Xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo:

Hy vọng sau 20 năm Luật Nhà giáo sẽ ra đời

GD&TĐ - Việc nghiên cứu xây dựng trình Quốc hội ban hành Luật Nhà giáo được đặt ra đến nay đã gần 20 năm nhưng nhiệm vụ này vẫn chưa hoàn thành...

Cô và trò điểm Cây Sặt, Trường Mầm non Huổi Lếch, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Hà Yến
Cô và trò điểm Cây Sặt, Trường Mầm non Huổi Lếch, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Hà Yến

Nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng trình Quốc hội ban hành Luật Nhà giáo được đặt ra từ năm 2004, theo tinh thần của Chỉ thị 40/CT-TW về việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Từ đó đến nay đã gần 20 năm nhưng nhiệm vụ này vẫn chưa hoàn thành.

Lực lượng lao động đông đảo, trình độ chuyên môn cao

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, biên chế sự nghiệp của ngành Giáo dục chiếm khoảng 70% tổng biên chế sự nghiệp của cả nước. Đội ngũ nhà giáo là lực lượng đông đảo nhất trong tổng số công chức, viên chức của tất cả ngành/lĩnh vực, có vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước, trình độ chuyên môn cao. Theo Luật Giáo dục 2019, giáo viên (GV) mầm non phải đạt trình độ cao đẳng sư phạm trở lên. GV phổ thông, giáo dục nghề nghiệp có trình độ cử nhân sư phạm trở lên và giảng viên đại học có trình độ thạc sĩ trở lên.

Đội ngũ nhà giáo hoạt động rộng khắp trong các ngành, lĩnh vực, thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau. Đội ngũ nhà giáo ngày càng nâng cao về chuyên môn, phương pháp giảng dạy và khả năng thích ứng với hoàn cảnh. Nhất là qua 3 năm đại dịch Covid-19, học sinh và sinh viên tạm ngừng đến trường nhưng không ngừng học, là nhờ vào sự thích ứng nhanh của GV, chuyển từ dạy học trực tiếp sang trực tuyến ở các cấp học.

Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận GV chưa đạt chuẩn đào tạo theo Luật Giáo dục 2019, chưa đáp ứng yêu cầu dạy học phát triển năng lực học sinh; biên chế việc làm, thu nhập, đời sống khó khăn nên một bộ phận thầy cô phải dạy thêm, làm thêm, ảnh hưởng đến nhiệm vụ dạy học; cá biệt có thầy cô đạo đức xuống cấp... Giải pháp nào để xây dựng đội ngũ nhà giáo ngang tầm với khu vực và thế giới. Tất cả những điều này đòi hỏi phải có Luật Nhà giáo mới giải quyết thấu đáo.

Ảnh minh họa/ INT

Ảnh minh họa/ INT

Bất cập khi chưa có Luật Nhà giáo

Nghề giáo với đặc thù riêng nên có vấn đề phải điều chỉnh, thay đổi nhiều lần nhưng vẫn chưa phù hợp thực tiễn, còn nhiều bất cập:

Thứ nhất, cơ cấu đội ngũ GV mầm non, phổ thông còn mất cân đối; vấn đề thừa, thiếu cục bộ GV diễn ra tại nhiều địa phương, trong từng cơ sở giáo dục, từng cấp học, môn học vẫn chưa được giải quyết triệt để. Nhiều địa phương không đảm bảo tỷ lệ GV/lớp theo quy định. Đặc biệt, thiếu số lượng lớn GV để đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, nhất là GV dạy các môn Tin học, Tiếng Anh (cấp tiểu học), môn Nghệ thuật (cấp THPT). Việc đào tạo và bồi dưỡng GV giảng dạy môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý (cấp THCS) chưa kịp thời.

Thứ hai, việc thực hiện, tuyển dụng, bố trí, điều động GV tại các địa phương, cơ sở giáo dục còn nhiều vướng mắc, bất cập; việc bỏ biên chế suốt đời đối với GV và thực hiện cơ chế tuyển dụng GV như những viên chức thông thường đã và đang bộc lộ một số hạn chế: Khó tuyển được người giỏi vào ngành; chuyển biên chế suốt đời của GV sang chế độ làm việc theo hợp đồng, hưởng lương theo vị trí việc làm, nhưng không có quy định đặc thù nên không thực hiện được công tác điều động, biệt phái GV từ vùng thuận lợi đến vùng khó khăn.

Thứ ba, việc thực hiện tinh giản biên chế theo yêu cầu chung gặp nhiều khó khăn đối với ngành Giáo dục vì đặc điểm nghề nghiệp của nhà giáo là dạy học và giáo dục theo cấp học, môn học, địa bàn công tác. Số lượng biên chế tinh giản trong ngành Giáo dục chủ yếu là do GV nghỉ chế độ, chuyển công tác, dẫn tới khó khăn trong bố trí, sắp xếp GV theo định mức, chuyên môn đào tạo khi thực hiện yêu cầu tuyển dụng theo quy định mới.

Thu nhập từ lương của GV vẫn chưa đảm bảo theo tinh thần Nghị quyết số 29/NQ-TW đã đề ra: “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”. Nhà giáo là nguồn nhân lực đặc biệt, là “nhân lực của nhân lực” thì điều kiện làm việc của nhà giáo cần có sự sáng tạo. Chính sách tiền lương, các chế độ đãi ngộ, tôn vinh, khen thưởng, kỷ luật đối với nhà giáo cũng cần có quy định riêng, tương xứng với vị thế và đặc thù lao động.

Thứ tư, các chính sách tiền lương đã được quan tâm nhưng còn bất cập, chưa phù hợp với vị trí, vai trò của nhà giáo; chưa tạo động lực để nhà giáo gắn bó với nghề. Trong những năm qua có hơn 16.000 GV bỏ việc, do nhiều nguyên nhân, trong đó có liên quan đến thực trạng thu nhập không đủ sống (GV mầm non mới ra trường với hệ số 2,1 lương khoảng 3 triệu đồng; GV phổ thông trình độ cử nhân hệ số lương 2,34 lương khoảng 3,5 triệu đồng). GV ở các vùng sâu, vùng xa thiếu thốn trăm bề, khó đảm bảo gắn bó lâu dài với nghề.

Thứ năm, cơ chế thu hút người giỏi thi tuyển vào ngành sư phạm và tham gia tuyển dụng nhà giáo chưa đủ mạnh và bền vững nên một số môn học, cấp học xảy ra tình trạng thiếu nguồn để tuyển dụng.

Thứ sáu, chưa có đầy đủ chế tài để quản lý nhà giáo ngoài công lập. Các quy định của pháp luật hiện hành, nhất là Luật Viên chức chủ yếu quản lý đội ngũ nhà giáo đã được tuyển dụng vào viên chức. Chính sách đối với nhà giáo ngoài biên chế, GV trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập chưa được quan tâm đúng mức, chưa được đối xử công bằng, nhất là trong đào tạo, bồi dưỡng.

Thầy Vàng Anh, giáo viên cắm bản Huổi Mắn và các học sinh Trường Mầm non Nậm Chà, xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu. Ảnh: Minh Thịnh

Thầy Vàng Anh, giáo viên cắm bản Huổi Mắn và các học sinh Trường Mầm non Nậm Chà, xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu. Ảnh: Minh Thịnh

Chuyển động xây dựng Luật Nhà giáo

Chỉ thị 40/CT-TW đề ra nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng Luật Nhà giáo, đến năm 2008, Quốc hội dự kiến đưa Luật Nhà giáo vào chương trình dự án luật năm 2009 và giao Bộ GD&ĐT chủ trì tham mưu cho Chính phủ. Nhưng thời điểm đó, Quốc hội chuẩn bị thông qua Luật Viên chức, nên Luật Nhà giáo bị hoãn.

Đến những năm 2016, Luật Nhà giáo một lần nữa được đặt ra và Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định số 2760/QĐ-BGDĐT ngày 11/8/2016 về việc phân công lập đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo và Luật Giáo dục (sửa đổi). Kế hoạch Lập đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo đã được Bộ xây dựng rất cụ thể, theo 6 bước. Thời gian thực hiện từ tháng 8/2016 - 31/12/2016.

Giao cho Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục chủ trì, phối hợp với Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Vụ Pháp chế và các đơn vị liên quan thuộc Bộ tiến hành nhiều phần việc. Tuy nhiên, giai đoạn này trọng tâm là xây dựng và trình Quốc hội Luật Giáo dục sửa đổi, nên Luật Nhà giáo một lần nữa bị hoãn.

Từ năm 2019, Bộ GD&ĐT đã giao cho Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam thực hiện đề tài khoa học cấp Nhà nước về Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn để xây dựng Luật Nhà giáo. Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã triển khai nghiên cứu đề tài trên với các nội dung chính: Thực trạng đội ngũ nhà giáo và việc thực hiện pháp luật với chế độ chính sách nhà giáo, kinh nghiệm quốc tế về quản lý nhà giáo bằng pháp luật, khung chính sách đối với nhà giáo (gồm: Vị trí, vai trò, vị thế đội ngũ nhà giáo; Quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ nhà giáo;

Vấn đề tuyển sinh, đào tạo để trở thành nhà giáo; Bồi dưỡng, phát triển đội ngũ nhà giáo; Tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, bổ nhiệm, miễn nhiệm, sàng lọc đội ngũ nhà giáo; Vấn đề lương và các điều kiện làm việc của nhà giáo; Vấn đề tôn vinh, khen thưởng nhà giáo; Vấn đề hội nhập quốc tế đối với công tác phát triển đội ngũ; Quản lý Nhà nước về nhà giáo).

Đến nay, Bộ GD&ĐT đã có dự thảo Tờ trình gửi Chính phủ về việc xây dựng Luật Nhà giáo, trong đó đề xuất một số chính sách liên quan đến nhà giáo. Dự thảo Tờ trình nhấn mạnh, việc xây dựng luật này nhằm nâng cao vị thế, vai trò của nhà giáo trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0; tạo hành lang pháp lý vững chắc và toàn diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo.

Đồng thời, tạo cơ hội cho nhà giáo yên tâm hoạt động nghề nghiệp và đóng góp tốt hơn cho ngành Giáo dục, đất nước. Cùng với đó, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và bảo đảm định hướng chính trị đúng đắn đối với công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo. Nâng cao nhận thức xã hội, trách nhiệm của các cơ quan xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo.

Tờ trình ghi rõ: “Xây dựng Luật Nhà giáo nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ cơ bản về nhà giáo với giá trị pháp lý cao, tương đối ổn định, phù hợp phát triển giáo dục. Qua đó, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục nói riêng, hệ thống pháp luật Việt Nam trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền nói chung”.

Ảnh minh họa/ INT

Ảnh minh họa/ INT

Hiệu quả khi ban hành Luật Nhà giáo

Để Quốc hội đưa Luật Nhà giáo vào chương trình xây dựng luật, lấy ý kiến góp ý, chỉnh sửa, hoàn thiện trình Quốc hội thông qua là một quá trình lâu dài. Quá trình này đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực không chỉ của những người làm giáo dục, mà là toàn xã hội, của mỗi đại biểu Quốc hội, nhất là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Luật Nhà giáo nếu được xây dựng và ban hành sẽ bao trùm lên cả hệ thống giáo dục và đào tạo, bao gồm nhà giáo ở bậc giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học và cơ sở giáo dục khác để bảo đảm tính nhất quán của hệ thống chính sách, luật pháp liên quan. Đó không chỉ là đội ngũ thầy cô giáo, mà còn là cán bộ quản lý cơ sở giáo dục. Ngoài ra, những GV người nước ngoài theo các chương trình hợp tác cũng cần được quy định đầy đủ trong luật.

Luật Nhà giáo ra đời sẽ góp phần đáng kể nâng cao chất lượng giáo dục, vì luật đưa ra các tiêu chuẩn đối với đào tạo, bồi dưỡng, đảm bảo rằng các GV được trang bị đầy đủ đạo đức, kiến thức, kỹ năng, năng lực để giảng dạy và giáo dục hiệu quả. Luật đảm bảo cho GV có môi trường làm việc an toàn, thuận lợi, trong thời đại công nghiệp 4.0, giúp cho nhà giáo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhân cách, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; xây dựng nền giáo dục tiên tiến và hội nhập quốc tế.

Để luật không bị lỗi thời, không quá chi tiết, cứng nhắc khó xoay xở khi thực tế luôn có những thay đổi, cơ quan soạn thảo dự thảo luật cần cân nhắc xem điều luật nào quy định cứng (thực tế chứng minh ít thay đổi), điều luật nào quy định khung và sẽ được hướng dẫn bằng các văn bản quy phạm dưới luật để bảo đảm tính linh hoạt khi điều kiện cuộc sống có thay đổi mà chưa lường hết được. Cần tham khảo thực tiễn của các quốc gia trên thế giới ứng xử như thế nào với những vấn đề tương tự mà ngành Giáo dục Việt Nam đang vướng mắc để có cách tiếp cận sáng tạo, hợp quy luật thực tiễn và hiện đại.

Luật Viên chức, Công chức chưa phù hợp đặc thù nghề giáo

Hiện nay, lao động của nhà giáo được điều chỉnh bằng Luật Công chức, Viên chức. Tuy nhiên, những luật này chỉ đề cập đến công chức, viên chức nói chung, chưa giải quyết được tính đặc thù nghề nghiệp nhà giáo. Ở Luật Giáo dục, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp đều có các chương quy định về nhà giáo, song vẫn còn chung chung, mang tính nguyên tắc. Nhiều quy định chưa đúng tinh thần các nghị quyết của Đảng về đội ngũ nhà giáo, thu nhập nhà giáo vẫn thấp, có tình trạng mất công bằng giữa nhà giáo công lập và ngoài công lập...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.