'Gánh lửa dư luận' vì thiếu quy định rõ về nhà giáo, nghề giáo

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhóm/lớp mầm non không thuộc hệ thống giáo dục quốc dân nhưng khi xảy ra "vụ việc"… dư luận lại đổ trách nhiệm lên ngành GD, lên nhà giáo...

Tiết học của cô trò Trường Mầm non Sao Mai (TP Hà Nội). Ảnh: NTCC
Tiết học của cô trò Trường Mầm non Sao Mai (TP Hà Nội). Ảnh: NTCC

Nhóm/lớp mầm non độc lập chưa được cấp phép, lớp tình thương, lớp học thêm... không thuộc hệ thống giáo dục quốc dân nhưng khi xảy ra tình trạng như bạo hành, xâm hại trẻ hay chất lượng kém… dư luận đổ trách nhiệm lên ngành Giáo dục, phán xét đạo đức nhà giáo. Điều này làm xấu hình ảnh của ngành, tổn thương thầy cô.

Con sâu làm rầu nồi canh

Công tác trong lĩnh vực giáo dục mầm non hơn 23 năm, một giáo viên tại huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ: “Công việc của tôi không đơn thuần là chăm sóc, mà còn giảng dạy các kỹ năng đầu đời cho trẻ. Theo đó, người giáo viên phải dùng tấm lòng mến trẻ để chăm sóc, bảo ban như con của mình vậy.

Công việc của giáo viên mầm non rất vất vả, gắn với trách nhiệm rất lớn. Vì vậy, đối với những người không được đào tạo bài bản về nghiệp vụ sư phạm, quá trình chăm sóc, giảng dạy dễ dẫn đến sự cố đáng tiếc”.

Là giáo viên mầm non khi nghe truyền thông nhắc đến việc bảo mẫu ở nhóm trẻ tự phát bạo hành, đánh đập trẻ, bản thân xót xa vô cùng. “Đồng thời, tôi cảm thấy tổn thương vì qua sự việc, phụ huynh, xã hội sẽ có cái nhìn kỳ thị, nghi ngờ, chỉ trích đối với những cô giáo mầm non. Sự việc xảy ra ở cơ sở chưa được cấp phép, bảo mẫu thậm chí chưa từng qua trường lớp đào tạo nhưng sự nghi ngại của dư luận vô tình phủi hết những cố gắng, nỗ lực mà chúng tôi cống hiến bấy lâu”, nữ nhà giáo trăn trở.

Cô Ngọc lấy ví dụ: “Sau một vài sự việc gần đây, ban giám hiệu tổ chức họp chuyên môn với các giáo viên. Các cô tâm sự vì những sự vụ đó mà phụ huynh thăm hỏi kỹ hơn việc chăm sóc trẻ ở trường; đưa ra nhiều thắc mắc hơn trước…”.

Cùng quan điểm, cô Nguyễn Bích Ngọc - Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Mai (quận Long Biên, TP Hà Nội) - chia sẻ: “Sự việc đáng tiếc, tình huống phi sư phạm xảy ra ở nhóm trẻ tự phát khiến hình ảnh người giáo viên, cán bộ quản lý bậc mầm non bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đây là vấn đề mà tôi cũng như các đồng nghiệp rất lo lắng, đôi khi tủi thân. Bởi chúng tôi luôn nỗ lực, cố gắng mỗi ngày nhưng chỉ một sự cố của các nhóm trẻ tự phát khiến phụ huynh, dư luận xã hội nảy sinh nghi ngờ, thậm chí ác cảm với giáo viên mầm non”.

Chia sẻ thông tin, cô Ngọc đồng thời cho biết, tại các trường công lập sẽ có nội quy, quy chế, quy định để giáo viên thực hiện và cán bộ phụ trách đôn đốc, kiểm tra, nhắc nhở, qua đó có hình thức khen thưởng, xử lý rõ ràng.

Bên cạnh đó, khi giáo viên có biểu hiện mệt mỏi, khó khăn hay sao nhãng trong công việc chuyên môn, đội ngũ quản lý sẽ sát sao, nhắc nhở, hỗ trợ để vượt qua. Ngoài ra, các trường còn sinh hoạt chuyên môn hàng tuần, cử giáo viên đi bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn định kỳ. Trong cuộc họp hội đồng, chuyên môn, đạo đức của giáo viên luôn được đề cập, nhắc nhở.

Cô trò Trường Mầm non Thị trấn Đình Lập (huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn) trong tiết học trên lớp.

Cô trò Trường Mầm non Thị trấn Đình Lập (huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn) trong tiết học trên lớp.

Ảnh hưởng đến tâm lý giáo viên

Hành vi bạo lực của bảo mẫu không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe, tính mạng của trẻ, mà còn tác động đến tâm lý của giáo viên đang cống hiến cho ngành.

Đưa ra nhận định trên, cô Nguyễn Thị Thanh Hương, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sao Mai (quận Ba Đình, TP Hà Nội), viện dẫn: Giáo viên làm việc trong hoàn cảnh nhiều áp lực, không có sự tin tưởng của phụ huynh, xã hội có thể dẫn đến tình trạng mệt mỏi, buồn chán. Họ có thể đánh mất niềm tin vào chính mình, khó khăn trong việc giảng dạy và quản lý lớp học. Lâu dần, tình trạng trên làm giảm hiệu quả dạy học, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ.

Lý giải tình trạng bạo hành trẻ lại nhóm/lớp tự phát ngày càng nhiều, mức độ ngày càng nặng, cô Hương thông tin: Công tác quản lý, cấp phép thành lập còn lỏng lẻo do nhân sự được giao phụ trách mỏng trong khi loại hình này không ngừng tăng. Điều kiện cơ sở vật chất kém gây mất an toàn cho trẻ. Còn ở trường tư thục, do đội ngũ giáo viên trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm xử lý tình huống hoặc được đào tạo không bài bản, ít tham gia tập huấn, bồi dưỡng, thu nhập thấp… dẫn đến áp lực tâm lý, khó kiểm soát được hành vi.

Còn bà Lã Thị Hải Yến – Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn - nhìn nhận: Trong các nhóm trẻ mở tại nhà, gần như phụ huynh không nắm được điều kiện cơ sở vật chất cũng như trình độ nghiệp vụ sư phạm của người chăm sóc. Trong khi đó, giáo viên mầm non không đơn thuần chỉ trông, hỗ trợ trẻ trong vệ sinh cá nhân, ăn uống. Các cô còn đảm nhận vai trò hướng dẫn, dạy dỗ các kỹ năng để trẻ sẵn sàng bước ra xã hội.

Để dạy trẻ kỹ năng như tự lập, tự bảo vệ mình, biết kiểm chế cảm xúc, sinh hoạt tập thể…, đòi hỏi giáo viên phải được đào tạo bài bản, có kỹ năng sư phạm, hiểu tâm lý trẻ mới có thể truyền đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, sẽ không công bằng với những giáo viên đang miệt mài, tận tụy cống hiến với nghề phải chịu ánh nhìn thiếu thiện cảm vì những sự việc không đáng có xuất phát từ những nhóm trông trẻ tự phát này. Do đó, cần quy định rõ ràng về nhà giáo, nghề giáo cũng như kiểm soát chặt chẽ hoạt động của nhóm/lớp tự phát.

“Để giúp giáo viên an tâm công tác, nhà trường cần tạo một môi trường giảng dạy an toàn thông qua chính sách và quy trình rõ ràng để giáo viên biết quyền lợi và trách nhiệm bản thân; hỗ trợ giáo viên giải quyết tình huống sư phạm hiệu quả; hình thức xử lý trường hợp bạo lực trong trường học. Ngoài ra, giáo viên cần được đào tạo để nắm được các kỹ năng quản lý lớp học và kiểm soát hành vi của trẻ cũng như bản thân, không để tình huống đáng tiếc xảy ra”, cô Nguyễn Thị Thanh Hương, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sao Mai cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ