Chiều 1/9, Trung tâm Báo Chí TP.HCM phối hợp cùng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM tổ chức họp báo về các vấn đề liên quan đến việc xử lý khẩn cấp sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm, cụ thể là sản phẩm Pate Minh Chay của Công ty Lối Sống Mới (trụ sở đặt tại Hà Nội).
Trưởng Ban Quản lý An toàn Thực phẩm (ATTP) Phạm Khánh Phong Lan chủ trì họp báo. Tham dự có Phó GĐ Trung tâm báo chí TP.HCM Nguyễn Văn Khanh, Bác sĩ Nguyễn Văn Hảo,Trưởng khoa cấp cứu hồi sức tích cực chống độc người lớn, Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới TP. HCM cùng đông đảo phóng viên thuộc các cơ quan báo chí trên địa bàn TP.
Phát biểu tại họp báo, Trưởng Ban Quản lý ATTP Phạm Khánh Phong Lan cho biết, sau khi nhận được công văn của Cục ATTP, Bộ Y tế, Ban Quản lý ATTP đã tiến hành rà soát, nắm bắt thông tin về số cơ sở kinh doanh, người tiêu dùng trên địa bàn TP đã mua mà sử dụng các sản phẩm Pate Minh Chay do Công ty TNHH hai thành viên Lối sống mới kinh doanh, sản xuất.
Ngày 31/8, Ban Quản lý ATTP đã yêu cầu lãnh đạo 24 quận, huyện triển khai thực hiện xử lý khẩn cấp sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm theo tinh thần chỉ đạo của Cục ATTP, Bộ Y tế nêu trên. Và đồng thời, Ban Quản lý ATTP tiến hành xác minh, thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân không sử dụng và thu hồi các sản phẩm nêu trên với kết quả 1.223 người mua sản phẩm, 1.101 người tiêu dùng đã liên hệ được, 122 người chưa liên hệ được, 103 hộp đã được thu hồi.
Trong đó, riêng trường hợp một khách hàng tại quận 5, mua 3 hộp sản phẩm Pate Minh Chay, đã sử dụng hết 1 hộp và đem tặng 2 hộp cho một người tiêu dùng tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ban Quản ý ATTP đã liên hệ và cung cấp thông tin cảnh báo cho Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tại họp báo, PGS.TS Phong Lan mong muốn báo chí tuyên truyền đến người dân mức độ nguy hiểm của sản phẩm, cách xử lí, tiêu hủy sản phẩm đúng quy trình.
Người dân đã sử dụng sản phẩm Pate Minh Chay phải ngay lập tức đi kiểm tra sức khỏe. Tùy theo mức độ nhiễm độc của hộp, lượng thức ăn đã tiêu thụ, nếu bị ngộ độc nghiêm trọng phải nhập viện, người dân cần báo ngay việc sử dụng sản phẩm cho các cơ quan y tế. Những trường hợp khác thì đến trình báo tại cơ sở y tế địa phương càng sớm càng tốt.
Trao đổi với báo chí, Bác sĩ Nguyễn Văn Hảo,Trưởng khoa cấp cứu hồi sức tích cực chống độc người lớn, BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho biết, sau một ngày sử dụng sản phẩm, người tiêu dùng sẽ xuất hiện một số triệu chứng như sụp mí, nói khó, nuốt khó, khó thở, liệt cơ, co quắp tay chân,… Các bệnh nhân nhiễm độc tố của vi trùng Clostridium botulinum trong sản phẩm thường không có triệu chứng sốt, buồn nôn, tiêu chảy như ngộ độc thông thường. Đây cũng là độc tố nguy hiểm, nguy cơ dẫn đến tử vong lên đến 20%.
Đến ngày 1/9, theo thông tin từ các bệnh viện trên địa bàn thành phố, 9 bệnh nhân có sử dụng thực phẩm và đang được điều trị tại BV Chợ Rẫy, BV Bệnh Nhiệt Đới, BV 115. Hiện đã có 5 bệnh nhân được ra viện. Riêng 02 bệnh nhân đang được điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM có tình trạng khá nặng, một người đã cai thở máy sau hơn 1 tháng điều trị, còn lại 1 bệnh nhân vẫn trong tình trạng bị liệt và thở máy.
Bác sĩ Nguyễn Văn Hảo cho biết thêm, việc điều trị bằng huyết thanh kháng độc chỉ có tác dụng tốt nhất trong 3 ngày đầu sau khi người bệnh nhiễm độc tố của vi trùng Clostridium botulinum. Để phục hồi hệ thần kinh khi người bệnh nhiễm vi trùng này, công tác điều trị cho bệnh nhân phải mất từ 1-3 tháng, thậm chí có thể dẫn đến tử vong đối với bệnh nhân lớn tuổi và có nhiều bệnh nền.
Theo PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan cho biết, vấn đề lo ngại nhất là nhiều người dân không thích tên tuổi lên truyền thông, muốn giấu việc mình đã sử dụng sản phẩm này. Thay vì báo cáo cho cơ quan chức năng, họ sẽ đem sản phẩm thủ tiêu bằng cách vứt đi. Điều này rất nguy hiểm, có thể xảy ra trường hợp người khác nhặt lại để ăn hoặc lây nhiễm chéo với các thực phẩm khác. Vì vậy, cách xử lý tối ưu là nộp cho cơ quan chức năng hoặc gói kĩ, cách ly với các thực phẩm khác.