Đây là nội dung nằm trong chương trình Hội nghị tham gia ý kiến các dự án Luật trình Quốc hội thông qua và cho ý kiến kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV của Hội đồng dân tộc diễn ra trong 2 ngày 20 và 21/9.
Tham dự có ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cùng nhiều đại biểu Quốc hội và đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT Bà Rịa-Vũng Tàu, Sở GD&ĐT tỉnh Trà Vinh, Ban nghiên cứu GD Dân tộc-Viện Khoa học Giáo dục.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc chia sẻ ý kiến tại buổi lấy ý kiến |
Mở đầu buổi góp ý, đại diện Vụ Pháp chế Bộ GD&ĐT đã trình bày những nội dung lớn trong Luật GD sửa đổi. Theo đó, cấu trúc Luật GD sửa đổi kế thừa cấu trúc, phù hợp với Luật GD hiện hành, có sự sắp xếp các điều, chương, mục phù hợp hơn. Dự thảo Luật: 10 chương, 119 điều, trong đó sửa đổi bổ sung 70 điểu, tăng 34 điều so với dự thảo đã trình Quốc hội ở kỳ họp thứ 5.
Cụ thể tập trung các vấn đề như: Không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục; và chính sách nâng chuẩn trình độ được đào tạo đối với giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm… và kèm theo báo cáo tác động; vấn đề Tín dụng sư phạm; chính sách cử tuyển sửa đổi bổ sung theo hướng thu hẹp đối tượng cử tuyển chỉ dành riêng chỉ tiêu cho những dân tộc thiểu số rất ít người, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn...
Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chia sẻ ý kiến |
Tại đây, đa số các đại biểu đều đồng tình với những vấn đề quan trọng trong Luật GD sửa đổi, đồng thời cũng có những góp ý cụ thể đến các vấn đề như: cần điều chỉnh phù hợp, đồng nhất hơn trong việc sử dụng từ ngữ, giải thích từ ngữ, định nghĩa, cần giữ chính sách cử tuyển; tín dụng giáo dục cần giao cho địa phương, quy định các hành vi người học không được làm cần bao quát hơn…
Đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Phúc, Đoàn ĐB tỉnh Bình Thuận bày tỏ sự ủng hộ và đồng tình về chương trình GDPT đổi mới và vấn đề về SGK, cụ thể 1 chương trình nhiều SGK.
Theo bà Phúc, hiện nay ngành GD đang thực hiện phương pháp dạy học tích cực, hướng đến việc đi dạy không chỉ là truyền đạt kiến thức bám sát SGK mà dạy học qua thực hành, trải nghiệm thực tế… vận dụng kiến thức phát triển năng lực cho HS.
Với việc một khung chương trình nhiều SGK, các địa phương sẽ chủ động lựa chọn SGK phù hợp, tổ chức linh hoạt theo điều kiện của địa phương. Đảm bảo được cơ chế thị trưởng, SGK nào in tốt, chất lượng phụ huynh sẽ lựa chọn.
Tham gia ý kiến, ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu bày tỏ sự tán thành và ủng hộ miễn học phí trẻ MN 5 tuổi và học sinh THCS và việc nâng chuẩn trình độ GV mầm non. Theo ông Giang, việc nâng chuẩn phải căn cứ vào thực tế cần có lộ trình thực hiện và song song với đó cần quan tâm đặc biệt đến chế độ chính sách cho GVMN đúng với vai trò của cấp học này được thể hiện trong Luật.
Đại biểu chia sẻ ý kiến tại buổi góp ý |
Các đại biểu đánh giá cao ban soạn thảo dự thảo luật đã quan tâm, bổ sung những chính sách mới, phù hợp.
Phát biểu tại buổi góp ý, đại diện Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng, vẫn còn thời gian để các đại biểu nghiên cứu kĩ và có những đóng hữu ích góp cho ban soạn thảo Luật GD sửa đổi hoàn thiện thêm.
Tại buổi góp ý, ngoài việc tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cũng có những giải thích, giải trình thêm để các đại biểu nắm rõ.
Theo đó, quan điểm soạn thảo Luật của Bộ GD&ĐT nhằm mục tiêu thể chế hóa các chủ trương chính sách, Đảng Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết 29; Cụ thể hóa Hiến pháp; khắc phuc tồn tại khó khăn bất cập trong quá trình thực hiện Luật GD; Xây dựng Luật khung, để từ đó triển khai những dự luật tiếp theo...
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ tiếp thu ý kiến của các đại biể và giải trình để các đại biểu hiểu rõ hơn về một số vấn đề quan trọng trong Luật Giáo dục (sửa đổi) |
Đơn cử như về vấn đề được các đại biểu quan tâm là SGK mới. Về vấn đề này Luật căn cứ vào Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.
Về miễn phí học phí THCS cho tất cả người học, nâng cao chuẩn trình độ GV…, đây đều là những vấn đề cụ thể hóa nội dung trong Nghị quyết 29 -NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT…
Ban soạn thảo dự thảo Luật đã đánh giá tình hình thực tiễn, xác định phương thức đào tạo, lộ trình thực hiện việc nâng chuẩn GV.