Chưa bệnh nhân Lupus ban đỏ nào nhiễm Covid-19
Không lâu sau khi Việt Nam công bố ca mắc 243, người hàng xóm và chị dâu của nam bệnh nhân này cũng được xác nhận dương tính với Covid-19. Tuy nhiên tới nay, vợ của BN243 hoàn toàn khỏe mạnh. Lý giải về việc này, bác sĩ Trần Văn Phúc khẳng định, y học có thể dễ dàng giải thích vấn đề này.
“Người vợ không lây là bởi tiền sử mắc bệnh Lupus ban đỏ hệ thống đã 12 năm. Bệnh này được bác sĩ kê đơn thuốc chloroquine hoặc hydroxychloroquine.
Chloroquine/hydroxychloroquine là thuốc trước đây dùng điều trị sốt rét, sau được kê đơn cho các trường hợp bị HIV, bệnh khớp mãn tính. Đặc biệt với bệnh nhân Lupus ban đỏ hệ thống rất cần thuốc này”, bác sĩ Phúc cho biết.
Trên Facebook cá nhân, bác sĩ Trần Văn Phúc lấy dẫn chứng tại Trung Quốc: “Khi đại dịch Covid-19 xảy ra ở Trung Quốc, các chuyên gia đa ngành tại Bệnh viện Nhân dân tỉnh Hồ Bắc do Giáo sư Vương Mẫn Lệ dẫn đầu, đã quan sát tại khoa Da liễu có 80 bệnh nhân bị Lupus ban đỏ hệ thống. Nhưng lúc đầu có sự trộn lẫn mà không bệnh nhân Lupus nào bị nhiễm Covid-19. Tiếp đó, nhóm nghiên cứu quan sát 178 bệnh nhân bị bệnh viêm phổi do Covid-19, nhưng cũng không có bệnh nhân nào mắc Lupus ban đỏ”.
Bài đăng cho hay, sau quá trình nghiên cứu, Giáo sư Vương Mẫn Lệ và các cộng sự nhận thấy, chloroquine còn có tác động điều chỉnh miễn dịch, giúp tăng cường tác dụng chống virus trong cơ thể. Ngày 4/2, nghiên cứu được công bố và đăng ký bản quyền với tên gọi “Hiệu quả của chloroquine/hydroxychloroquine trên Coronavirus chủng mới (Covid-19)” và được Ủy ban Đạo đức của Bệnh viện Nhân dân Đại học Vũ Hán phê duyệt cho phép đăng ký trên nền tảng thử nghiệm lâm sàng.
Cũng theo bác sĩ Phúc, hiện vẫn chưa có bất cứ báo cáo nào trên thế giới về việc bệnh nhân Lupus ban đỏ nhiễm Covid-19.
Nguy cơ từ việc tự ý sử dụng thuốc
Ngày 6/4, Bộ Y tế công bố ca mắc Covid-19 mới là BN243 (nam), 47 tuổi, quốc tịch Việt Nam, cư trú tại huyện Mê Linh (Hà Nội). Ngày 12/3, bệnh nhân đưa vợ đi khám bệnh tại khoa Miễn dịch - Dị ứng, Bệnh viện Bạch Mai và về trong ngày, ăn tại quán cơm đường Giải Phóng đối diện cổng bệnh viện. Sau đó, người này không quay lại bệnh viện. Ngày 30/3, BN243 khai báo trạm y tế và được cách ly tại nhà ở Hạ Lôi (Mê Linh). Người này có tiếp xúc gần với người nhà, người thân và bạn kinh doanh. Ngày 4/4, BN243 được lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội ngày 6/4 cho kết quả dương tính với Covid-19. Bệnh nhân hiện được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Theo bác sĩ Trần Văn Phúc, chloroquine/hydroxychloroquine là thuốc độc bảng B. Nó có thể gây chết người. Do đó, khi kê đơn điều trị cho bệnh nhân nội trú, điều dưỡng phát thuốc thường yêu cầu bệnh nhân phải uống ngay. Vị bác sĩ này nhấn mạnh, chỉ người có chuyên môn mới hiểu được những tác dụng phụ của thuốc chống sốt rét và từ đó tính toán liều lượng kỹ lưỡng. Do đó, người dân được khuyến cáo không tự ý sử dụng thuốc.
Ngày 21/3, một người đàn ông 44 tuổi đã phải nhập viện Bạch Mai vì uống nhiều viên thuốc chống sốt rét nhằm phòng tránh Covid-19. Ngay sau khi uống, người này có dấu hiệu như tụt huyết áp, nôn mửa và buộc phải rửa ruột.
Đây không phải trường hợp đầu tiên ngộ độc thuốc chống sốt rét trên thế giới. Tại thành phố Phoenix, bang Arizona (Mỹ), một người đàn ông đã tử vong còn vợ của người này nguy kịch sau khi sử dụng thuốc chloroquine để tự điều trị Covid-19.
Mới đây, hãng tin Reuters đưa tin, việc sử dụng thuốc sốt rét chloroquine để điều trị bệnh nhân Covid-19 đã bị dừng lại ở một số bệnh viện Thụy Điển do các tác dụng phụ được báo cáo như: Chuột rút và mất thị lực ngoại biên. Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ cũng đã gỡ bỏ khỏi trang web hướng dẫn dành cho bác sĩ về cách kê toa thuốc hydroxychloroquine/chloroquine trong điều trị Covid-19.
Nhấn mạnh về hiểm họa khi tự ý sử dụng loại thuốc này, bác sĩ Phúc cho biết, người dân cần hiểu rõ về những tác dụng phụ của hydroxychloroquine/chloroquine để không “rước họa vào thân”.
Ngày 8/4, Bộ Y tế đã giao cho Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM chủ trì nghiên cứu đánh giá tính an toàn và hiệu quả của việc dùng thuốc chlroquine trong điều trị Covid-19. Nghiên cứu còn có sự phối hợp của Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện dã chiến Củ Chi, Bệnh viện dã chiến Cần Giờ, Viện Pasteur TPHCM và Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU).
Theo Giáo sư Guy Thwaites - Giám đốc OUCRU, mục đích của thử nghiệm lâm sàng là để xem loại thuốc này có tiêu diệt virus SARS-CoV-2 hay làm giảm lượng virus trong mũi và họng của bệnh nhân không. “Chúng tôi hi vọng nếu thuốc có được hiệu quả đó, nó cũng sẽ làm tăng tốc độ bình phục của người bệnh”, ông Guy Thwaites nói.