Đảm bảo yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT

GD&TĐ - Sáng 8/8, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc Phiên họp thứ 26. Chiều cùng ngày, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, UBTVQH cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của 2 dự luật, đó là: Luật GD (sửa đổi) và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GD ĐH.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu về 2 dự án luật tại buổi làm việc chiều 8/8
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu về 2 dự án luật tại buổi làm việc chiều 8/8

Lùi thời gian thông qua Luật GD (sửa đổi)

Tham dự phiên làm việc có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ; Thứ Trưởng Nguyễn Hữu Độ; đại diện một số bộ, ngành, cơ quan hữu quan...

Báo cáo trước UBTVQH về một số vấn đề vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau đối với Dự án Luật GD (sửa đổi), ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, GD, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - cho biết: Tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, đóng góp ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GD. Trên cơ sở xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã thống nhất mở rộng phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật GD và đổi tên Dự án Luật thành Dự án Luật GD (sửa đổi).

“Không ai được phủ nhận những kết quả và thành tựu của GD nước nhà. Nếu phủ nhận là hoàn toàn sai. Cần có đánh giá công bằng về GD bởi những nỗ lực và đóng góp của GD đối với xã hội”. 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân


Một trong những nội dung được các đại biểu thảo luận, cho ý kiến nhiều nhất là quy định về Kỳ thi THPT quốc gia. Theo đó, nhiều đại biểu đồng tình với quan điểm cần thiết tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia - kỳ thi “2 trong 1”. Đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho rằng, chủ trương kỳ thi “2 trong 1” rất tốt, ý tưởng hay, vấn đề còn lại là chúng ta cần cải tiến cách tổ chức để đảm bảo mục tiêu của kỳ thi. Đại biểu Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh: Không vì tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao mà bỏ kỳ thi. Vì thế kỳ thi vẫn nên tiếp tục duy trì. Bởi kỳ thi cũng chính là để đánh giá quá trình học tập của HS. Các em muốn tốt nghệp THPT thì phải có sự chuẩn bị từ lớp 10.

Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Văn hoá, GD, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội ủng hộ quan điểm: Việc tổ chức kỳ thi để cấp bằng tốt nghiệp THPT là cần thiết để đánh giá mức độ đạt chuẩn GD phổ thông của HS, cung cấp dữ liệu quốc gia cho việc nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh chính sách GD và là nguồn thông tin tham khảo cho các cơ sở GD ĐH, cơ sở GD nghề nghiệp tổ chức tuyển sinh. Kỳ thi này còn có ý nghĩa cung cấp chứng nhận hoàn thành chương trình GD phổ thông cho mục địch liên thông và hội nhập hệ thống GD quốc tế.

Cũng tại Phiên họp, nhiều đại biểu đề xuất nên lùi thời gian thông qua Luật GD (sửa đổi) sang Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XIV để tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, chuyên gia và các nhà quản lý GD. Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: UBTVQH giao Chính phủ tổ chức lấy ý kiến nhân dân, sau đó tổng hợp lại báo cáo Quốc hội. Trước mắt, sẽ chưa thông qua Luật này tại Kỳ họp thứ 6 và có thể thông qua tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, quyết định lùi thời gian thông qua Dự án Luật GD (sửa đổi) của UBTVQH là hoàn toàn sáng suốt. Theo Phó Thủ tướng, một loạt vấn đề nếu chúng ta chỉ xử lý trước mắt mà không tính lâu dài thì sẽ rất khó. Mà tính lâu dài thì cần phải bàn kỹ, thấu đáo và lấy ý kiến đông đảo của các đối tượng trong xã hội. Mặt khác, có một số vấn đề liên quan đến nguyên tắc của GD nếu không quán triệt thì sau này rất vướng. Do đó, chúng ta cần có thời gian để xác định nguyên lý lâu dài.

Làm rõ vấn đề tự chủ ĐH

Về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GD ĐH, tiếp thu ý kiến đại biểu về việc làm rõ nội dung tự chủ, Dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng làm rõ khái niệm tự chủ là quyền được tự xác định mục tiêu và lựa chọn cách thức thực hiện mục tiêu; tự quyết định và có trách nhiệm giải trình về các hoạt động chuyên môn, tổ chức và nhân sự, tài chính, tài sản và các hoạt động khác trên cơ sở quy định của pháp luật và năng lực của cơ sở GDĐH.

Đồng thời, chỉnh sửa nội dung Điều 32 về quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở GDĐH theo hướng: Nêu rõ các điều kiện để được tự chủ; cụ thể hóa các nội dung tự chủ về chuyên môn học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính và tài sản cũng như chi tiết hóa nội dung về trách nhiệm giải trình và yêu cầu đặt ra đối với cơ sở GDĐH khi thực hiện tự chủ.

Liên quan đến trách nhiệm giải trình, Dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định chi tiết các nội dung mà nhà trường phải thực hiện công khai, minh bạch với người học, xã hội, cơ quan quản lý và các bên có lợi ích liên quan, đặc biệt là trách nhiệm thực hiện kiểm toán độc lập về tài chính, thực hiện công khai về chất lượng, công khai mức học phí, các khoản thu dịch vụ của nhà trường cũng như chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu không thực hiện các quy định, cam kết bảo đảm chất lượng hoạt động.

Phát biểu tại buổi họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: Dự án Luật này đã nhận được sự đồng tình cao, đồng thời giải quyết các nhu cầu bức thiết, trong đó cần tập trung vào tự chủ ĐH, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong trường ĐH. Một số điểm mà các đại biểu góp ý như: Định nghĩa về ĐH, trường ĐH, học viện, Hội đồng trường... Ban soạn thảo sẽ tiếp tục tiếp thu và hoàn thiện.

Dự án Luật GD đại học nhận được sự đồng tình cao
 Dự án Luật GD đại học nhận được sự đồng tình cao

Trước một số ý kiến còn băn khoăn về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GD ĐH, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao đổi: Không nên quy định có hay không thu thuế doanh nghiệp trường tư thục không vì lợi nhuận trong Dự án Luật này. Sắp tới Luật Doanh nghiệp sửa đổi thì những quan điểm phi lợi nhuận sẽ quy định ở Luật Thuế. Theo Chủ tịch Quốc hội, vẫn phải xác định trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với các đơn vị công lập tự chủ về tài chính, còn các đơn vị tư thục thì quản lý theo quy định của pháp luật.

Đặt vấn đề có nên quy định trần học phí hay không khi mà đơn vị đó tự chủ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhìn nhận: Nếu trường quy định học phí quá cao thì chẳng ai đến học, nhưng nếu chất lượng tốt thì dù học phí cao vẫn có người đến học. Do đó nên để chất lượng quyết định mức học phí và giao việc tự chủ cho các trường.

Còn bổ nhiệm và nhiệm kỳ chức danh của hiệu trưởng, nên thống nhất giao cho Hội đồng trường nhưng vẫn phải trình cấp có thẩm quyền quyết định phê duyệt. Đồng thời, không nên cứng nhắc quy định về nhiệm kỳ và tái bổ nhiệm của hiệu trưởng. Luật cũng nên quy định thông thoáng hơn về vấn này. Cùng với đó cần thống nhất sử dụng khái niệm tên gọi: Trường ĐH, học viện, ĐH để phù hợp với tiếng Việt và khi dịch ra tiếng Anh.

Cần có giải pháp căn cơ

Kết luận buổi họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Ban soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra tiếp thu những vấn đề mà UBTVQH đã cho ý kiến và ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội về Dự án Luật GD (sửa đổi). Đồng thời hoàn thiện thêm hồ sơ và có báo cáo tác động của Dự án Luật khi có chủ trương sửa toàn diện. Mặt khác cần rà soát Dự án Luật này để thống nhất với các luật khác.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, Luật GD (sửa đổi) cần đạt được yêu cầu cao đó là, tạo hành lang pháp lý cho phát triển GD nước ta, vừa phải kế thừa phát huy những thành tựu to lớn của GD Việt Nam trong những năm vừa qua. Đồng thời đảm bảo được yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD theo Nghị quyết 29. Ban soạn thảo cần nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến đóng góp của chuyên gia, cần có rà soát, đánh giá thấu đáo và cần có giải pháp căn cơ, chặt chẽ các giải pháp cả trước mắt và lâu dài.

Nhất trí với việc lùi thời hạn thông qua Dự án Luật GD (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định: Tại Kỳ họp thứ 6 tới đây, Dự án Luật này vẫn được báo cáo trước Quốc hội để các đại biểu thảo luận nhằm tiếp tục hoàn thiện vào các kỳ họp sau. UBTVQH giao cho Chính phủ nghiên cứu, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, các ý kiến chuyên gia, nhà quản lý để trình Quốc hội nhằm tạo sự đồng thuận cao. Riêng đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GD ĐH, UBTVQH thống nhất trình Dự án Luật này trước Kỳ họp thứ 6 để thông qua.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ