Luật GD sửa đổi cần đón đầu xu thế đổi mới và hội nhập

GD&TĐ - Đó là ý kiến của TS Huỳnh Công Minh - nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM với phóng viên Báo GD&TĐ, trong cuộc trò chuyện về việc góp ý cho dự thảo Luật Giáo dục (GD) sửa đổi đang được hoàn thiện để trình Quốc hội thông qua.  

Sửa đổi Luật GD cần đón đầu xu thế hội nhập
Sửa đổi Luật GD cần đón đầu xu thế hội nhập

Cần có biện pháp chế tài để nâng cao trách nhiệm CBQLGD

Lâu nay, thực tiễn GD ở cấp cơ sở đã và đang xảy ra nhiều hiện tượng rất đáng lo, đó là: Quản lý GD chồng chéo (đặc biệt là quản lý nhân sự); tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ xảy ra ở nhiều địa phương. Rồi tình trạng CSVC trường lớp xuống cấp trầm trọng; tình trạng mất an toàn trường học nghiêm trọng; tình trạng bổ nhiệm - luân chuyển cán bộ quản lý (CBQL) GD; tuyển dụng - bố trí giáo viên sai quy định… Cuối cùng, không rõ ai chịu trách nhiệm chính và xử lý vấn đề này ra sao? Theo quan điểm của ông, liệu có cần phải luật hóa những vấn đề và đưa vào dự thảo Luật GD sửa đổi hay không?

Những bất cập trong quá trình quản lý nêu trên do nhiều nguyên nhân khác nhau, không chỉ là do Luật. Những nguyên nhân thường thấy là: Do nhận thức, trách nhiệm và năng lực thực thi của đội ngũ CBQL các cấp.

Hệ thống văn bản pháp luật về hoạt động của ngành GD-ĐT không phải là thiếu. Cái thiếu lớn nhất là sự hiểu biết thấu đáo từng vấn đề, từng lĩnh vực; thiếu trách nhiệm, sợ khó, sợ đụng chạm, không giải quyết đến nơi đến chốn các công việc - nhất là khi công việc xảy ra sự chồng chéo, vướng mắc nào đó…

CBQL chính quyền các cấp nói chung, nhất là CBQL GD của ta: Nhìn chung thiếu kỹ năng, yếu về nghiệp vụ, để triển khai các nhiệm vụ nặng nề là “đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT”… Tôi cho rằng, ở lĩnh vực này, trong Luật GD sửa đổi cần phải có những biện pháp chế tài, nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm của CBQL GD.

Luật GD hiện hành chưa quy định cụ thể (lâu nay giao Bộ GD&ĐT quy định chi tiết) về việc cho phép người học ở tất cả các cấp được quyền học vượt lớp, vượt cấp, với điều kiện phải đạt các yêu cầu về thể chất, về chỉ số phát triển trí tuệ bản thân nhất định... Vậy trong dự thảo Luật GD sửa đổi, theo ông có cần đề cập chi tiết hơn đến vấn đề này, để đảm bảo tính pháp lý vững chắc hơn hay không?

Vấn đề học vượt lớp, vượt cấp của HS trong hệ thống GD nước ta đã từng thực hiện. Nhưng phải nói rằng đây là một vấn đề khó, do đặc điểm của rất nhiều dạng phụ huynh HS khác nhau! Phụ huynh thường tự thấy con em mình rất giỏi, phụ huynh muốn con em mình học nhanh, bằng cấp danh hiệu nhiều… Chỉ có một bộ phận phụ huynh HS thấy được việc ép con em học vội, học quá sức là có hại!

Để thực hiện vấn đề này, chúng ta phải chuẩn bị hai điều kiện thật tốt: Một là trình độ nhận thức của phụ huynh HS; Hai là hệ thống thẩm định khoa học phải chuẩn xác, khi đánh giá về thể chất, về chỉ số phát triển trí tuệ bản thân HS. Để Bộ GD&ĐT quy định cụ thể vấn đề này là chính xác.

Cần nguyên tắc chung về đa dạng hóa trường lớp

Hiện tại, nước ta đã và đang phát triển khá nhiều mô hình trường học khác nhau: Trường trọng điểm chất lượng cao; trường đào tạo đa ngành - đa lĩnh vực; trường quốc tế (50% hoặc 100% nội dung - chương trình dạy học và CBQL GD và giáo viên nhập từ nước ngoài vào; trường quốc tế chủ yếu do giáo viên Việt Nam trực tiếp đứng lớp; trường quốc tế chủ yếu do nước ngoài đầu tư CSVC trường lớp, còn dạy học chủ yếu theo nội dung - chương trình do Bộ GD&ĐT ban hành; trường quốc tế do liên kết với trường nước ngoài dưới nhiều kiểu khác nhau, chỉ để che mắt người học nhằm thu học phí cao…). Rồi mô hình trường phổ thông có nhiều cấp học (có cả trường mầm non trong trường phổ thông đa cấp). Theo ông, có cần bổ sung vào dự thảo Luật GD sửa đổi yêu cầu phải siết chặt lại tình trạng khá lộn xộn các mô hình trường học nói trên hay không?

Thật ra, từ khi chủ trương xã hội hóa GD ra đời, Đảng và Nhà nước ta đã khuyến khích đa dạng hóa GD. Hệ thống GD quốc dân phải có nhiều loại hình trường để học sinh chọn lựa học tập. Vấn đề đặt ra là chúng ta có quản lý được hay không? Siết chặt các mô hình trường học là cần thiết.

Các cấp QLGD phải nắm vững hệ thống luật pháp, không ngừng nâng cao năng lực quản lý và sử dụng tốt công nghệ thông tin, thực hiện chính sách công khai hóa và phát huy dân chủ, để không ngừng đổi mới và hoàn thiện hệ thống GD nước nhà một cách đa dạng, phong phú, tiến bộ, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế.

Luật GD sửa đổi lần này, có lẽ cũng nên quy định những nguyên tắc chung, những nội dung cơ bản nhất, cần thiết nhất về vấn đề đa dạng hóa trường lớp - như tôi vừa trình bày. Trên cơ sở đó, Bộ GD&ĐT sẽ có hướng dẫn cụ thể và chi tiết hơn.

Với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số và cuộc cách mạng công nghệp 4.0, đã xuất hiện mô hình Trường học trực tuyến. Ông có nghĩ rằng: Dự thảo Luật GD sửa đổi cần thiết phải bổ sung các quy định về loại hình GD mới này?

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư của nhân loại đang có sức hấp dẫn lớn với nước ta. Chính phủ điện tử, thành phố thông minh, nhà trường thông minh, những thành tựu của các công nghệ mới… đang có xu hướng thúc đẩy nhanh sự chuyển đổi mọi hoạt động truyền thống chậm chạp, thiếu chính xác, làm thay đổi chất lượng cuộc sống con người.

Nhà trường chúng ta sẽ không thoát khỏi quy luật chung ấy, nhưng không có nghĩa là mất đi vai trò nhà giáo. Trong nhà trường thông minh, người GV càng cần có trình độ cao hơn về mọi phương diện: Từ tri thức, khả năng giao tiếp, đến các kỹ năng vận dụng có hiệu quả nền công nghiệp kỹ thuật số vào dạy - học. Nếu Luật GD sửa đổi thể chế hóa được tinh thần ấy vào cuộc sống học đường, là điều rất nên làm. Luật GD cần đi trước, đón đầu được xu thế đổi mới GD và hội nhập quốc tế đang ngày càng nóng bỏng.

Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ