Chủ trì Hội nghị có ông Đỗ Văn Bình, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Hải Phòng, đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng cùng đại diện Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đại diện Bộ GD&ĐT, các cơ quan hữu quan, cùng đông đảo các chuyên gia trong lĩnh vực GD.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Đỗ Văn Bình nhấn mạnh, mục đích của Hội nghị là nhằm thu thập các ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà giáo, nhà quản lý trong lĩnh vực GD-ĐT và các cơ quan hữu quan nhằm hoàn thiện dự thảo Luật GD ĐH. Hội nghị tập trung vào 10 vấn đề: Sự cần thiết và phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật; về cơ sở GD ĐH; về tự chủ ĐH, về cơ cấu tổ chức và quản trị ĐH; về đào tạo nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế; về tài chính và tài sản; về phát triển đại học tư thục; về giảng viên và người học, về quản lý Nhà nước về GD ĐH; về kỹ thuật văn bản.
Ông Đặng Quốc Việt - Phó Vụ trưởng Vụ GD ĐH (Bộ GD&ĐT), thành viên Ban soạn thảo - cho hay, dự thảo Luật đã bao quát hầu hết các vấn đề cần sửa đổi, bổ sung đối với Luật GD ĐH năm 2012; các nội dung này đã được tích hợp trong 4 chính sách cần sửa đổi, bổ sung của dự án Luật.
Do vậy, cơ quan soạn thảo đề xuất được giữ tên của dự thảo Luật như đã được phê duyệt tại Nghị quyết số 34/2017/QH14 là: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GD ĐH nhằm giải quyết một số vấn đề bức xúc và vướng mắc của GD ĐH hiện nay. Một trong những vấn đề đang được dư luận quan tâm là vấn đề tự chủ ĐH trong dự thảo Luật.
Tại Hội nghị, các ý kiến đều đánh giá cao quá trình đổi mới trong dự thảo Luật GD ĐH và sự cần thiết sửa đổi Luật GD ĐH. Việc trao quyền tự chủ phù hợp với xu thế quốc tế. Vấn đề chúng ta cần hiểu tự chủ sao cho đúng. Nếu các trường ĐH không tự chủ được về học thuật thì không tự chủ về tài chính được.