Luật hoá vai trò của các cơ sở GDĐH trong thực hiện chính sách phát triển GD thường xuyên

GD&TĐ - Trong năm 2018-2019, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức chuỗi hội thảo và sự kiện thúc đẩy sự tham gia của các trường đại học trong việc thực hiện chức năng dịch vụ cộng đồng, nhằm cung ứng cơ hội học tập suốt đời (HTSĐ) cho tất cả mọi người, đặc biệt là người lớn.

Ảnh minh họa/ Internet
Ảnh minh họa/ Internet

Phóng viên báo Giáo dục và Thời đại đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Vũ Thị Tú Anh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Thường xuyên (Bộ GD&ĐT) xung quanh vấn đề này.

Tăng tỷ lệ người dân được tiếp cận GDĐH

PV: Trong thời qua, Bộ GD&ĐT đã phối với Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị về vai trò, trách nhiệm của trường đại học trong việc cung cấp cơ hội HTSĐ của người lớn? Bà có thể cho biết rõ hơn về sự phối hợp này?

PGS.TS. Vũ Thị Tú Anh: Điều này xuất phát từ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của nền cách mạng công nghiệp 4.0 và toàn cầu hoá.

Kết luận 49-KL/TW của Ban Bí thư trung ương Đảng ngày 10/5/2019 về việc tiếp tục thực hiện chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị khoá X đã chỉ rõ: Việt Nam cần phải hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, liên thông giữa giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên (GDTX).

Kinh nghiệm quốc tế và trong nước cho thấy không có sơ sở giáo dục nào có thể thực hiện được mạnh mẽ hơn sứ mệnh này so với các trường đại học.

PGS.TS. Vũ Thị Tú Anh - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ GDTX
 PGS.TS. Vũ Thị Tú Anh - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ GDTX

Không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, hệ thống giáo dục đại học (GDĐH) luôn là đơn vị tiên phong trong đổi mới giáo dục, là nơi hội tụ tinh hoa và sức mạnh trí tuệ của cả hệ thống giáo dục.

Tuy nhiên, để đưa được tinh hoa và trí tuệ ấy đến với đại chúng, cần phải thực hiện tốt chức năng phục vụ cộng đồng của cơ sở GDĐH, đặc biệt là việc hiện thực hoá chính sách cơ chế từ trung ương đến cơ sở nhằm tăng tỷ lệ người dân được tiếp cận GDĐH theo hình thức GDTX, tạo nên những đột phá trong phát triển nguồn nhân lực cho quốc gia trong bối cảnh hiện nay.

Nhiệm vụ này đã được luật hoá trong Luật giáo dục 2019 mới ban hành. Khoản 3, Điều 46 Luật Giáo dục 2019 quy định “cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm phối hợp với cơ sở giáo dục thường xuyên trong việc cung cấp nguồn học liệu cho cơ sở giáo dục thường xuyên để đáp ứng nhu cầu học tập của người học”.

Tạo nên một làn sóng chia sẻ tri thức mạnh mẽ

* Bà nhận định thế nào về năng lực của các trường đại học Việt Nam trong việc tham gia cung ứng các cơ hội HTSĐ cho người dân?

- Trước hết, cần khẳng định các trường đại học của Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để thực hiện nhiệm vụ tham gia cung ứng các cơ hội HTSĐ cho người dân; cả về nguồn lực pháp lý như đã quy định trong Luật Giáo dục 2019, cũng như trong thực tiễn hoạt động của nhiều trường đại học hướng tới việc phù hợp chuẩn cơ sở GDĐH phù hợp với thông lệ quốc tế.

Ảnh minh họa/nguồn internet
Ảnh minh họa/nguồn internet 

Năm 2002, đại học MIT lần đầu tiên giới thiệu khái niệm nguồn học liệu mở/tài nguyên giáo dục mở (TNGDM) và chia sẻ hơn 1.500 khoá học đại chúng trực tuyến mở (MOOCs) cho xã hội. Điều này khởi nguồn cho một làn sóng chia sẻ tri thức toàn cầu thông qua các khoá MOOCs, mà theo cách gọi của Việt Nam, là thông qua phương thức GDTX, không chính quy.

Các quốc gia trong khu vực như Hàn Quốc và Malaysia cũng đã luật hoá vai trò của các trường đại học trong việc thực hiện chức năng dịch vụ cộng đồng. Tại Malaysia, hệ thống các trường cao đẳng cộng đồng và các trung tâm GDTX thuộc các trường đại học chính là xương sống thực hiện nhiệm vụ HTSĐ.

Điều này giúp Malaysia nâng được tỷ lệ người dân được tiếp cận với GDĐH theo phương thức GDTX cao nhất trong khu vực, đạt 36% vào năm 2018 và kỳ vọng tăng lên 53% vào năm 2025.

Việt Nam đã bắt đầu triển khai TNGDM từ những năm 2005. Tuy nhiên, cần phải đẩy mạnh hơn nữa sự liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở GDĐH với nhau và với các cơ sở GDTX để tạo nên một làn sóng chia sẻ tri thức mạnh mẽ và một nền giáo dục mở, liên thông đúng nghĩa.

Thúc đẩy sự tham gia của các trường đại học

* Xin bà cho biết mức độ cam kết và sẵn sàng của cơ sở GDĐH và các cơ sở GDTX trong việc cung ứng cơ hội HTSĐ cho người dân?

- Chúng tôi cho rằng cả hệ thống đã rất sẵn sàng cho nhiệm vụ trong việc cung ứng cơ hội HTSĐ cho người dân. Nhiều địa phương, đơn vị đã cam kết điều này ngay tại hội thảo ngày 23/8/2019 vừa qua tại TP. Hồ Chí Minh.

Ví dụ, trường đại học Tôn Đức Thắng khẳng định sẵn sàng chia sẻ hệ thống thư viện đồ sộ có liên kết với 9.000 thư viện trên thế giới và hơn 1.500 khoá MOOCs với các cơ sở GDTX, cam kết xây dựng mô hình thí điểm giữa trường đại học với hệ thống trung tâm GDTX trên cả nước.

Hai trường đại học Mở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cũng đăng ký tiên phong tổ chức các diễn đàn xúc tiến đầu tư, thúc đẩy giáo dục mở thường niên, kết nối và huy động các nguồn lực của nhà trường với hệ thống cơ sở GDTX công lập và tư thục nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công giáo dục cộng đồng…

Để có thể đưa luật vào cuộc sống (điều 46 khoản 3), Vụ GDTX (Bộ GDĐT) đang tích cực chuẩn bị Dự án Học liệu mở trình lãnh đạo Bộ triển khai mô hình thí điểm liên kết hệ thống cơ sở GDTX với các trường đại học trong năm học 2019-2020, là tiền đề cho Dự án Giáo dục mở trình Chính phủ.

* Xin trân trọng cảm ơn PGS.TS!

Dự án bắt đầu từ việc xây dựng TNGDM ở các trường đại học, thúc đẩy sự tham gia của các trường đại học liên thông qua hệ thống cơ sở GDTX thực hiện chức năng dịch vụ cộng đồng nhằm cung ứng các cơ hội HTSĐ cho tất cả mọi người, góp phần san bằng khoảng cách hiện nay về nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn có khuynh hướng chỉ tập trung ở các thành phố lớn, và tại các đại học lớn và uy tín. Đây là một bước đi cần thiết để thực hiện một nền giáo dục chia sẻ, theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.