Giáo viên mong sớm có Luật Nhà giáo

GD&TĐ - Giáo viên đề xuất sớm có Luật Nhà giáo nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc liên quan đến nhà giáo.

Cô Lý Thị Thu - giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Sủng Máng (Mèo Vạc, Hà Giang) trong giờ lên lớp. Ảnh: NVCC.
Cô Lý Thị Thu - giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Sủng Máng (Mèo Vạc, Hà Giang) trong giờ lên lớp. Ảnh: NVCC.

Gỡ khó bằng luật

Mong muốn Quốc hội sớm ban hành Luật Nhà giáo, cô Lý Thị Thu - giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Sủng Máng (Mèo Vạc, Hà Giang) bày tỏ, mỗi giáo viên khi tham gia vào lĩnh vực giáo dục đều quyết tâm đến với nghề và tận tâm cho công việc.

Với những nhiệm vụ nặng nề, khó khăn giáo viên luôn cố gắng vượt qua, không ngừng trau dồi, học hỏi nâng cao trình độ, tổ chức các phương pháp dạy học đạt hiệu quả cao hơn.

Tuy nhiên, với mức lương hiện nay, đội ngũ giáo viên không đủ trang trải cuộc sống. Đặc biệt, đối với những giáo viên mới ra trường, mức lương hiện tại không đủ thu hút đội ngũ trẻ, gắn bó với nghề.

Từ thực tế trên, cô Thu mong muốn, thời gian sớm nhất, Bộ GD&ĐT sẽ có những chính sách, đãi ngộ điều chỉnh thu nhập cho đội ngũ giáo viên; đặc biệt cần sớm hoàn thiện dự án Luật Nhà giáo để trình Chính Phủ, Quốc hội xem xét.

Thực tế cho thấy, một số kỳ họp trước của Quốc hội, một số đại biểu cũng đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa đủ điều kiện để đưa vào chương trình nghị sự của Quốc hội. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh) hy vọng, khi được Chính phủ thống nhất thì dự án Luật này sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại các kỳ họp trong năm 2024.

Cần ban hành một bộ luật riêng điều chỉnh về nhà giáo

Hiện nay, nhà giáo đang được điều chỉnh bởi Luật Viên chức; Luật Giáo dục, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Hà những luật này chưa giải quyết được tính chất đặc thù trong lao động của nhà giáo.

Ngay như Luật Giáo dục cũng không thể giải quyết hết các vấn đề liên quan, bởi đây là luật khung cho lĩnh vực giáo dục. Vì thế, cần đạo luật dành riêng cho nhà giáo để các thầy, cô được bảo vệ, tôn vinh xứng đáng và yên tâm công tác.

Ngoài ra, nếu có Luật Nhà giáo sẽ tháo gỡ được nhiều bất cập, trong đó có các vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách, tình trạng thừa, thiếu giáo viên… và những chế tài xử lý khi nhà giáo vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

“Từ những phân tích trên, tôi cho rằng cần thiết ban hành Luật Nhà giáo, nhằm đáp ứng mong mỏi của đội ngũ giáo viên nói riêng và những người làm trong ngành Giáo dục nói chung” – đại biểu Nguyễn Thị Hà nêu quan điểm.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh) cũng là giáo viên trực tiếp đứng lớp giảng dạy. Ảnh: NVCC.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh) cũng là giáo viên trực tiếp đứng lớp giảng dạy. Ảnh: NVCC.

Theo ông Vũ Minh Đức – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT), việc ban hành một bộ luật riêng điều chỉnh về nhà giáo là mong muốn của đội ngũ nhà giáo cả nước và đã được đặt ra từ năm 2008.

Nếu luật được Quốc hội thông qua sẽ nâng cao vị thế, vai trò nhà giáo, tạo hành lang pháp lý đồng bộ và toàn diện để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ quyền, lợi ích nhà giáo.

Bên cạnh đó, luật này sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; tạo bình đẳng giữa nhà giáo khu vực công lập và ngoài công lập.

Ông Đức cho biết, trong đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo; Bộ GD&ĐT đã xác định những nội dung cơ bản cần được thể hiện trong Luật.

Cụ thể, thể chế hóa quan điểm của Đảng coi “phát triển giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu” và vai trò, vị trí quan trọng của nhà giáo “Giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng của giáo dục và được xã hội tôn vinh”.

Từ đó có các cơ chế, chính sách phù hợp để nhà giáo yên tâm công tác, gắn bó với nghề; thu hút được người giỏi trở thành nhà giáo; tạo vị thế vững chắc của nhà giáo trong xã hội; đồng thời là cơ hội để phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Ngoài ra, khắc phục được những bất cập, tản mạn, chồng chéo của các quy phạm pháp luật hiện hành về nhà giáo; thiết lập hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, phù hợp với đặc điểm nghề nghiệp của nhà giáo; kiến tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển sáng tạo của nhà giáo trong một không gian văn hóa được trân trọng, tôn vinh, ghi nhận, phối hợp và hỗ trợ của toàn xã hội.

Quy định một số chính sách mới để thu hút, phát triển đội ngũ nhà giáo trong bối cảnh phát triển của khoa học công nghệ, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế, thực hiện một trong ba đột phá chiến lược là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao - những công dân toàn cầu, phát triển kinh tế xã hội của đất nước; đảm bảo công bằng giữa nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập.

Theo Tờ trình của Bộ GD&ĐT gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị xây dựng dự án Luật Nhà giáo, 5 chính sách được đề cập khi xây dựng dự án luật này gồm:

- Khái niệm nhà giáo, vị trí, vai trò, quyền và nghĩa vụ nhà giáo

- Tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo

- Tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo

- Đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo

- Quản lý nhà nước về nhà giáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.