Học tiếng dân tộc để hòa nhập với học trò
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống là giáo viên ở tỉnh Thái Nguyên, năm 1997 sau tốt nghiệp THPT, cô Lâm Thị Thu, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học Thiện Hòa (huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn) đậu hệ trung cấp, ngành Giáo dục Tiểu học, Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên.
Cô Thu Trải lòng: “Mẹ là giáo viên từ nhỏ tôi đã chứng kiến mẹ miệt mài giảng bài cho các anh chị khoá trên vì vậy, tôi mong muốn sau này mình cũng trở thành một cô giáo đứng trên bục giảng truyền kiến thức cho học sinh”
Năm 1999, cô Thu tốt nghiệp, biết tin Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học Thiện Hòa tuyển giáo viên hợp đồng, cô đã đến nộp hồ sơ xin giảng dạy hợp đồng.
“Đến một địa phương mới làm việc, điều kiện ăn ở, đi lại khó khăn nhưng nghĩ đến việc mình sẽ được đứng trên bục giảng là những khó khăn không làm trở ngại với tôi”, cô Thu trải lòng.
Ngày đầu đến trường công tác, học sinh chủ yếu là người dân tộc thiểu số, nhiều em chưa nói sõi tiếng phổ thông ngại không dám đến trường hoặc có em vì gia cảnh khó khăn phải nghỉ học giữa chừng. Cô đã động viên, an ủi, cố gắng tạo lồng ghép các hoạt động thực tế vào tiết học để tạo hứng thú, tăng sự tương tác với học sinh giúp các em hào hứng khi đến lớp.
Cô Lâm Thị Thu (bên phải ngoài cùng), giáo viên Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học Thiện Hòa cùng học trò của mình. Ảnh NVCC. |
Cùng với đó để thêm hiểu học trò cũng như phong tục tập quán ở nơi mình công tác, cô Thu đã tự học tiếng dân tộc. Những ngày cuối tuần không về nhà, cô lại vào bản để tìm hiểu hoàn cảnh của học sinh, trò chuyện với phụ huynh phân tích cho họ hiểu giá trị của việc cho con đến trường biết chữ…
“Để học sinh không còn khoảng cách, tôi đã thay đổi phong cách ăn mặc, thường xuyên lên lớp với trang phục của người người dân tộc, quấn khăn trên đầu cho giống người dân nơi đây, giao tiếp với các em bằng tiếng dân tộc để tăng sự gần gũi nối gần khoảng cách giữa cô và trò”, cô Thu trải lòng.
Cũng chính sự nỗ lực đó, lớp cô chủ nhiệm không còn tình trạng học sinh bỏ học giữa, sĩ số lớp đầy đủ hơn.
Dạy xóa mù chữ để người dân ứng dụng vào thực tiễn
Là giáo viên lâu năm gắn bó với trường, tạo được lòng tin cho người dân, cô Thu được nhà trường phân công giảng dạy cho lớp xoá mù chữ ở xã Thiện Hoà.
Lần đầu tiên tham gia dạy xóa mù chữ, cô Thu được phân công chủ nhiệm và giảng dạy môn Tiếng Việt cho 29 học viên tại lớp xoá mù chữ.
Lớp xoá mù ở xã Thiện Hoà . Ảnh NVCC. |
Học viên chủ yếu là người dân tộc Nùng và dân tộc Dao. Ngoài việc dạy kiến thức, chữ viết cô còn hướng dẫn cách viết các giấy tờ, thủ tục liên quan đến hành chính như làm giấy khai sinh cho con, kê khai thông tin bản thân, cách tra cứu tài liệu để chăn nuôi, trồng cây có hiệu quả kinh tế cao…
Những kiến thức thực tiễn với người dân đã thu hút được học viên đi học đầy đủ. Đối với những người có ý định bỏ học giữa chừng, cô Thu đến tận nhà vận động, không để ai bị “đứt gánh giữa đường”.
“Kết thúc khóa học, người dân vô cùng phấn khởi, họ chia sẻ những cảm nhận của mình trong quá trình học, sau khi biết chữ đã thay đổi suy nghĩ, giải quyết những khó khăn mà bấy lâu nay do không biết chữ gây nên như biết bấm số gọi điện thoại, nhắn tin cho con. Hay lên ngân hàng vay vốn có thể đọc hiểu các điều lệ, yêu cầu, các thủ tục cần chuẩn bị".
Cô Thu cũng trải lòng thêm: “Từ khi tham gia giảng dạy, đồng hành với học viên lớp xoá mù chữ tôi hiểu những khó khăn, vất vả của người dân đặc biệt là phụ nữ không biết chữ như thế nào. Vì vậy bên cạnh dạy môn Tiếng Việt, cô luôn hỏi han giáo viên các môn khác về tình hình học tập của học viên”.
Theo đánh giá của thầy Hoàng Văn Kiều – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học Thiện Hòa : “Cô Thu là giáo viên có kinh nghiệm trong công tác phổ cập giáo dục, là chủ tịch công đoàn luôn gương mẫu trong việc. Cô khuyến khích, tạo điều kiện cho đồng nghiệp tham gia các hoạt động của nhà trường... Trong công tác xóa mù chữ, luôn tận tình, gần gũi học viên, duy trì và đảm bảo sĩ số lớp… bám sát nội dung chương trình giảng dạy”.