Xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo:

Ban hành Luật Nhà giáo hướng đến sự bền vững của hệ thống GD

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Triển khai xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo là cực kỳ cấp thiết, quan trọng khi giáo dục cả nước đang chuyển đổi mạnh mẽ theo Nghị quyết 29.

Cô trò Trường Tiểu học Ái Mộ B (Long Biên, Hà Nội).
Cô trò Trường Tiểu học Ái Mộ B (Long Biên, Hà Nội).

Việc này góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững của hệ thống và cải thiện chất lượng giáo dục phù hợp với xu thế thời đại.

Những lưu ý chung

Một trong những mục tiêu chính của đổi mới giáo dục lần này là nâng cao chất lượng GD-ĐT toàn diện, phát triển năng lực, trang bị kỹ năng phù hợp với thế giới hiện đại cho người học. Coi trọng dạy chữ và tập trung cung cấp kiến thức hàn lâm, xa vời thực tế là quan điểm cổ hủ, cần kiên quyết loại bỏ ở tất cả cơ sở giáo dục của toàn ngành.

Luật Nhà giáo đóng vai trò quan trọng trong quá trình đổi mới giáo dục bởi nó cung cấp các khung pháp lý và quy định về quyền, nghĩa vụ của người dạy, người học và những người liên quan đến giáo dục. Luật Nhà giáo cần quy định các tiêu chuẩn chất lượng giáo dục; bảo đảm nguồn lực và học liệu giáo dục; quyền lợi, nghĩa vụ của người dạy và người học; tạo môi trường học tập an toàn, lành mạnh, hạnh phúc…

Luật Nhà giáo cũng có thể hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển chuyên môn cho người dạy và đổi mới, tăng cường năng lực quản lý, quản trị của các nhà trường. Ngoài ra, nó cũng đóng vai trò quan trọng xử lý các vấn đề liên quan tới tính pháp lý trong giáo dục, bảo đảm tuân thủ các quy định, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục.

Để xây dựng Luật Nhà giáo, có thể tham khảo các nước đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là quốc gia có hệ thống giáo dục phát triển, chất lượng cao. Có thể tìm hiểu quy định của họ để đưa vào đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo.

Các nội dung chính trong Luật Nhà giáo nên bao gồm quy định về quyền, nghĩa vụ của nhà giáo; quyền, nghĩa vụ của học sinh; quyền, nghĩa vụ của phụ huynh, cùng với quy định về đào tạo, bồi dưỡng và đánh giá nhà giáo. Ngoài ra, Luật Nhà giáo phải đề cập đến các biện pháp hỗ trợ, bảo vệ cho nhà giáo khi làm việc, đồng thời cũng cần quy định việc xử lý vi phạm nếu có.

Trong quá trình xây dựng Luật Nhà giáo, cần bảo đảm tính minh bạch và tham gia của cộng đồng. Cùng với đó, xây dựng Luật Nhà giáo dựa trên các quy định pháp luật hiện hành của quốc gia. Tuy nhiên, các quy định này chỉ là khung chung, cần phải có nội dung chi tiết để áp dụng vào thực tế.

Ông Đặng Tự Ân và các chuyên gia, hiệu trưởng tại hội thảo tập huấn về Trường học hạnh phúc.

Ông Đặng Tự Ân và các chuyên gia, hiệu trưởng tại hội thảo tập huấn về Trường học hạnh phúc.

Lương, vị thế nhà giáo phải được khẳng định

Lương là một yếu tố rất quan trọng trong đời sống của giáo viên, vì nó đóng vai trò quyết định đến mức độ họ được đánh giá và công nhận trong xã hội. Do đó Luật Nhà giáo phải khẳng định rõ quan điểm về mức lương, giá trị của lương với mỗi viên chức, trong đó có giáo viên.

Cung cấp thu nhập ổn định: Lương cung cấp cho giáo viên nguồn thu nhập ổn định để đáp ứng nhu cầu của bản thân và gia đình; giúp trang trải chi phí hàng ngày như đi lại, ăn uống, nhà ở và giáo dục cho con cái.

Tạo động lực làm việc: Lương là yếu tố quan trọng để động viên giáo viên làm việc chăm chỉ hơn. Khi được trả lương tốt, giáo viên có động lực tiếp tục cống hiến cho công việc nỗ lực giảng dạy tốt hơn. Hay nói khác, giáo viên làm việc trước hết cho thỏa mãn bản thân.

Thúc đẩy năng suất: Lương cao cũng thúc đẩy giáo viên làm việc và ngày càng có năng suất cao hơn. Nó có thể tạo ra môi trường làm việc tích cực, giúp giáo viên làm việc hiệu quả và đạt được kết quả tốt hơn trong giảng dạy.

Lương cũng có thể giúp tạo động lực nghề nghiệp cho giáo viên yêu nghề hơn. Khi nhận mức lương tương xứng và được đánh giá cao, giáo viên có thể cảm thấy hạnh phúc, tự hào về công việc của mình, có khả năng duy trì nghề nghiệp lâu dài. Hay nói khác đi, để giáo viên có động lực cống hiến lâu dài cho sự nghiệp trồng người.

Ông Đặng Tự Ân - Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam.

Ông Đặng Tự Ân - Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam.

Đề cao giá trị nghề dạy học

Nghề nghiệp nào cũng có những giá trị, giá trị sống cốt lõi. Giá trị sống là phẩm chất mà ta quý trọng, bất kỳ ai cũng quý trọng. Cái gì ta quý trọng? Đó là thứ mà ta sẽ soi vào, đắn đo khi ra quyết định hay lựa chọn giữa làm việc này hay không làm việc kia. Giá trị sống là những nguyên tắc ta tuân theo khi suy nghĩ và hành động…

Các giá trị lấy người học làm trung tâm: Đây là quan điểm, chiến lược của giáo dục đổi mới và cũng là giá trị sống của nghề dạy học. Nó được thể hiện như: Tình yêu đối với trẻ; mọi trẻ em có thể được học và học một cách bình đẳng; cam kết khơi dậy, nuôi dưỡng tiềm năng mỗi trẻ; tôn trọng sự đa dạng khác biệt của trẻ.

Các giá trị đặc thù nghề nghiệp: Dạy học có giá trị đặc thù, giúp người dạy hướng tới các chuẩn chất lượng giáo dục, chất lượng con người; có ý thức khám phá tự nhiên; ham học hỏi, ham hiểu biết; không ngừng tự hoàn thiện toàn diện bản thân; đam mê và yêu nghề; biết thích ứng và nhẫn nại; có đạo đức nhà giáo; thông thạo nghề nghiệp tiến tới tinh thông và nghệ thuật.

Các giá trị phục vụ: Nghề dạy học có khía cạnh dịch vụ, hoạt động tương tác, như: Hợp tác với đồng nghiệp; trách nhiệm nghề nghiệp, hội nhập và tham gia; học tập và giúp đỡ đồng nghiệp; có tác phong lãnh đạo quản lý.

Cô trò Trường Tiểu học Ái Mộ B (Long Biên, Hà Nội).

Cô trò Trường Tiểu học Ái Mộ B (Long Biên, Hà Nội).

Cập nhật và phù hợp với xu thế thời đại

Những vấn đề định hướng về nguyên tắc nghề nghiệp dạy học có tính đồng thuận của nhiều quốc gia. Đó là 5 nội dung cốt lõi, được hiểu như nền tảng, sự hòa trộn đầy đủ kiến thức, kỹ năng, phẩm chất, thái độ và niềm tin, được coi là đặc trưng cho sự bảo đảm giá trị của các nhà giáo thế kỷ 21, cụ thể:

Giáo viên cần tận tâm với học sinh và việc học hành của trẻ. Giáo viên thấy vinh dự, được trao tặng giá trị tri thức đến tất cả học sinh, tin tưởng tất cả học sinh có thể học và học hiệu quả. Giáo viên đối xử bình đẳng với tất cả học sinh, thừa nhận sự khác biệt từng cá nhân, bao dung với sự khác nhau trong hoạt động nhận thức, giáo dục.

Giáo viên hiểu học sinh phát triển theo cơ chế học tập như thế nào; làm cho học sinh biết tự học, tự vận dụng. Nhà giáo tôn trọng sự khác biệt về gia đình, văn hóa, sắc tộc và tôn giáo của học sinh. Giáo viên phải lo lắng chia sẻ về động cơ, hiệu quả trong việc học của học sinh trên nguyên tắc quan hệ bình đẳng và tương tác; giúp học sinh biết hợp tác, giao tiếp; phân tích, chia sẻ với học sinh các đặc trưng về con người mới và nghĩa vụ làm người.

Giáo viên phải nắm vững các môn học và biết dạy các môn học như thế nào. Giáo viên phải làm chủ các môn học mà họ giảng dạy, hiểu sâu sắc về lịch sử, cấu trúc, sự phát triển và các ứng dụng thực tiễn của môn học; có kinh nghiệm trong giảng dạy bộ môn, thông hiểu các khó khăn về tiếp thu kiến thức và không có những định kiến sai lầm về sự tiếp nhận kiến thức của học sinh, trong các môn học khác nhau. Giáo viên có khả năng và nghệ thuật sư phạm và biết sử dụng linh tính nghề nghiệp để dạy cho học sinh hiểu, áp dụng; biết tận dụng phương tiện dạy học.

Giáo viên suy nghĩ một cách có hệ thống về khả năng học và thực hành nghề nghiệp của mình. Giáo viên hiện đại phải là “3 trong 1”, có nghĩa: Vừa là nhà giáo dục, vừa là nhà chuyên môn, vừa là nhà nghiên cứu ứng dụng sư phạm.

Giáo viên tạo ra phong cách học cho bản thân, như: Học cách thức đi đến sự hiểu biết; coi trọng khám phá và khai phá trong học thuật; năng lực thực hành và thái độ thực tiễn trong nghề nghiệp; học cách độc lập, sáng tạo, linh hoạt trong nhận thức và hành động; biết mềm hóa tư duy và tùy cơ ứng biến; có phương pháp nghiên cứu đi từ phân tích đối tượng và môi trường để tìm giải pháp đồng bộ giải quyết những tình huống đa chiều.

Ảnh minh họa/ INT

Ảnh minh họa/ INT

Giáo viên là thành viên của cộng đồng học tập; hợp tác với các đồng nghiệp khác về phối hợp hoạt động giảng dạy và giáo dục, phát triển chương trình và bồi dưỡng giáo viên thường xuyên. Giáo viên phải thúc đẩy trường học phát triển, có trách nhiệm bổ sung nguồn lực trong khuôn khổ mục tiêu chung của giáo dục và mục tiêu địa phương; luôn liên hệ với thực tiễn đang thay đổi, có tính toàn cầu. Giáo viên biết làm thế nào để hợp tác có hiệu quả với cha mẹ học sinh và cộng đồng trong xây dựng kế hoạch, phối hợp với các công việc chung của nhà trường.

Quan tâm đến nhân tố ảnh hưởng tới chất lượng giáo viên

Luật Nhà giáo cần quan tâm đến quá trình đào tạo, đặc biệt là sử dụng và bồi dưỡng giáo viên. Quá trình đào tạo, bao gồm cả chính sách, chất lượng tuyển sinh sư phạm, nội dung chương trình, phương pháp tổ chức đào tạo, kiểm tra và đánh giá - tạo ra cơ sở ban đầu về phẩm chất, năng lực của người giáo viên. Lao động của giáo viên là lao động đặc thù, lao động trí óc, nên không những phục hồi sức khỏe cơ bắp mà cả sức khỏe trí tuệ, như năng lực hoạt động trí tuệ, chống lão hóa, sức ỳ của tư duy.

Hoàn cảnh, điều kiện lao động sư phạm của giáo viên cũng cần được quan tâm khi xây dựng Luật. Năng lực chỉ được biểu hiện trong hoạt động, quá trình làm việc, mà hoạt động lại phụ thuộc rất nhiều vào hoàn cảnh, điều kiện sống và quá trình lao động của giáo viên. Tập thể sư phạm đoàn kết, gần gũi, say sưa với nghề nghiệp, hăng hái học hỏi, giúp đỡ, tôn trọng lẫn nhau, coi trọng tinh thần hơn giá trị vật chất.

Những điều kiện, cơ bản nêu trên rất cần thiết, không những phát huy mà còn nâng cao hoàn thiện các năng lực hiện có, là hạnh phúc lớn của những giáo viên có tâm huyết với nghề dạy học.

Nội dung quan trọng tiếp theo là ý chí, thói quen và năng lực tự học của giáo viên. Sự phát triển nhanh của xã hội đòi hỏi giáo dục nhà trường phải chuyển đổi, từ cách dạy chủ yếu là thông báo, thuyết trình sang giáo viên hướng dẫn để học sinh tự học, phát triển phẩm chất năng lực. Dạy học đổi mới không thể theo cách dạy đồng loạt, thụ động mà là dạy học phân hóa, cá thể hóa. Điều này đòi hỏi giáo viên phải có năng lực tự học, tự trau dồi kiến thức mới cho mình, biết dạy học sinh tự học theo định hướng của giáo viên và tài liệu tự học.

Cuối cùng là xây dựng chiến lược phù hợp về bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên. Bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên là khâu quan trọng, nhân tố để nâng cao tay nghề cho người dạy, tránh sáo mòn với những bài dạy cũ, cách dạy cũ. Nhân tố này thực chất là xây dựng đội ngũ giáo viên.

Do đó, cần tìm hiểu giáo viên học và tự bồi dưỡng như thế nào; các chương trình đào tạo giáo viên được thiết kế ra sao để có tính hiệu quả, giúp giáo viên lĩnh hội được kiến thức, kỹ năng, năng lực, cũng như giúp họ thành công trong môi trường dạy học mới. Như vậy, phải có chiến lược tập huấn, bồi dưỡng giáo viên thường xuyên và đổi mới, nhằm thay đổi những tồn tại cơ bản của cách dạy học cũ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ