Đội ngũ này hoạt động trong các ngành, lĩnh vực, thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau với hàng trăm văn bản và luật dẫn đến chồng chéo, bất cập.
Văn bản nhiều nhưng chưa “phủ” hết
Từng có nhiều năm công tác trong ngành Giáo dục nên bà Hồ Thị Minh - đại biểu Quốc hội khóa XV (đoàn Quảng Trị) rất quan tâm đến lĩnh vực này, đặc biệt liên quan đến chế độ chính sách, đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên đứng lớp, chất lượng dạy học…
Từ thực tiễn khi hoạt động trong ngành, lắng nghe ý kiến cử tri, đặc biệt sau khi tham gia giám sát triển khai Chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông, bà Hồ Thị Minh nhận thấy còn những hạn chế, bất cập trong các quy định về đội ngũ. Quy định liên quan đến nhà giáo đang có trong nhiều văn bản khác nhau dẫn đến chồng chéo, nhưng vẫn chưa “phủ” hết được các vấn đề.
Cụ thể, hiện có 4 luật trực tiếp quy định các vấn đề về nhà giáo. Đầu tiên là Luật Giáo dục năm 2019. Vấn đề về nhà giáo được quy định thành 1 chương riêng (chương IV, 13 điều).
Thứ hai là Luật Giáo dục Đại học năm 2012 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học năm 2018: Quy định về nhà giáo được đề cập tại chương VIII (4 điều, được sửa đổi bởi Khoản 29 Điều 1 Luật Giáo dục Đại học sửa đổi 2018) và Điều 20 (được sửa đổi bởi Khoản 14 Điều 1 Luật Giáo dục Đại học sửa đổi 2018). Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2019: Nội dung về nhà giáo được quy định tại Điều 13, Điều 14, chương V (12 điều).
Ảnh minh họa/ INT |
Ngoài ra, nhà giáo còn chịu chi phối từ một số luật liên quan như: Luật Viên chức năm 2010; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức năm 2018; Luật Tổ chức Chính phủ; Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019; Luật Công đoàn; Luật Bảo hiểm xã hội; Luật Lao động, Luật Người khuyết tật; Luật Thể dục, thể thao năm 2006; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao năm 2018.
“Tôi cho rằng cần có một luật riêng điều chỉnh về nhà giáo. Điều này sẽ góp phần khắc phục những hạn chế về tính đồng bộ, phù hợp, toàn diện như trên cho đội ngũ đông đảo, chiếm đa số trong đội ngũ viên chức trên cả nước hiện nay”, bà Hồ Thị Minh nêu quan điểm.
Để hướng dẫn thực hiện 4 Luật trực tiếp quy định về nhà giáo, Chính phủ đã ban hành các Nghị định, bộ ngành ban hành khoảng 10 Thông tư. Bên cạnh đó là nhiều văn bản khác quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện các luật liên quan đến nhà giáo. Hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện các luật nêu trên có số lượng lớn, do nhiều cơ quan ban hành ở thời điểm khác nhau và thường xuyên có sửa đổi, bổ sung.
Chính bởi các quy định về nhà giáo nằm ở nhiều văn bản khác nhau, do nhiều cơ quan ban hành nên không tránh khỏi bất cập liên quan đến tính đồng bộ. Ví dụ, Luật Thể dục, thể thao quy định về quyền và nghĩa vụ của giáo viên, giảng viên thể dục thể thao với tư cách là một nhóm đặc thù, song gần như độc lập với Luật Giáo dục. Luật Giáo dục nghề nghiệp bên cạnh việc dẫn chiếu Luật Giáo dục cũng có một số quy định riêng về chính sách không dựa trên khung chung về giáo viên của Luật Giáo dục…
Cùng đó, vẫn có những vấn đề chưa bao quát hết về nhà giáo, như: Chưa định danh đầy đủ, tường minh về nhà giáo dưới góc độ pháp lý; tính đặc thù trong lao động của nhà giáo; đội ngũ nhà giáo ngoài công lập; chưa tiên liệu những quan hệ mới phát sinh trong giai đoạn chuyển đổi số…
Cô trò Trường THCS và THPT M.V. Lômônôxốp (Hà Nội) trong giờ học. |
Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng
Từ 1/1/2023, giáo viên công lập tại TPHCM được hưởng thu nhập tăng thêm gấp 1,8 lần tiền lương. Trong khi đó giáo viên trường tư vẫn còn nhiều khó khăn. Bà Trần Thị Minh Thư, chủ Trường Mầm non tư thục Việt Xuân tại TP Thủ Đức, cho biết: Chính sách thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 27 của HĐND TP mang lại niềm vui lớn cho đội ngũ, nhất là giáo viên khối công lập.
“Với giáo viên mầm non ngoài công lập như đơn vị tôi thì việc xét duyệt để giáo viên đạt và nhận hỗ trợ theo diện trường trong khu công nghiệp không hề dễ dàng. Giáo viên nhà trường hiện nay ngoài mức lương 7 triệu đồng cộng phụ cấp tiền nhà trọ hàng tháng (tổng thu nhập khoảng 9 triệu đồng) thì không còn khoản gì khác.
Khoản tiền trên do đơn vị cân đo đong đếm để trả cho giáo viên nhằm đảm bảo mức chi phí sinh hoạt tối thiểu, cũng như giữ chân họ. Vì vậy, Nhà nước cần nghiên cứu các chính sách hỗ trợ tổng thể cho mọi giáo viên, không phân biệt khối công, tư. Có như vậy, sức hút nghề giáo viên mới tăng hơn, giáo viên mới an tâm công tác hơn”, bà Thư nói.
Theo ông Nguyễn Đức Quốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường liên cấp Nam Việt (TPHCM), để tạo sự công bằng, xây dựng chính sách hỗ trợ, đãi ngộ cho đội ngũ nhà giáo một cách đầy đủ, Chính phủ cần xây dựng Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi với mọi nhà giáo.
“Ngoài các chính sách hỗ trợ đối với giáo viên, Chính phủ, Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu và xây dựng các chính sách mới nhằm tháo gỡ, hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho chủ đầu tư khối ngoài công lập (về đất, vốn vay, cơ chế) để giúp đơn vị có thể phát huy tối đa nội lực, gia tăng hoạt động hỗ trợ, chăm lo cho đội ngũ tốt hơn”, ông Quốc chia sẻ và nhìn nhận:
Để khắc phục khoảng trống trong chính sách chăm lo cho đội ngũ nhà giáo, dự thảo Tờ trình mà Bộ GD&ĐT gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây về đề nghị xây dựng dự án Luật Nhà giáo có nhiều điểm thay đổi rất đáng ghi nhận. Theo đó, Bộ GD&ĐT đề nghị Nhà nước quan tâm tới chính sách tiền lương và các chế độ ưu đãi khác của viên chức giáo dục để đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống.
Đối với giáo viên mới vào nghề, giáo viên hợp đồng cần có chính sách hỗ trợ để đảm bảo thu nhập không thấp hơn lương tối thiểu vùng; giáo viên được hưởng phụ cấp ưu đãi, hỗ trợ học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng dạy học… Ngoài chính sách chung của Nhà nước, các địa phương căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội có giải pháp hỗ trợ khác về thu nhập, điều kiện làm việc, nhà công vụ, đi lại cho đội ngũ nhà giáo.
Ảnh minh họa/ INT |
Cần văn bản có chất lượng
Các quy định cụ thể về nhà giáo rất nhiều, song tản mạn, thiếu đồng bộ, không thuận lợi cho việc thực hiện; nhiều quy định có hiệu lực pháp lý không cao. Dù hệ thống các quy định hiện hành đã đề cập khá toàn diện các vấn đề cơ bản về nhà giáo, tuy vậy, so với yêu cầu thực tiễn còn nhiều khoảng trống pháp lý hoặc chưa rõ ràng.
Thầy Hoàng Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Phú Bài (Thừa Thiên - Huế), bày tỏ đồng tình với nhận định trên, bởi thực tế trong điều hành quản lý liên quan đến đội ngũ nhà giáo gặp một số khó khăn, bất cập. Đơn cử như Bộ GD&ĐT đã có Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập.
Tuy nhiên, hiện các cơ sở giáo dục phải thực hiện tinh giản biên chế theo các văn bản hướng dẫn Nghị định 108, 113, 143, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Bởi đối tượng ảnh hưởng trực tiếp là học sinh nên thầy Hoàng Minh cho rằng, không thể áp dụng việc tinh giản biên chế đối với ngành Giáo dục như những ngành khác.
Cùng với đó, chế độ đãi ngộ đối với nhà giáo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chưa được quan tâm đúng mức, nên việc động viên nhà giáo góp công nâng cao thành tích trong công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học còn gặp nhiều khó khăn. Chế độ lương, thưởng không bảo đảm trang trải cuộc sống (đối với trường hợp giáo viên mới ra trường), dẫn đến hệ lụy trong xã hội như dạy thêm, học thêm, giáo viên làm thêm, kinh doanh ngoài giờ…
Để có hệ thống văn bản pháp lý dành cho nhà giáo từng bước hoàn thiện, ông Nguyễn Văn Định đề xuất ban hành Luật Nhà giáo làm căn cứ gốc cho hệ thống văn bản dưới luật kèm theo. Hợp nhất các văn bản có nội dung tương đồng làm cho hệ thống văn bản thật sự tinh gọn, dễ đọc, dễ nhớ, dễ áp dụng. Đối với văn bản quy định về chế độ, chính sách cho nhà giáo, không nên chia nhỏ thành quá nhiều nhóm sẽ trở nên manh mún và phức tạp, mà chỉ cần phân thành các nhóm (có đặc điểm tương đồng) thì độ bền vững của văn bản sẽ cao hơn.
Từng nhiều năm công tác trong ngành Giáo dục, ông Nguyễn Văn Định, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp, cho biết: Từ khi Luật Giáo dục ra đời, đặc biệt là khi Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết 29-NQ/TW vào năm 2013, nhiều văn bản liên quan đến nhà giáo được ra đời.
Theo thống kê, đến nay có khoảng 200 văn bản liên quan, trong đó có nhiều văn bản ra đời trong thời gian ngắn và sớm được thay thế như: Các thông tư quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm, xếp lương nhà giáo ở các bậc học; nghị định quy định về xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú; điều lệ trường; chế độ phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp thâm niên; chương trình, sách giáo khoa; quy chế thi và tuyển sinh…
Việc ban hành được nhiều văn bản thể hiện tính cụ thể hóa các chủ trương của Đảng và quy định của Nhà nước đối với giáo dục và nhà giáo; tiếp tục khẳng định giáo dục là quốc sách hàng đầu, lao động của nhà giáo là lao động đặc biệt. Điều này cũng thể hiện tính phong phú, đa dạng của các loại hình giáo dục; đảm bảo công bằng tương đối giữa nhà giáo công tác ở các địa bàn khác nhau. Tuy nhiên, việc có nhiều văn bản liên quan nhà giáo cũng tạo ra những hạn chế nhất định. Đó là, văn bản thay đổi, bổ sung, thay thế thường xuyên làm cho người áp dụng gặp khó khăn trong tiếp cận, thực hiện.
Dưới góc độ pháp lý, chưa định danh đầy đủ nhà giáo. Luật Viên chức chỉ điều chỉnh đối với nhà giáo công tác tại cơ sở giáo dục công lập trong khi còn một lực lượng không nhỏ nhà giáo làm việc tại cơ sở ngoài công lập. Chưa bao quát hết các vấn đề quan trọng thể hiện lao động của nhà giáo là lao động đặc thù, nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý.
“Dù xây dựng loại văn bản nào cũng cần một quá trình công phu, có đủ thời gian, vận dụng phù hợp kinh nghiệm quốc tế, tham khảo kỹ ý kiến của những người có tâm huyết và am hiểu sâu đối với lĩnh vực liên quan, được phản biện. Văn bản phải thể hiện tầm nhìn xa, dự báo tốt. Không cần nhiều văn bản mà cần văn bản có chất lượng, có tính bao quát cao, đảm bảo công bằng, hợp lý, có thực tiễn, được đồng thuận cao, có độ bền vững lâu dài… Có như thế mới vừa tiết kiệm được tiền bạc và công sức, vừa tăng cao hiệu lực của văn bản”, ông Nguyễn Văn Định cho hay.