“Nghĩa vụ” phải từ chức
Quyết định từ chức của ông Keith Schembri, Chánh Văn phòng của Thủ tướng Joseph Muscat và Bộ trưởng Du lịch, ông Konrad Mizzi đã gây áp lực lớn lên chính phủ Malta trong vụ sát hại nữ nhà báo Caruana Galizia hồi năm 2017.
“Kẻ giết người!” hàng trăm người biểu tình đứng bên ngoài Quốc hội hô lớn. Không ít người đã ném trứng vào Thủ tướng Muscat - người bị cáo buộc đã cản trở công lý bằng cách bảo vệ những đồng minh thân cận. Thậm chí, khi nhìn thấy Thủ tướng được hộ tống bởi một nhóm vệ sĩ, nhiều người dân đã hô to: “Mafia”.
Phát biểu với hãng tin AFP, nhiều nguồn tin cho rằng, ông Schembri (Chánh Văn phòng của Thủ tướng) đã bị cảnh sát thẩm vấn sau nghi ngờ đã ăn hối lộ từ doanh nhân nổi tiếng Yorgen Fenech - nghi phạm chính trong vụ án.
Vào tuần trước, doanh nhân Fenech đã bị bắt giữ trên du thuyền khi đang nỗ lực rời khỏi Malta. Không lâu sau đó, người đàn ông có quyền lực này đã được tại ngoại hôm 26/11.
Vụ bắt giữ diễn ra chỉ 1 ngày sau khi Thủ tướng Joseph Muscat tuyên bố sẽ ân xá cho kẻ trung gian nếu cung cấp đủ thông tin và bằng chứng về người đứng sau vụ ám sát. “Nếu không làm điều đó, có lẽ giờ đây những người có liên quan nhiều khả năng đã trốn thoát”, ông Muscat nói.
Theo luật của Malta, cảnh sát có quyền tạm giam Fenech trong 48 tiếng, và sau đó phải bắt giữ hoặc thả người.
Truyền thông Malta đưa tin, các nhà điều tra nước này nghi ngờ rằng, cựu Chánh Văn phòng Schembri có thể đã bí mật thông báo tin tức cho Fenech. Trước bối cảnh này, Thủ tướng Malta, ông Muscat đã từ chối trả lời về lý do khiến ông Schembri đưa ra quyết định từ chức; đồng thời nhấn mạnh, thời điểm hiện tại vẫn còn quá sớm để suy đoán.
Chỉ vài giờ sau phát biểu của Thủ tướng, Bộ trưởng Du lịch Mizzi cho biết, bản thân ông có “nghĩa vụ” phải từ chức để có thể giúp chính quyền của Thủ tướng Muscat hoàn thành nhiệm kỳ.
Trong một diễn biến khác, hôm 26/11, Bộ trưởng Kinh tế Chris Cardona tuyên bố sẽ ngừng thực thi chức trách của mình cho đến khi cuộc điều tra kết thúc.
Từ vụ mưu sát
Nữ nhà báo Daphne Caruana Galizia đã bị sát hại vào khoảng 15 giờ ngày 16/10/2017, sau khi chiếc Peugeot 108 của bà bị một quả bom cực mạnh cài trong xe phát nổ.
Vụ đánh bom xe diễn ra chưa đầy 1 tiếng sau bài viết của bà Daphne Caruana Galizia đăng trên trang web Running Commentary. 15 ngày trước khi bị mưu sát, bà Daphne Caruana Galizia đã báo cáo với cảnh sát về việc nhận được những lời đe dọa sát hại.
Bà Daphne Caruana Galizia bắt đầu sự nghiệp báo chí từ những năm 1980 với vai trò nhà phê bình cho tờ Sunday Times of Malta. Sau đó, bà làm biên tập viên cho tờ Malta Independent.
Không theo đảng phái chính trị nào, nhưng nữ nhà báo Daphne Caruana Galizia vẫn nhận được sự ủng hộ của nhiều giới, bất chấp việc bà điều tra các ngân hàng tạo điều kiện dễ dàng cho những vụ rửa tiền, hay mối liên quan giữa mafia với kỹ nghệ cờ bạc ở Malta.
Những bài viết của bà Daphne Caruana Galizia được coi là “cái gai” nhắm vào chính phủ và những nhân vật quyền lực ngầm ở Malta.
Theo tờ The Guardian, nữ nhà báo Daphne Caruana Galizia (53 tuổi), là người từng dẫn đầu cuộc điều tra về nạn tham nhũng tại Cộng hòa Malta (quốc gia nhỏ nhất châu Âu), sau khi bà cùng nhiều phóng viên khác tiết lộ “Hồ sơ Panama”.
Làn sóng phản đối dữ dội
Vụ sát hại nhà báo Daphne Caruana Galizia đã gây ra sự phẫn nộ và dấy lên làn sóng phản đối ở khắp Malta.
Gia đình cố nhà báo Daphne Caruana Galizia cho biết, họ muốn một cuộc gặp với Tổng Chưởng lý Malta, ông Peter Grech, để nói về câu chuyện mà các bài báo trên phương tiện truyền thông phản ánh.
Gia đình cũng muốn làm rõ nghi ngờ, có thể doanh nhân Fenech cũng được ân xá để đổi lấy việc “chỉ điểm” các quan chức cấp cao đồng lõa trong việc ra lệnh giết người.
Mathew Caruana Galizia, con trai nhà báo Daphne cho biết: “Chúng tôi rất muốn được làm rõ ràng về việc này”. Cũng theo anh này, “bằng chứng tiếp tục xuất hiện và cho thấy, nhân vật quyền lực nhất trong chính phủ Malta đã nhúng tay vào” vụ việc cũng như “sử dụng quyền lực của mình để che đậy sự thật”.
Trước bối cảnh này, Thủ tướng Muscat khẳng định, ông không bao giờ “nhắm mắt làm ngơ”. “Tôi chắc chắn sẽ từ chức nếu có bất kỳ mối liên hệ nào giữa tôi và vụ giết người”, ông Muscat tuyên bố.
Theo Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI), bất kể Yorgen Fenech đã khai báo điều gì với cảnh sát Malta, việc tiếp tục thực hiện một cuộc điều tra độc lập, công tâm về vụ giết người bi thảm này là điều cần thiết, để đưa những kẻ đứng đằng sau ra trước công lý.
Trước khi bị mưu sát, bà Daphne Caruana Galizia đã cáo buộc Công ty 17 Black có quan hệ với chính phủ Malta. Cuộc điều tra của cảnh sát Malta sau đó đã không chỉ làm rõ việc công ty này thuộc sở hữu của Fenech, mà còn cho thấy, đây là công ty có thể đã được sử dụng để chi trả hàng triệu USD cho các công ty bí mật của Panama. Và, chúng được kết nối với các quan chức cấp cao trong chính phủ Malta.
Mặc dù không ít quan chức cấp cao Malta đang phải đối mặt với việc ngồi tù do bị tình nghi có liên quan tới vụ việc, nhưng kẻ chủ mưu thực sự vẫn chưa được xác định.
Báo cáo viên đặc biệt của Ủy hội châu Âu, ông Pieter Omtzigt - người được chỉ định theo dõi cuộc điều tra từ năm 2018, cho biết, những diễn biến ngày càng phức tạp này đã làm dấy lên “những câu hỏi cấp bách” dành cho Thủ tướng.
“Nếu Hồ sơ Panama được điều tra, cựu Chánh Văn phòng Schembri và Bộ trưởng Du lịch Mizzi từ chức từ 3 năm trước, liệu nữ nhà báo Daphne Caruana Galizia có còn sống đến ngày hôm nay?” - ông Omtzigt chia sẻ.