(GD&TĐ) - Chúng tôi đến nhà em Nguyễn Thanh Tùng (học sinh lớp 12 chuyên Toán 1, Trường THPT chuyên Sư phạm, ĐH Sư phạm Hà Nội) - tân thủ khoa ĐH Dược - lúc em đang bận bịu phụ bố chuyển những bình gốm ra lò.
Thủ khoa Nguyễn Thanh Tùng (thứ 2 từ trái sang) cùng bố mẹ và em gái |
Người con ngoan, sống tình cảm
Những ngày này, căn nhà của Tùng ở thôn Giang Cao (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) luôn nhộn nhịp người đến thăm và chúc mừng khi biết tin em đỗ thủ khoa.
Tùng gây ấn tượng với mọi người khi tiếp xúc bởi vẻ bề ngoài khôi ngô, thân thiện và nụ cười luôn nở trên môi. Là con trai cả trong gia đình làm gốm sứ, hiểu được sự vất vả của bố mẹ nên từ nhỏ, Nguyễn Thanh Tùng đã ý thức được việc học. Tuy nhiên, những năm học cấp 1, kết quả học tập của em chẳng được như mong đợi khi 4 năm liền Tùng chỉ đạt học sinh tiên tiến.
Lúc ấy, thấy các anh chị, anh em bên nội, bên ngoại đều học giỏi và đỗ đạt cao nên Tùng không bằng lòng với kết quả học tập của mình. Tùng luôn xem các anh chị là tấm gương để mình cố gắng học tốt.
Lên lớp 5, trong một lần đi họp phụ huynh, mẹ Tùng được nghe cô giáo chủ nhiệm của con nhận xét rằng Tùng có tố chất học Toán rất tốt. Nghe cô chủ nhiệm nói vậy, gia đình Tùng rất mừng và càng tạo mọi điều kiện cho con học tập được tốt nhất. Nhờ thế, thành tích học tập của Tùng được cải thiện rõ rệt. Từ học sinh khá, Tùng vươn lên tốp đầu và từ lớp 5 đến hết lớp 12, em luôn đạt danh hiệu học sinh xuất sắc.
Thấy Tùng học giỏi, nhiều người trong làng khuyên em nên đăng ký thi vào những trường chuyên ở nội thành. Cuối cùng, Tùng quyết định thi vào lớp chuyên Toán, khối THPT chuyên Sư phạm thuộc Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và thừa điểm đỗ.
Những ngày đầu con học xa nhà, bố mẹ Tùng đã nhiều đêm không ngủ được vì lo cho con. Ông Nguyễn Xuân Thu - bố Tùng - nhớ lại: “Lúc đưa con lên học, đi thuê được phòng trọ gần trường thì chủ nhà chuyên nấu bằng bếp than tổ ong, khói um cả dãy trọ, tôi về cả đêm không tài nào chợp mắt được vì lo cho sức khỏe của con mình. Ngay sáng hôm sau, tôi lên nội thành và tìm được phòng khác an toàn và thoáng đãng hơn mới yên tâm trở về”.
Trong môi trường mới, Tùng được bạn bè và thầy cô nhận xét là người vui tính, hòa đồng. Đặc biệt, với khiếu hài hước, Tùng được mọi người trong lớp cử đóng kịch, văn nghệ. Khi học lớp 11, Tùng còn được “tiến cử” đi thi học sinh thanh lịch của trường nhưng “bị loại ngay từ vòng gửi xe”.Học ở nội thành nên cứ dịp cuối tuần, Tùng lại bắt xe buýt về thăm nhà. Em thường tranh thủ phụ bố mẹ làm gốm và tối đến lại kèm em gái học bài.
“Tùng từ nhỏ đã rất ngoan và sống rất tình cảm, lễ phép với mọi người. Cứ mỗi khi đi học về, trong bữa cơm Tùng lại tâm sự và kể cho bố mẹ nghe những chuyện ở trường hay những khó khăn trong học tập. Nhờ đó, vợ chồng tôi không chỉ là cha mẹ, mà còn là người bạn lớn của con” - bà Đỗ Thị Nội - mẹ Tùng tâm sự.
Tùng phụ bố mẹ việc nhà. Ảnh Duy Ngợi |
Kiến thức là chìa khóa thành công!
Bị ra mồ hôi trộm ở bàn tay từ nhỏ nên nhiều lúc học và làm bài tập, Tùng rất khó chịu vì giấy bị thấm ướt không viết được. Do đó, từ khi học lớp 10, Tùng đã ấp ủ trở thành một người tạo ra những viên thuốc để chữa dứt bệnh ra mồ hôi trộm ở tay của mình, và quan trọng nhất là để chữa bệnh cho mọi người. Vì vậy, em đã đăng ký dự thi vào trường ĐH Dược và ĐH Y Hà Nội.
Để thể hiện quyết tâm, dịp Tết Nguyên đán vừa qua, Tùng cùng mẹ đã lên Văn Miếu xin thầy đồ hai chữ “Thủ khoa” về treo ở vị trí trang trọng nơi phòng khách và không ngờ, Tùng đỗ thủ khoa thật.
Nói chuyện với chúng tôi, bố mẹ Tùng hạnh phúc đến rơi nước mắt. “Vợ chồng tôi quanh năm đầu tắt mặt tối với những lò gốm, khó khăn, vất vả mấy cũng gắng cho con học hành, giờ hạnh phúc nào hơn khi thấy con mình đỗ đạt” - mẹ thủ khoa Đại học Dược tự hào nói.
Chia sẻ về bí quyết học tập, Thủ khoa Đại học Dược cho biết: “Hằng ngày em chỉ dành 5-6 tiếng để học bài ở nhà. Khi học, em thường tập trung cao độ để tiếp thu bài giảng của thầy, cô được tốt nhất. Với môn Toán, em chỉ học và làm bài tập trong sách giáo khoa rồi làm những đề thi thử trên mạng, ít khi đọc những tài liệu tham khảo”.
- Thế em có đi ôn ở các lò luyện thi không?
- Ở nhà em cũng có lò (lò gốm – PV) nóng lắm rồi nên không phải đi luyện thi ở đâu nữa! Tùng hài hước đáp.
- Khi đỗ thủ khoa, em có nghĩ mình may mắn?
- Yếu tố may mắn thì chỉ là một phần thôi, điều quan trọng là mình phải có kiến thức và tự tin mới làm bài tốt được! Tùng khẳng định.
Tùng chia sẻ thêm: “Trước khi thi đại học, trường em đã tổ chức tất cả 7 lần thi thử đại học. Em tham gia thi thử 6 lần và đạt từ 27 điểm trở lên, lần cao điểm nhất là được 28,5 điểm”.
Đã là thủ khoa của một trường ĐH danh tiếng, Tùng và gia đình tiếp tụchồi hộp chờ kết quả thi khối B vào Đại học Y Hà Nội. Biết đâu Tùng lại trở thành thủ khoa kép của hai trường ĐH!
Duy Ngợi