Bảng Môn Đình: Biểu tượng độc đáo của làng khoa bảng xứ Thanh

GD&TĐ - Được đánh giá là tiền đường độc đáo nhất nhì Thanh Hóa, Bảng Môn Đình thuộc xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa không chỉ thờ Thành hoàng làng, mà còn là nơi tôn vinh các vị khoa bảng của làng hàng trăm năm trước.

Di tích lịch sử - văn hóa Bảng Môn Đình - biểu trưng cho vùng đất học Hoằng Lộc.
Di tích lịch sử - văn hóa Bảng Môn Đình - biểu trưng cho vùng đất học Hoằng Lộc.

“Cửa vào khoa bảng”

Cách trung tâm TP Thanh Hóa khoảng 8 km về hướng Đông, Hoằng Lộc được xem là các nôi của sự học hành. Nơi đây đã sản sinh ra nhiều nhân tài được sử sách ghi danh, người dân ngưỡng mộ.

Đây cũng chính là lý do khiến Hoằng Lộc còn được biết đến với những tên gọi khác như “làng tiến sĩ” hay “làng khoa bảng”. Bảng Môn Đình nằm ngay ở vị trí trung tâm của xã. Bên cạnh là Văn chỉ huyện Hoằng Hóa và UBND xã Hoằng Lộc. Đình được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa quốc gia năm.

Theo nhiều tài liệu và sử sách có ghi, Bảng Môn Đình được xây dựng từ thời Lê (khoảng thế kỷ XV). Ban đầu chỉ có 3 gian làm nơi thờ Thành hoàng làng và sinh hoạt cộng đồng.

Khoảng niên hiệu Cảnh Hưng thứ 11, triều Vua Lê Hiển Tông, đình được sửa sang, tôn tạo lại. Đến năm 1932, đình được xây cất quy mô hơn với ba mặt xây gạch, bên trong là những hàng cột gỗ lim lớn đỡ toàn bộ phần kèo và mái ngói.

Về lịch sử di tích, theo bản tóm tắt được Ban Sử xã Hoằng Lộc lược dịch và biên soạn, Bảng Môn Đình là nơi hội họp, trui rèn tài năng, phẩm chất đạo đức của các nho sinh, để chiếm bảng đề danh thông qua các kỳ thi Hương, thi Hội và thi Đình. Diễn giải theo cách nói ngắn gọn của người dân nơi đây, Đình Bảng Môn chính là cửa vào khoa bảng.

Diềm trang trí lối vào tòa hậu cung Bảng Môn Đình.

 Diềm trang trí lối vào tòa hậu cung Bảng Môn Đình.

Di tích này là nơi thờ tự Thành hoàng làng Nguyễn Tuyên. Theo ghi chép của bản thần phả tại Bảng Môn Đình, đại tướng Nguyễn Tuyên sinh ngày 10/3 năm Đinh Sửu – 1917. Ông là con trai độc nhất của cụ Nguyễn Công Thanh và bà Lê Thị Hạnh, một nhà nho nghèo ở trang Bột Đà, huyện Cổ Đằng, phủ Hà Trung, xứ Thanh Hoa (nay là xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa).

Tương truyền, lúc mới sinh ra ông đã có dung mạo khôi ngô, tuấn tú. Vào năm niên hiệu Càn Phù, triều Lý Thái Tông, Nguyễn Tuyênvới tài thao lược, võ nghệ tinh thông được đặc phong làm đại tướng tiên phong đánh quân Chiêm Thành, khi đó ông mới 21 tuổi.

Sau khi đánh thắng quân giặc, Nguyễn Tuyên trở về quê vinh quy bái tổ. Trên đường trở lại kinh thành, ông không bệnh mà qua đời. Để tưởng nhớ công lao, nhà vua đã ban chiếu sắc phong ông là Thượng đẳng phúc thần đại vương và lập đình thờ ngay tại nơi vị tướng quân hóa thân.

Một “tiền đường” độc đáo

Bảng Môn Đình được xây dựng theo bố cục kiểu chữ Đinh, mặt ngoảnh hướng Nam, bao gồm tòa đại đình nằm ngang, phía sau là hậu cung. Trải qua bao thăng trầm, đình vẫn còn lưu giữ được những nét kiến trúc cổ độc đáo.

Tại tòa đại đình còn lưu bức đại tự gồm 4 chữ với nghĩa là: “Địa linh nhân kiệt”. Theo người dân địa phương, đây là dòng đại tự do một vị vua nhà Lý ban tặng để tưởng nhớ công lao của Thành hoàng làng Nguyễn Tuyên và vùng đất địa linh nơi này.

Cửa vào tòa hậu cung có kiến trúc độc đáo theo lối chạm lộng, chạm thủng, với những nét chạm khắc tinh xảo như thêu hoa dệt gấm. Dưới bàn tay của nghệ nhân xưa,hình ảnh trạng nguyên cưỡi voi vinh quy bái tổ hay các linh vật như rồng, phượng, nghê, voi... hiện lên sống động đến từng chi tiết.

Bia ghi danhcông trạng của 12 vị tiến sĩ người làng Hoằng Lộc.

Bia ghi danhcông trạng của 12 vị tiến sĩ người làng Hoằng Lộc.

Tại khuôn viên Bảng Môn Đình dựng văn bia ghi công trạng 12 vị tiến sĩ của làng, trong đó có 7 vị được khắc tên trên văn bia tại Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội). Nhiều vị đỗ đại khoa nổi tiếng chính trực, thanh liêm như Nguyễn Nhân Lễ, Nguyễn Sư Lộ, Bùi Khắc Nhất, Nguyễn Cẩn... Bên cạnh văn bia là tảng đá lúc sinh thời “người thầy dạy chữ ven đường” - Nguyễn Sư Lộ từng ngồi dạy học cho các nho sĩ,…trong làng.

Người dân địa phương kể, xưa kia có một nhà phong thủy từng ghé qua đây và cho biết, thế đất của Hoằng Lộc giống như một nghiên mực. Còn con đường cũ nối hai xã Hoằng Lộc và Hoằng Quang (nay thuộc TP Thanh Hóa) như một cây bút “dẫn nước”từ dòng sông Mã về, ví như “mực không bao giờ cạn”.

Ông Nguyễn Văn Kỳ - Chủ tịch Hội Khuyến học xã Hoằng Lộc, kiêm Ủy viên Ban quản lý di tích, cho biết: “Bảng Môn Đình là một tiền đường đặc biệt, không giống với các tiền đường khác. Bởi, nơi đây đề cao sự học hành, tôn vinh truyền thống hiếu học….” Vào dịp đầu xuân, những người đỗ đạt cao sẽ về đình hội họp.

Tại đây, những người tuy chức tước thấp nhưng học phẩm cao vẫn được ngồi chiếu trên. “Đây chính là biểu hiện của sự tôn sùng việc học. Thế nên người xưa có câu: Trọng văn hơn trọng hoạn”, ông Kỳ chia sẻ.

“Lấy học làm nghề”

Em Lê Đình Khánh dâng hương tại đình.

Em Lê Đình Khánh dâng hương tại đình.

“Đây là câu nói bất hủ của người dân trong làng. Nghĩa là lấy việc học để chiếm bảng đề danh. Trước là để phát triển kinh tế gia đình, sau nữa sẽ đóng góp cho địa phương và đất nước”, ông Kỳ nói.

Theo ông Kỳ, tiếp nối truyền thống hiếu học, kể từ sau Cách mạng Tháng 8 đến nay xã Hoằng Lộc có thêm 2 Giáo sư, 37 phó giáo sư và 40 tiến sĩ. Nhiều gia đình có con cháu đoạt giải quốc gia, quốc tế với thành tích học tập xuất sắc được vinh danh tại đình.

Tiêu biểu như em Nguyễn Ngọc Long đoạt Huy chương vàng Quốc tế và Huy chương vàng châu Á Thái Bình Dương môn Vật lý năm 2018; Nguyễn Phi Lê đoạt Huy chương bạc Quốc tế môn Toán năm 2000. Gần đây nhất là Nguyễn Lê Đức Hoàng đoạt Huy chương đồng Olympic Thiên văn và Vật lý Thiên văn Quốc tế năm 2020…

Trông coi Bảng Môn Đình hơn 5 năm qua, ông Bùi Xuân Sơn cho biết, ngôi đình là niềm tự hào của làng. Vì thế, mọi người ai cũng ý thức giữ gìn bảo vệ và xem đây là động lực để phấn đấu vươn lên trong cuộc sống.

“Hàng năm, cứ mỗi dịp thi học sinh giỏi các cấp, tốt nghiệp THPT hay làm luận văn, luận án… thì học sinh, nghiên cứu sinh đều ra đình thắp hương, hội họp. Thậm chí, học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong (Nam Định), Trường THPT chuyên Lam Sơn cũng về đâydâng hương.

Chính vì truyền thống coi trọng việc học hành, nên các gia đình dù khó khăn đến mấy cũng tạo điều kiện tối đa cho con cháu học hành”, ông Sơn chia sẻ.

Em Lê Đình Khánh (lớp 12A1, Trường THPT Lương Đắc Bằng, Hoằng Hóa) cho biết, ngay từ khi học lớp 7 đã được bố mẹ nhắc nhiều tới Bảng Môn Đình - một nơi tôn vinh việc học hành.

“Trước kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa rồi, em cũng tới đình dâng hương. Hôm nay em lại tiếp tục vào đình để tạ ơn. Em nghĩ rằng, con đường học hành chính là sự lựa chọn đúng đắn dẫn ta tới thành công và đem lại vinh quang cho bản thân, quê hương đất nước”, Khánh chia sẻ.

Là một trong những gia đình có truyền thống hiếu học tại xã Hoằng Lộc, cô Nguyễn Thị Nhã (giáo viên về hưu) cho biết: “Cả gia đình tôi từ thời ông bà, cha mẹ đã coi trọng việc học. Khi trở thành cô giáo, tôi thường hướng học trò, con cái của mình noi theo truyền thống hiếu học của các cụ thời xưa”.

Để tôn vinh truyền thống hiếu học, bên cạnh hai dịp lễ chính được tổ chức hàng năm là 21 tháng Chạp và ngày 10/3 Âm lịch (ngày sinh và mất của Thành hoàng làng Nguyễn Tuyên). Kể từ năm 2021 chính quyền và nhân dân xã Hoằng Lộc còn tổ chức thêm lễ hội Bút Nghiên.

Điểm nhấn của lễ hội này đó là phần rước lửa thiêng từ Bảng Môn Đình ra quảng trường với quảng đường khoảng 500 m. Người được chọn rước lửa thiêng những học sinh đạt thành tích học tập tốt (đoạt giải quốc gia, quốc tế…).

Theo vị Chủ tịch Hội Khuyến học xã Hoằng Lộc, ýnghĩa của lễ hội Bút Nghiên chính là “lan tỏa truyền thống hiếu học cho thế hệ hôm nay và mai sau…”.

Theo nguyên tắc, đình là nơi sinh hoạt cộng đồng, nhưng Bảng Môn Đình lại nghiêng về giáo dục truyền thống học tập, khoa cử. Đây là biểu trưng cao cả nhất của vùng đất học Hoằng Hóa.
Đặc biệt, người dân nơi đây cũng xem Bảng Môn Đình là nơi giáo dục truyền thống. Vì vậy, tất cả các hoạt động liên quan đến giáo dục, vinh danh khoa bảng đều được diễn ra tại đây.
Bảng Môn Đình không chỉ là công trình tiêu biểu cho truyền thống học hành mà còn là tinh hoa của nghề Nề (nghề xây) – một nghề khá nổi tiếng ở đất học Hoằng Lộc. Chẳng hạn như đầu hồi, trụ biểu là những kiến trúc rất tiêu biểu của di tích này… Ông NGUYỄN HỮU NGÔN (nguyên Tổng biên tập NXB Thanh Hóa)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ