở trẻ khác với người lớn. Khoảng 3 - 30 ngày, tính từ thời điểm ăn phải nha bào, trẻ sẽ khỏi bệnh.

“Các dấu hiệu chính gồm yếu cơ - trẻ cảm thấy “mềm” và mí mắt có thể rũ xuống lúc nào cũng nhắm như ngủ, táo bón. Đôi khi trẻ không đi ngoài trong vài ngày, bú kém hoặc bỏ bú, hay cáu gắt hoặc có những tiếng kêu khóc bất thường. Giai đoạn muộn trẻ khó thở, suy hô hấp, ngừng thở và tử vong nếu không được điều trị kịp thời”, chuyên gia lý giải.

Bác sĩ Phúc lấy dẫn chứng, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã đưa ra khuyến cáo trẻ dưới 1 tuổi không nên ăn mật ong và các sản phẩm chứa mật ong. Châu Âu và các quốc gia phát triển khác ở châu Á cũng đưa ra khuyến cáo tương tự.

“Theo quan sát của tôi, các bà mẹ hay sử dụng mật ong đánh tưa lưỡi cho con, dùng mật ong quất mỗi khi trẻ bị ho, bôi mật ong vào núm vú cho con chịu bú. Bởi vậy, các bác sĩ nhi khoa cần chú ý tới khả năng trẻ bị ngộ độc botulinum. Nhiễm độc botulinum thực sự là một thảm họa với bất cứ ai”, bác sĩ Phúc cảnh báo.

Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cảnh báo khẩn cấp, người tiêu dùng tạm thời không mua, không sử dụng các sản phẩm của Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới và thông báo cho cơ quan chức năng y tế tại địa phương nếu còn sản phẩm sau: Pate Minh Chay, pate nấm hầu thủ, ruốc nấm Heri vị hảo hạng, muối vừng bát bảo đặc biệt, ruốc nấm Heri hương thảo mộc, giò lụa lúa mì, muối lạc truyền thống, chả quế lúa mì, muối vừng bát bảo, giò nấm lúa mì, ruốc nấm truyền thống, ruốc nấm sả ớt, ruốc nấm cháy tỏi.
Đối với người tiêu dùng đã sử dụng sản phẩm, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như trên cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra và theo dõi kịp thời.

Trang bị kiến thức để bảo vệ bản thân 

WHO – Tổ chức Y tế Thế giới từng đề ra “Năm chìa khóa đối với an toàn thực phẩm” là: Giữ sạch, nấu kỹ, để riêng đồ sống và chín, trữ thực phẩm ở nhiệt độ chuẩn, sử dụng nước và nguyên liệu an toàn. Theo WHO, các ca ngộ độc hàng loạt đối với botulinum rất hiếm, nhưng đều là trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, đòi hỏi nhận biết nhanh chóng nhằm xác định nguồn bệnh. Tiên lượng của bệnh nhân phụ thuộc đáng kể vào việc chẩn đoán sớm và điều trị   phù hợp.

Khi nhiễm độc botulinum, thời gian nằm viện kéo dài từ 30 - 100 ngày. Nếu ngộ độc nặng gây liệt cơ hô hấp, người bệnh sẽ phải dùng máy thở. Vì vậy, nguy cơ nhiễm trùng cơ hội như viêm phổi, viêm đường tiết niệu, nhiễm khuẩn huyết là rất cao. Việc điều trị phục hồi chức năng các di chứng liệt cũng tương đối dài, khoảng 1 năm tiếp theo. Tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân đều hồi phục thần kinh hoàn toàn.

Theo bác sĩ Phúc, tỷ lệ ngộ độc botulinum ở Mỹ khá thấp, trung bình khoảng 160 ca bệnh mỗi năm. Các chuyên gia cho rằng, đó là kết quả của giáo dục và nhận thức về bảo quản và xử lý thực phẩm đúng cách.

“Hằng năm, Mỹ liên tục thu hồi các sản phẩm thức ăn chế biến sẵn. Các quốc gia châu Á từ Trung Quốc đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore đều thu hồi sản phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Sẽ chẳng có món ăn nào trở nên an toàn nếu chúng ta thiếu hiểu biết. Ngược lại, nếu hiểu biết thì mọi món ăn đều an toàn”, bác sĩ Trần Văn Phúc nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.