Tam Sơn (Từ Sơn, Bắc Ninh) được biết đến là nơi khoa bảng lừng danh đất Việt. Với 22 vị tiến sĩ, trong đó có 2 Trạng nguyên, 1 Bảng nhãn, 1 Thám hoa, còn lại là các tiến sĩ, phó bảng có nhiều công lao cống hiến phục vụ đất nước.
Một kho nhân tài
Theo các nguồn sử liệu, làng Tam Sơn có nhiều mối quan hệ mật thiết với nhà Lý - Vương triều mở đầu cho kỷ nguyên Thăng Long rực rỡ của lịch sử dân tộc. Dấu tích nổi bật nhất của mối quan hệ mật thiết đó chính là ngôi chùa làng mang tên Cảm Ứng.
Theo TS Nguyễn Minh Tường, chùa Cảm Ứng được hình thành vào khoảng niên hiệu Ứng Thiên (994 - 1007). Khoảng cuối triều Tiền Lê, các phe phái trong triều đình tiến hành những cuộc tranh giành địa vị khốc liệt. Con thứ ba của Lê Đại Hành là Long Việt (tức Lê Trung Tôn) vừa lên ngôi 3 ngày thì bị em mình là Long Đĩnh giết chết để soán ngôi.
Các quan lại trong triều đều sợ hãi và chạy trốn, duy có Điện tiền quân Lý Công Uẩn ôm xác Long Việt mà khóc. Long Đĩnh lên ngôi vua (tức Lê Ngọa Triều) khen hành động của Lý Công Uẩn là trung và cho làm chức Tả Thân vệ Điện tiền chỉ huy sứ.
Ngày ấy, ở châu Cổ Pháp xuất hiện bài sấm ký sau việc cây gạo bị sét đánh, sư Vạn Hạnh giải thích rằng, đó là điềm báo nhà Lê phải mất, nhà Lý lên thay. Nghe vậy, Lý Công Uẩn sợ lời nói ấy bị tiết lộ, bèn bảo Vạn Hạnh về ẩn náu tại Ba Sơn (Tam Sơn).
Từ ngàn xưa, Tam Sơn nổi tiếng là đất khoa bảng, nơi sản sinh ra nhiều nhân tài của làng quê xứ Kinh Bắc. Theo tổng kết của nhà nghiên cứu Bùi Xuân Đính thì chỉ riêng hàng đại khoa (tiến sĩ), Tam Sơn đã có 22 người.
Đặc biệt, Tam Sơn cũng hội đủ danh hiệu bảng vàng Tam khôi và là ngôi làng duy nhất của cả nước với 2 Trạng nguyên, 1 Bảng nhãn, 1 Thám hoa. Đó là các Trạng nguyên: Nguyễn Quán Quang (đỗ năm 1246), Ngô Miễn Thiệu (đỗ năm 1518), Bảng nhãn Ngô Thầm (1493) và Thám hoa Ngô Sách Tố (1721). Bởi vậy, dân gian mới có câu rằng: “Tam Sơn là đất ba gò/Của trời vô tận một kho nhân tài”.
Tài năng hai Trạng Tam Sơn
Làng Tam Sơn xưa thuộc tổng Tam Sơn, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, xứ Kinh Bắc. Theo sử làng, số người đỗ đạt tập trung ở hai làng: Tam Sơn (17 vị) và Dương Sơn (5 vị).
Các vị đại khoa làng Tam Sơn luôn nêu cao tấm gương sáng về đạo lý làm người. Họ đem hết tài năng phục vụ đất nước, nhiều vị đảm nhiệm những trọng trách quan trọng của triều đình.
Bắt đầu từ Nguyễn Quán Quang, tuy sử liệu viết về ông khá ít nhưng vẫn còn lại hành trạng lưu lại trong các giai thoại dân gian. Ông sinh trong một gia đình nghèo, không có tiền gạo theo học.
Lúc nhỏ, thường lân la ngoài cửa lớp lúc thầy dạy học trò trong làng, rồi dùng gạch non viết chữ xuống nền sân. Sau được thầy học phát hiện tài năng và cho vào học, ông càng nổi tiếng thông minh, học một biết mười, nhanh chóng lầu thông kinh sử, ứng khẩu thành thơ, thông thái uyên thâm.
Nguyễn Quán Quang dự thi hương đậu giải nguyên, thi hội đậu hội nguyên. Khi vua Trần Thái Tông mở khoa thi đại tị thủ sỹ năm Bính Ngọ, niên hiệu Thiệu Ứng Chính Bình năm thứ 15 (năm 1246). Ông đỗ tiến sĩ đệ nhất giáp, trở thành Trạng nguyên.
Nguyễn Quán Quang có nhiều công lao với triều đình trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Lần ông được cử làm sứ thần lên biên giới điều đình với giặc khi quân Nguyên chuẩn bị xua quân “làm cỏ” nước Nam.
Viên tướng Mông Cổ muốn dùng uy để chế áp ông, nhân đi qua ao bèo, bèn vớt một cây bèo lên, nắm gọn trong lòng bàn tay rồi bóp nát. Nguyễn Quán Quang hiểu ý viên tướng Mông Cổ tỏ ý xem thường Đại Việt như những cánh bèo non yếu chỉ cần khẽ đánh là tan, vì vậy, ông liền nhặt một hòn đá to rồi ném xuống giữa ao.
Bèo dạt ra một khoảng trống, nhưng chỉ giây lát sau những cánh bèo lại tụ lại kín mặt ao. Tướng Mông Cổ hiểu được thâm ý của ông: Người Việt bao giờ cũng đoàn kết toàn dân để bảo vệ giang sơn, không một sức mạnh nào có thể khuất phục được. Chính vì thế, viên tướng Mông Cổ phải hoãn binh, không dám tiến quân sang ngay.
Cũng theo giai thoại, trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông Cổ lần thứ nhất (1258), Nguyễn Quán Quang có nhiều cống hiến nên được vua thăng đến chức Bộc xạ (tương đương Tể tướng). Khi làm quan, ông hết lòng vì dân vì nước, thanh liêm, trung thực, được trong triều ngoài dân mến phục cả tài lẫn đức.
Khi về già, ông về quê hương mở trường dạy học, sống đời thanh đạm. Nơi Nguyễn Quán Quang dạy học về sau dân dựng lên một ngôi chùa gọi là chùa Linh Khánh. Ngôi chùa về sau không còn nữa, nhưng vẫn còn một cây hương đá tạc vào năm Chính Hòa thứ 18 (1697). Trong đó ghi công đức của Trạng nguyên Nguyễn Quán Quang với dân làng.
Ngoài ra, ông còn được dân làng lập đền thờ trên núi Viềng, thờ ông làm Thành hoàng, gọi là Bản thổ Thành hoàng, Đại vương Phúc thần. Hằng năm, vào dịp 22 tháng Chạp (âm lịch), dân làng lại tổ chức “Tế phong mã” để tưởng nhớ.
Trạng nguyên Ngô Miễn Thiệu hiệu là Thuận Nhã Tự Trúc Khê, ông sinh năm Kỷ Mùi (1499), là con trưởng của Bảng nhãn Ngô Thầm. Năm 20 tuổi, ông đỗ Trạng nguyên thời Lê Chiêu Tông. Khi nhà Mạc lật đổ nhà Lê, ông bỏ quan về quê dạy học.
Trong 8 năm dạy học ở quê nhà, dưới bàn tay dạy dỗ của ông, rất nhiều người thi đỗ tiến sĩ và trở thành trí thức phục vụ cho đất nước.
Từ khi nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, nhà Minh cho sứ sang hỏi tội nhiều lần. Có lần vua Minh sai Mao Bá Ôn làm Tham tán quân vụ thống lĩnh một đội quân sang hỏi tội nhà Mạc. Đội quân này đóng ngay nơi biên giới hai nước. Mao Bá Ôn làm bài thơ “Vịnh bèo” nhằm miệt thị nhà Mạc và cũng là để thăm dò nhân tài nước Nam.
Nhà Mạc nhận được bài thơ nhưng không ai họa lại được. Cuối cùng có người tâu lên rằng Trạng nguyên Ngô Miễn Thiệu có khả năng họa lại. Vua bèn cho triệu mời Ngô Miễn Thiệu vào cung. Miễn Thiệu xem xong bài thơ rồi nói: “Nếu không có lời lẽ thống thiết thì làm sao lui được quân Minh, nhà vua muốn thì có khó gì”.
Rồi ông đứng lên đọc bài thơ “điệp văn” cho viên quan bộ Lễ chép lại, ký tên là Đầu Mục Mặc Đăng Dung: Chen nhau vảy gấm khó luồn kim/Cành rễ liền nhau chẳng kể thân/Tranh với bóng mây trên mặt nước/Hé dung ánh nhật lọt dòng tâm/Nghìn trùng sóng đánh thường không vỡ/Muôn trận phong ba cũng chẳng chìm/Nào cá nào rồng trong ấy ẩn/Cần câu Lữ Vọng khó mà tìm.
Mao Bá Ôn đọc xong bài thơ “điệp văn” thì biết nước Nam vẫn còn nhân tài, khó mà uy hiếp, liền thu quân trở về. Người đương thời khen Ngô Miễn Thiệu “lập thi thoái lộ” - đứng làm thơ đẩy lui được giặc.
Khoa bảng vẻ vang
Điều không thể phủ nhận khi nói về các dòng họ ở Tam Sơn là truyền thống hiếu học và khoa bảng. Nét đẹp đó luôn được mọi thế hệ trong các dòng họ duy trì nối tiếp và tạo dựng, sản sinh ra nhiều người tài giỏi.
Theo tư liệu, chỉ riêng trong 3 dòng họ: Họ Ngô (xóm Xanh), họ Nguyễn (xóm Trước), họ Ngô Sách (Ngô Nguyễn Từ Đường) đã có tới 17 người đỗ đại khoa.
Tiến sĩ Ngô Luân là anh ruột Bảng nhãn Ngô Thầm, bác ruột Trạng nguyên Ngô Miễn Thiệu. Ông đỗ Tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Ất Mùi (1475). Sau thi đỗ, ông được chọn là thành viên Hội Tao Đàn nhị thập bát tú. Làm quan đến chức Thượng thư kiêm Đông các đại học sĩ.
Ngô Luân cùng với Thân Nhân Trung và Đỗ Nhuận được giao nhiệm vụ soạn Văn bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Vua Lê cũng giao cho ông trọng trách phê bình tập “Cổ kim cung từ thi”.
Tiến sĩ Nguyễn Úc là anh ruột tiến sĩ Nguyễn Khiết Tú và là bác ruột tiến sĩ Nguyễn Tảo, Nguyễn Hòa Trung. Ông đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Đinh Mùi (1487). Ông từng đi sứ Trung Hoa, làm quan trải đến chức Lại bộ Tả thị lang.
Bảng nhãn Ngô Thầm là thân phụ Trạng nguyên Ngô Miễn Thiệu và là ông nội tiến sĩ Ngô Diễn, Ngô Dịch. Ông đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ nhị danh khoa Quý Sửu (1493), làm quan đến chức Hàn lâm viện hiệu thư.
Tiết nghĩa đại vương Nguyễn Tự Cường là con tiến sĩ Nguyễn Úc, em Nguyễn Hy Tái. Ông đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (1514) đời Lê Tương Dực và làm quan đến chức Hiến sát sứ. Khi Mạc Đăng Dung chiếm ngôi nhà Lê, đời Lê Quang Thiệu ông dấy binh chống cự, thế không địch nổi thua trận rồi bị bắt, ông uống thuốc độc tự tử.