Giáo viên vùng cao mong Luật Nhà giáo sớm được ban hành

GD&TĐ - Trước nhiều khó khăn, giáo viên ở vùng cao Lai Châu, Lào Cai mong Luật Nhà giáo được ban hành, làm cơ sở pháp lý đảm bảo quyền lợi cho nhà giáo.

Cô trò trường Mầm non Hoa Ban, thành phố Lào Cai.
Cô trò trường Mầm non Hoa Ban, thành phố Lào Cai.

Cần có chế độ đãi ngộ phù hợp

Hệ số lương thấp, thời gian làm việc nhiều, trong khi tỉnh Lào Cai chưa có hỗ trợ tiền trực trưa cho giáo viên mầm non… Đó là lý do cô Lê Thị Liên Hoa, Hiệu trưởng trường Mầm non Hoa Hồng, thành phố Lào Cai mong muốn Luật Nhà giáo sớm được ban hành.

Cô Hoa chia sẻ: “Giáo viên mầm non phải đối mặt với nhiều áp lực. Lương thấp, với môi trường độc hại nhiều, trong khi giáo viên mầm non 60 tuổi mới được nghỉ hưu. Tuổi cao mà vẫn phải cống hiến thì tương đối vất vả. Cùng với đó, đối với việc đổi mới chuyên môn, chương trình giáo dục, nhiều giáo viên cao tuổi chưa đáp ứng được yêu cầu”.

Cô Hoa cũng so sánh về mức lương khi mà nhà nước tăng lương. Theo đó, hệ số lương của tiểu học có bậc cao nhất là 6,38. Trong khi đó, bậc cao nhất của giáo viên mầm non là 4,98. “Cùng là giáo viên, nhưng việc hệ số lương thấp dẫn đến thu nhập thấp đã gây thiệt thòi cho giáo viên mầm non” – cô Hoa tâm sự.

Từ thực tế đó, cô Hoa mong muốn sẽ có những chính sách, đãi ngộ điều chỉnh thu nhập, nhất là đối với giáo viên mầm non. Cùng với đó, đề xuất giảm tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non. Đặc biệt, cần sớm hoàn thiện và ban hành Luật Nhà giáo để làm cơ sở pháp lý đảm bảo quyền lợi cho đội ngũ nhà giáo.

Dạy học tại xã Nậm Khao, huyện Mường Tè (Lai Châu), cô Trần Thị Hồng Thuý, Hiệu trưởng trường Mầm non xã Nậm Khao đã thấu hiểu những khó khăn trong dạy học ở vùng cao. Cô Thuý bày tỏ mong muốn có những chế độ chính sách phù hợp đối với giáo dục vùng cao, biên giới.

Cô Thuý chia sẻ: “Giáo viên vùng cao có rất nhiều khó khăn. Giao thông không thuận lợi. Điều kiện kinh tế của người dân còn rất vất vả nên việc đầu tư cho giáo dục gặp khó. Cùng với đó, giáo viên mầm non đang phải làm việc với số giờ quá 8 tiếng mỗi ngày”.

Đại diện cho cán bộ, giáo viên nhà trường, cô Thuý mong muốn có quy định về thời gian làm việc đối với giáo viên mầm non. “Tôi mong rằng, khi Luật nhà giáo được ban hành, sẽ có chế độ đãi ngộ với nhà giáo nói chung và giáo viên mầm non ở vùng cao nói riêng để có thể đảm bảo cuộc sống và yên tâm công tác hơn”.

Theo ông Tống Thanh Sơn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Tè (Lai Châu): “Việc ban hành Luật Nhà giáo sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc xây dựng đội ngũ, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động của nhà giáo, tạo cơ sở pháp lý để tổ chức quản lý các hoạt động của nhà giáo. Đồng thời, Luật Nhà giáo cũng tạo điều kiện thu hút các lực lượng xã hội tham gia vào việc xây dựng đội ngũ nhà giáo nói riêng và phát triển sự nghiệp giáo dục nói chung.

Tạo động lực để thu hút giáo viên

Hiện nay, tình trạng thiếu giáo viên ở Lai Châu và Lào Cai đang là nỗi lo, rào cản cho việc triển khai hoạt động giáo dục. Nhiều địa phương không đảm bảo tỷ lệ giáo viên đứng lớp theo quy định. Đặc biệt, thiếu số lượng lớn giáo viên để đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, nhất là giáo viên dạy các môn Tin học, Tiếng Anh (cấp tiểu học, THCS), môn Nghệ thuật (cấp THPT).

Cô trò trường mầm non Nậm Khao.

Cô trò trường mầm non Nậm Khao.

NGƯT Đinh Trung Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT Lai Châu bày tỏ mong muốn: “Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ và các bộ, ngành liên quan cần kiến nghị với Chính phủ tiếp tục giao bổ sung biên chế. Mục tiêu là đảm bảo định mức số lượng người làm việc theo quy định đối với các đơn vị sự nghiệp giáo dục tỉnh Lai Châu năm học 2023 – 2024 và những năm tiếp theo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Đồng thời, cần nghiên cứu quy định, hướng dẫn cách thức tuyển dụng phù hợp đối với giáo viên”.

Mặc dù đang thiếu giáo viên nhưng nỗi lo lại càng lớn hơn khi nhiều giáo viên tiếp tục xin nghỉ hoặc luân chuyển công tác.

Cô Lê Thị Liên Hoa chia sẻ: “Hiện tại việc tìm và hợp đồng giáo viên rất khó. Cùng với đó, một số giáo viên xin thôi việc để tìm việc làm mới với mức lương cao hơn. Nhiều giáo viên giỏi, có kinh nghiệm chuyển tới các trường ngoài công lập vì ở đó có chế độ chính sách ưu đãi hơn so với trường công lập. Chính vì vậy, tôi mong muốn có chế độ đảm bảo thu hút giáo viên cống hiến cho trường công lập”.

“Địa phương mong muốn có chính sách tiền lương mới phù hợp đối với giáo viên nói chung để tạo sự thu hút và động lực cho đội ngũ giáo viên yên tâm công tác. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ riêng đối với giáo viên công tác tại các tỉnh miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để tạo sự thu hút và động lực cho giáo viên công tác tại những vùng này” – NGƯT Đinh Trung Tuấn chia sẻ.

Còn thầy Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường PTDTBT Tiểu học – THCS Hua Bum huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) bày tỏ: “Chúng tôi mong Luật Nhà giáo sớm được ban hành và có chế độ chính sách ưu đãi phù hợp hơn đối với giáo viên đang công tác ở vùng cao, biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Như vậy, sẽ tạo được động lực để giáo viên yên tâm công tác và cống hiến cho sự nghiệp trồng người”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ