Lừa cấp học bổng, đa cấp bao vây sinh viên

GD&TĐ - Sinh viên liên lạc với gia đình đề nghị chuyển một khoản tiền lớn để hội đủ điều kiện nhận học bổng toàn phần của nhà trường. Thế nhưng khi phụ huynh liên hệ, trường cho biết không có hình thức học bổng như thế…

HUFLIT - nơi có phụ huynh vừa phản ánh. Ảnh: Như Ý
HUFLIT - nơi có phụ huynh vừa phản ánh. Ảnh: Như Ý

“Trúng tuyển học bổng toàn phần chương trình đào tạo đặc biệt”

Ngày 20/5, ông Đinh Hồng Vân - Trưởng phòng Chính trị - Công tác sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ Tin học TPHCM (HUFLIT) thông tin: Nhà trường đã tiếp nhận phản ánh của một phụ huynh về việc nghi ngờ có đơn vị mạo danh nhà trường để lừa đảo liên quan đến việc cấp học bổng toàn phần cho sinh viên của trường.

Cụ thể, phụ huynh này nhận được thông báo con (SV năm nhất Khoa Ngoại ngữ) trúng tuyển học bổng toàn phần chương trình đào tạo đặc biệt của HUFLIT (có sử dụng tên, logo trường nhưng không có người ký và dấu).

Các thông báo này có kết quả xét tuyển, thời gian và địa điểm nhập học, không đề cập đến chuyện tiền bạc hay công ty bên ngoài. Tuy nhiên, giấy báo ghi chú “mọi thắc mắc vui lòng liên hệ trưởng phòng kinh doanh công ty”.

Sinh viên này liên lạc yêu cầu gia đình gửi 150 triệu đồng để chứng minh tài chính mới nhận được suất học bổng trên. Tuy nhiên, SV này nói không phải nộp cho nhà trường mà nộp cho công ty V. (đơn vị liên kết mà SV này đang đi làm thêm).

Thấy có dấu hiệu đáng ngờ, phụ huynh liên hệ mới biết trường không có học bổng nào như vậy, cũng như không quy định chứng minh tài chính trước khi nhận được học bổng. Phụ huynh tìm thông tin công ty mà con yêu cầu chuyển khoản thì đây là một công ty đa cấp.

Sau khi nhận được thông tin từ phụ huynh, ông Đinh Hồng Vân cho hay: Nhà trường đã liên lạc với sinh viên để trao đổi trực tiếp nhưng em chưa lên trường và cũng không gặp cha mẹ mà chỉ nhắn tin. Đại diện Phòng Chính trị và Công tác sinh viên HUFLIT đặt ra giả thuyết: Có thể sinh viên dính vào đường dây đa cấp hoặc vì lý do nào đó buộc phải mạo danh, nói dối cha mẹ. Chúng tôi đã cố liên lạc với sinh viên để xác minh cụ thể. Trong trường hợp cần thiết, trường sẽ nhờ cơ quan chức năng can thiệp, bởi từng có trường hợp sinh viên bị công ty đa cấp giam lỏng.

Một góc tòa nhà trung tâm HCMUTE. Ảnh: CTV
 Một góc tòa nhà trung tâm HCMUTE. Ảnh: CTV

Du học hay bán hàng đa cấp?

Chuyện lừa nhận học bổng từng xảy ra ở một số trường khác. Theo một cán bộ Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE), trường cũng từng xôn xao chuyện một số sinh viên nói với gia đình có học bổng du học và xin số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng để làm hồ sơ, sau đó “biến mất”. Gia đình nghi đi bán hàng đa cấp.

Cụ thể, bà N.T.L. (phụ huynh ở Bình Thuận) phản ánh với nhà trường việc nhiều ngày bà không liên lạc được với con là sinh viên K19 thuộc Khoa Điện - Điện tử HCMUTE. Bên cạnh đó, bà L. cho biết, con trai về nhà và báo tin vừa trúng tuyển chương trình “học bổng khủng” du học Canada trị giá 80.000 USD/4 năm, trong khi học phí thực tế của chương trình gần 100.000 USD/năm, nên sinh viên phải đóng khoản chênh lệch hơn 18.000 USD. Do vậy, con bà xin thêm hơn 400 triệu đồng để làm hồ sơ đi học nước ngoài.

Sau đó, bà L. tìm hiểu thông tin về chương trình học bổng này và thấy đúng là có. Tuy nhiên, theo lời bà L., việc con có trúng tuyển chương trình học bổng này hay không, bản thân không kiểm tra được. Con bà mang thư của trường đề cử nhận học bổng, nhưng không cho bà mượn giấy tờ để kiểm tra vì phải bảo mật thông tin. Bà chạy khắp nơi mượn tiền gom chỉ được 110 triệu đồng chuyển vào tài khoản của con để làm thủ tục.

Sau đó, con bà bảo do phải kéo dài thời gian làm visa nên yêu cầu phải có đủ 420 triệu đồng… Sau khi chuyển tiền, bà L. gọi điện thoại vào trường để hỏi thông tin mới biết không có chương trình học này. Bà liên lạc với ngân hàng để yêu cầu đóng tài khoản, nhưng toàn bộ số tiền đã bị rút sạch. Bà L. nhiều lần gọi điện, nhắn tin cho con trai đều không được. Vài ngày sau, SV này gọi qua Zalo và nói: “Con xin lỗi mẹ và xin mượn số tiền này để đi tạo dựng tương lai”.

Theo ông Đặng Hữu Khanh - Phó Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác SV HCMUTE, khi gia đình gọi lên hỏi thăm trường hợp SV này có đi học, đi thi thì thời điểm này SV đã nghỉ học. Đồng thời, phía gia đình có nhắn tin qua lại được với SV nhưng không biết đang ở đâu. Sau đó, gia đình đoán là SV này đang bán hàng đa cấp.

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng - nguyên Hiệu trưởng HCMUTE, trường cũng đã xảy ra một vài trường hợp tương tự. Nhà trường đã ra thông cáo báo chí không có chương trình liên kết như vậy. Qua các sự việc trên, có thể thấy việc lừa gia đình đóng tiền du học xảy ra thường xuyên. Có thể có nhóm người lừa sinh viên vào đường dây bán hàng đa cấp và chuẩn bị kịch bản giống nhau. Nhà trường cũng tiến hành một số biện pháp, nhưng không ngăn chặn được việc này.

TS Bùi Kim Hiếu - Trưởng khoa Luật HUFLIT cho rằng: Trường hợp lừa cấp học bổng hay trúng thưởng, đối tượng lừa có thể tìm hiểu và nắm rõ thông tin về SV thông qua dữ liệu thu thập được, đồng thời, đánh vào tâm lý nhẹ dạ cả tin và hám lợi của một số người. Do đó khi số điện thoại lạ gọi có dấu hiệu nghi vấn, phụ huynh, sinh viên nên báo với công an để được hỗ trợ.

- Sinh viên cảnh giác với các quỹ học bổng không rõ nguồn gốc, và nên liên lạc với nhà trường khi có khả nghi.
- Khuyến cáo phụ huynh nên liên lạc với nhà trường trước khi chuyển tiền. Nhà trường công khai đường dây nóng của nhà trường.
- Sinh viên không tham gia các hoạt động liên quan tới đa cấp.
TS Trần Thanh Thưởng - Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác SV, HCMUTE

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ