Xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo:

Luật hóa các quan điểm của Đảng và Nhà nước về nhà giáo

GD&TĐ - Từ năm 2022, Bộ GD&ĐT đã triển khai lập đề nghị xây dựng dự án Luật Nhà giáo.

Cô - trò Trường Tiểu học Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: TG
Cô - trò Trường Tiểu học Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: TG

Đây là bước đầu tiên trong quy trình xây dựng theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Trao đổi với Báo Giáo dục & Thời đại, ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) làm rõ hơn các chính sách liên quan đến nhà giáo và sự cần thiết phải xây dựng luật này.

Điểm nhấn quan trọng

- Ông có thể cho biết, những điểm nhấn quan trọng trong đề xuất về các chính sách dự kiến đưa vào Luật Nhà giáo?

- Điểm nhấn của dự thảo này là đề cập đến một số chính sách liên quan trực tiếp đến nhà giáo gồm: Khái niệm nhà giáo, vị trí, vai trò, quyền và nghĩa vụ nhà giáo; Tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; Tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; Đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo và quản lý Nhà nước về nhà giáo.

Việc xây dựng Luật Nhà giáo nhằm luật hóa các quan điểm của Đảng và Nhà nước về nhà giáo, nhất là quan điểm “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu”, nhà giáo “giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục”. Đồng thời điều chỉnh một số vấn đề cơ bản, mang tính chất đặc thù của nhà giáo mà các luật hiện hành chưa có quy định hoặc còn mờ nhạt, thiếu cơ sở để thực hiện.

Mặt khác, kiến tạo một số chính sách mới để thu hút, phát triển đội ngũ nhà giáo, đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các quan hệ xã hội và đặc thù của giáo viên, trong bối cảnh phát triển của khoa học công nghệ, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế. Qua đó, nhằm thực hiện một trong ba đột phá chiến lược là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao - những công dân toàn cầu, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Xây dựng Luật Nhà giáo nhằm bảo đảm phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước. Đồng thời xây dựng theo hướng cụ thể, chi tiết, hạn chế tối đa việc phải ban hành các văn bản hướng dẫn để luật có thể nhanh chóng, dễ dàng đi vào cuộc sống.

- Hiện nay đã có Luật Viên chức, Luật Giáo dục năm 2019 cũng có một chương về nhà giáo, ngoài ra còn có các luật khác liên quan như Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp. Vậy tại sao phải xây dựng Luật Nhà giáo, thưa ông?

- Chủ trương của Đảng và Nhà nước đều xác định, lực lượng nhà giáo là yếu tố quan trọng, nền tảng và cốt lõi nhất quyết định chất lượng giáo dục. Lực lượng nhà giáo là tài sản và vốn quý báu nhất của ngành để thực hiện sứ mệnh cao cả. Do đó, phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, tốt về chất lượng là việc sống còn của ngành Giáo dục; khâu đột phá trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao và cũng là chiến lược để phát triển đất nước.

Các quan điểm, chủ trương của Đảng cần được thể chế hóa thành luật để tạo cơ sở pháp lý vững chắc, tạo đột phá cho việc phát triển đội ngũ nhà giáo, đáp ứng yêu cầu trước mắt cũng như định hướng chiến lược phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cũng cần nhìn nhận rằng, bất cập cơ bản trong các văn bản hiện hành quy định về nhà giáo thể hiện ở một số điểm như: Luật Viên chức điều chỉnh đối tượng là “công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập”. Trong khi thực tế nhà giáo hoạt động trong các cơ sở giáo dục công lập, ngoài công lập.

Vì vậy, các quy định của Luật Viên chức không điều chỉnh đối với đội ngũ nhà giáo ngoài công lập và nhà giáo nước ngoài vào giảng dạy tại Việt Nam. Trong khi xu thế xã hội hóa giáo dục ngày càng được đẩy mạnh, số nhà giáo này ngày càng tăng.

Bên cạnh đó, đối tượng áp dụng của Luật Viên chức là viên chức của tất cả ngành, lĩnh vực. Do đó, các quy định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức trong một số nội dung cụ thể chưa phù hợp với hoạt động nghề nghiệp mang tính đặc thù của nhà giáo.

Luật Giáo dục 2019 có 1 chương với 14 điều quy định về nhà giáo nhưng chưa phản ánh rõ đặc thù nghề nghiệp, chưa thể hiện rõ tư duy đổi mới về xây dựng và quản lý nhà giáo hiện nay. Nhiều vấn đề về nhà giáo được quy định chung hoặc được nhắc đến nhưng chưa có quy định cụ thể.

Ví dụ, quy định về chuẩn nghề nghiệp, đạo đức nhà giáo, lương của nhà giáo…; thiếu quy định đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và tăng cường tự chủ đại học. Nhiều vấn đề mới như chuyển đổi số, hợp tác quốc tế về nhà giáo chưa được quan tâm. Thậm chí, khái niệm nhà giáo cũng không được quy định tường minh như: Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức; Luật Sỹ quan quân đội nhân dân Việt Nam; Luật Luật sư… đều có điều khoản quy định làm rõ khái niệm pháp lý của các đối tượng này.

Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp có một số điều quy định về nhà giáo nhưng không thống nhất, không đồng bộ và không thể hiện rõ ranh giới các quy định về nhà giáo với chương nhà giáo trong Luật Giáo dục. Nhiều văn bản dưới luật có quy định cụ thể về nhà giáo nhưng giá trị pháp lý thấp, được quy định tản mạn, nhiều văn bản thiếu cơ sở pháp lý.

Như vậy, tuy số lượng văn bản có nội dung quy định về nhà giáo nhiều nhưng do nhiều cơ quan ban hành vào thời điểm khác nhau nhằm mục đích khác nhau nên các quy định về nhà giáo tản mạn, thiếu đồng bộ, chất lượng không cao. Nhiều chủ trương, quan điểm của Đảng về nhà giáo chưa được thể chế đầy đủ và kịp thời.

Một số quan hệ quan trọng chưa được điều chỉnh hoặc quy định chung chung, mờ nhạt, chưa phản ánh rõ đặc điểm nghề nghiệp đặc thù của đội ngũ nhà giáo. Đó là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến bất cập về đội ngũ nhà giáo hiện nay cũng như việc xây dựng đội ngũ nhà giáo thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục trong các năm tới.

Ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT).

Ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT).

Quy định cần đủ độ rộng, chiều sâu

- Luật Nhà giáo ra đời có giải quyết được những bất cập, vướng mắc trong quản lý, phát triển đội ngũ nhà giáo không, thưa ông?

- Tính đến cuối năm học 2021 - 2022, toàn quốc có khoảng 1,6 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang làm việc trong các cơ sở công lập và ngoài công lập, từ mầm non, phổ thông, đại học và hệ thống dạy nghề.

Ngoài ra, có hơn 900 nghìn nhà giáo nghỉ hưu vẫn có nhiều đóng góp ở các góc độ khác nhau cho giáo dục. Có gần 115.000 sinh viên đang học tập trong các trường đại học và cao đẳng sư phạm trong cả nước. Đây là nguồn dự bị bổ sung quan trọng cho đội ngũ nhà giáo trong tương lai.

Số lượng đội ngũ nhà giáo đang ngày càng phát triển, đặc biệt là nhóm nhà giáo ngoài công lập, nhà giáo người nước ngoài tham gia các hoạt động giảng dạy, giáo dục ở Việt Nam. Tuy nhiên, hiện chưa có đầy đủ chế tài để quản lý nhà giáo ngoài công lập. Các quy định của pháp luật hiện hành, nhất là Luật Viên chức chủ yếu quản lý đối với đội ngũ nhà giáo đã được tuyển dụng vào viên chức.

Trong khi đó, trước áp lực về tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy thì giải pháp để giảm gánh nặng về ngân sách Nhà nước đầu tư cho giáo dục nói chung, đội ngũ nhà giáo nói riêng là mở rộng hệ thống giáo dục ngoài công lập.

Tuy vậy, chính sách đối với nhà giáo ngoài biên chế, giáo viên công tác trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập chưa được quan tâm đúng mức. Do đó, nếu không có Luật Nhà giáo thì việc quản lý, phát triển đội ngũ nhà giáo sẽ không đồng bộ, thiếu công bằng giữa nhà giáo trong và ngoài công lập.

Việc giao thoa giữa quản lý ngành và theo địa bàn, lãnh thổ đã tạo ra những bất cập nhất định trong công tác quản lý, phát triển đội ngũ nhà giáo, nhất là đối với cấp học mầm non, phổ thông.

Chẳng hạn, các cơ sở giáo dục là đơn vị có thẩm quyền sử dụng, quản lý nhà giáo nhưng không có thẩm quyền tuyển dụng, bổ nhiệm, điều động nhà giáo dẫn đến tình trạng thừa/thiếu cục bộ. Việc bổ sung nhà giáo không kịp thời, chất lượng nhà giáo chưa đáp ứng được yêu cầu công việc… tồn tại ở nhiều nơi. Thực tế này đòi hỏi cần có những quy định cụ thể, rõ ràng hơn ở tầm luật về cơ quan quản lý Nhà nước các cấp và cơ chế quản lý nhà giáo.

Việc bỏ biên chế suốt đời đối với giáo viên và thực hiện cơ chế tuyển dụng giáo viên như những viên chức thông thường đã và đang bộc lộ một số hạn chế như: Tuyển dụng đúng quy trình nhưng chú trọng đến kiến thức quản lý Nhà nước nhiều hơn kỹ năng nghiệp vụ; khó tuyển được người giỏi vào ngành; chuyển biên chế suốt đời của giáo viên sang chế độ làm việc theo hợp đồng, hưởng lương theo vị trí việc làm nhưng không có quy định đặc thù nên không thực hiện được công tác điều động, biệt phái giáo viên từ vùng có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi lên vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn công tác. Do đó, cần có quy định riêng về tuyển dụng, sử dụng nhà giáo để đảm bảo phù hợp với đặc thù lao động, để nhà giáo yên tâm công tác và cống hiến với nghề.

Về vị thế, vai trò của đội ngũ, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước đã khẳng định vị thế, vai trò của đội ngũ nhà giáo trong sự phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên, do chưa được luật hóa nên thiếu cơ sở để thực hiện.

Trong bối cảnh đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, vị thế của nhà giáo, sự tự chủ của nhà giáo trong thực hiện chương trình, quản lý và giáo dục học sinh, thực hiện các hoạt động chuyên môn cần tiếp tục được luật hóa để tạo điều kiện cho nhà giáo phát huy năng lực, thực hiện nhiệm vụ.

Giáo viên mầm non cốt cán trong một khóa tập huấn do Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục tổ chức. Ảnh: TG

Giáo viên mầm non cốt cán trong một khóa tập huấn do Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục tổ chức. Ảnh: TG

Đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo

- Thu hút và phát triển đội ngũ nhà giáo giỏi được xã hội quan tâm, kỳ vọng. Vậy vấn đề này được đề cập trong dự thảo Tờ trình xây dựng Luật Nhà giáo như thế nào?

- Trong 5 chính sách mà dự thảo Tờ trình đề cập đến thì có chính sách 4 về đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo. Mục tiêu của chính sách này là tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện đào tạo, bồi dưỡng. Qua đó chuẩn hóa, nâng cao chất lượng nhà giáo, giúp nhà giáo phát triển chuyên môn, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và hội nhập quốc tế trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tạo điều kiện cho nhà giáo tự do học thuật, phát triển chuyên môn liên tục.

Cùng với đó, tăng cường chế độ đãi ngộ đối với nhà giáo, thiết lập cơ chế phân loại bảo đảm chế độ đãi ngộ công bằng, người làm nhiều thì được đãi ngộ cao. Xây dựng chế độ phân phối tiền lương và cơ hội thăng tiến, tăng lương và đãi ngộ đối với những người có thành tích xuất sắc. Thực hiện các yêu cầu để giảm gánh nặng, bảo đảm nhà giáo được yên tâm cống hiến hết mình cho việc giảng dạy và giáo dục con người. Chẳng hạn, chế độ tiền lương đối với nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập phải được xếp hệ số cao nhất trong thang bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ áp dụng chung đối với công chức, viên chức.

Đối với nhà giáo ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập: Tiền lương chi trả theo thỏa thuận giữa cơ sở giáo dục và nhà giáo nhưng phải bảo đảm tối thiểu bằng với mức lương của nhà giáo có cùng trình độ chuyên môn, thâm niên đang giảng dạy tại cơ sở giáo dục công lập. Tiền lương đóng bảo hiểm xã hội không thấp hơn tiền lương của nhà giáo có cùng trình độ, thâm niên đang giảng dạy tại cơ sở giáo dục công lập.

- Xin cảm ơn ông!

“Đội ngũ nhà giáo là lực lượng đông đảo nhất trong tổng số công chức, viên chức của tất cả ngành/lĩnh vực, có vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Đội ngũ nhà giáo hoạt động rộng khắp trong ngành, lĩnh vực, thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau” – ông Vũ Minh Đức cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.