Lớp học "xóa mù" giữa lòng đô thị

GD&TĐ - Giữa lòng TPHCM sầm uất, có một lớp học tình thương hơn 15 năm nay bền bỉ dạy chữ cho trẻ em hoàn cảnh khó khăn, giúp nhiều em nhỏ và người dân nghèo không có điều kiện học tập biết đến con chữ, phép tính.

Anh Trần Lâm Thắng dạy các em học sinh đang học lớp 4 tại lớp học tình thương.
Anh Trần Lâm Thắng dạy các em học sinh đang học lớp 4 tại lớp học tình thương.

Ngày làm thuê, đêm tìm đến con chữ

Hơn 1 tháng nay, anh Lâm Vũ Luân (sinh năm 1996) người dân tộc Khmer quê ở Sóc Trăng nhờ theo học tại lớp học tình thương tại khu phố Long Bửu, phường Long Bình (thành phố Thủ Đức, TPHCM) mà đã bắt đầu biết đến các con chữ, phép tính. Theo như chia sẻ của anh Luân, từ sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, anh từ quê lên thành phố Thủ Đức làm công nhân. Tại đây, biết hoàn cảnh của anh, một người quen đã giới thiệu tới lớp học tình thương để đăng ký học. Từ khi theo học tại lớp học tình thương, ban ngày đi làm, nhưng đều đặn 17 giờ 45 phút anh Luân đã có mặt tại lớp.

Anh Luân tâm sự: “Vì gia đình không có điều kiện nên từ nhỏ tôi không được tới trường như bao bạn bè khác. Vì vậy, khi đăng ký tại lớp học này, hàng ngày tan làm tôi đều cố gắng về đúng giờ học. Được đi học, biết đọc, biết tính toán, bản thân thấy vui lắm. Gia đình khi biết tin cũng rất ủng hộ, khuyên tôi nên tranh thủ thời gian buổi tối để theo học. Nhờ có thầy cô nhiệt tình chỉ dạy mà tôi giờ đã biết đọc, biết viết. Các thầy cô ở đây rất nhiệt tình, luôn sẵn sàng giúp đỡ tôi và các bạn trong lớp học”.

Đầu tháng 3/2022, khi tình hình dịch Covid-19 tại TPHCM được kiểm soát cũng là lúc lớp học tình thương tại khu phố Long Bửu hoạt động trở lại. Hiện tại, lớp học đặc biệt này đang có 70 học sinh theo học từ lớp 1 - 4. Phạm Ngọc Nhâm (sinh viên năm nhất Trường Đại học Giao thông Vận tải), tình nguyện viên đang giảng dạy cho biết: “Hiện tại, lớp học tình thương không có học sinh theo học lớp 5, bởi vì sau đợt dịch thứ tư các em đã cùng gia đình về quê sinh sống không trở lên lại, một số theo cha mẹ đi mưu sinh nơi khác. Lớp cũng đã liên hệ và đến tận các khu trọ theo địa chỉ trước đây đăng ký học, nhưng hiện tại gia đình các em đều không còn ở đó”.

Được biết, riêng đối với lớp 1 tại lớp học tình thương này, học sinh được chia thành 2 nhóm lớp riêng biệt. Một lớp 1 tiếp thu nhanh và một lớp 1 đặc biệt. Sở dĩ gọi là lớp học đặc biệt vì ngoài những học sinh lớn tuổi như Lâm Vũ Luân, thì có nhiều em học sinh bị thiểu năng trí tuệ, tự kỷ, tăng động... Một số khác mới theo cha mẹ ở quê đến thành phố mưu sinh không có đủ giấy tờ học các trường công lập.

Ngô Tú Quân (sinh viên năm 3, Trường Đại học Giao thông Vận tải) trực tiếp giảng dạy tại lớp 1 đặc biệt cho biết: “Lớp học đặc biệt vẫn có mục tiêu như các lớp khác, nhưng do khả năng tiếp thu của các em nên chậm hơn. Vì vậy, có một số học sinh học đến hơn 3 năm lớp 1 mới lên lớp 2. Đối với trường hợp anh Luân mặc dù lớn tuổi và công việc vất vả, nhưng bù lại anh lại rất chăm chỉ, cố gắng. Anh gần như không nghỉ bất cứ buổi học nào. Hiện tại, anh Luân đã đọc và biết viết chữ. Thậm chí, mấy hôm nay anh còn biết nhắn tin điện thoại để hỏi thông tin về lịch học”.

Sinh viên Trường Đại học Giao thông Vận tải luôn kèm cặp, hướng dẫn các em học sinh.
Sinh viên Trường Đại học Giao thông Vận tải luôn kèm cặp, hướng dẫn các em học sinh.

Lớp học của trẻ em nghèo

Khoảng 15 năm trở về trước, Khu phố Long Bửu là địa bàn có nhiều hộ gia đình khó khăn và đông trẻ em. Hầu hết, các em nhỏ ở khu phố này đều là con em của người dân lao động nghèo. Nhiều em bỏ học từ sớm hay chưa từng đến trường do cuộc sống quá khó khăn. Ban ngày, có em phụ cha mẹ bán báo, bán vé số, ban đêm làm lò gạch để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Từ thực tế đó, năm 2010 anh Trần Lâm Thắng đã đề xuất Đoàn phường Long Bình thành lập lớp học đặc biệt này.

Đến nay, lớp học ngoài một số ít người dân từ các địa phương lên thành phố Thủ Đức làm ăn, sinh sống, đa phần các em nhỏ đều theo cha mẹ đến đây mưu sinh. Do hoàn cảnh gia đình nên những đứa trẻ này không có điều kiện đến học tại các trường công lập. Ở lớp học đặc biệt này, thầy cô giảng dạy là anh Thắng và các bạn sinh viên Trường Đại học Giao thông Vận tải. Riêng anh Thắng ban ngày đi làm tại một công ty trên địa bàn thành phố Thủ Đức, chiều tối lại về dạy cho các em ở lớp học tình thương và làm bảo vệ khu phố để kiếm tiền đóng tiền điện, nước cho lớp học.

Suốt 12 năm qua, đều đặn từ 18 giờ đến 20 giờ 30 phút từ thứ 2 - 7 hàng tuần, anh Thắng cùng các bạn sinh viên tình nguyện lại thay nhau đến lớp dạy chữ cho học sinh, tỉ mỉ hướng dẫn những đứa trẻ viết từng con chữ, làm từng phép toán. Mặc dù cơ sở vật chất còn hạn chế, ban ngày các em phải ở nhà phụ giúp gia đình hay một số phải đi làm công nhân ở các công ty để kiếm sống nhưng lớp học luôn diễn ra đúng giờ.

Ở lớp, mỗi học sinh là một câu chuyện, một hoàn cảnh đáng thương. Xuất phát điểm các em đều là những đứa trẻ khó dạy, không học hành, nhiều em không có trọn vẹn tình thương gia đình, nhưng đến với lớp, tất cả đều lễ phép, ngoan ngoãn. Ngoài học văn hóa, các em còn được dạy kỹ năng sống để tự bảo vệ bản thân như chống xâm hại tình dục, ma túy, bạo lực gia đình…

“Mỗi khi lên lớp, thấy học sinh đến lớp đầy đủ, tíu tít chào, vào giờ học lại say sưa với con chữ, bao mệt mỏi trong tôi như tan biến. Bản thân luôn mong rằng sau khi hoàn thành chương trình tiểu học ở lớp học tình thương này, các em sẽ tiếp tục học lên để có một tương lai sáng…”, anh Thắng tâm sự.

Cũng theo chia sẻ của anh Thắng, với hiệu quả đạt được, lớp học đã liên kết với Trường Tiểu học Long Bình (phường Long Bình, TP Thủ Đức) để cuối học kỳ, lớp học sẽ lấy đề kiểm tra của trường về tổ chức cho các em thi. Sách giáo khoa của lớp cũng được dạy theo sách của trường. Thậm chí, những em học yếu tại trường cũng được gửi về lớp để các tình nguyện viên kèm cặp. Những em học hết lớp 5 sẽ được chứng nhận hoàn thành tiểu học để tiếp tục theo học lên các khối lớp khác.

Em Lê Thị Mỹ Ngọc, học sinh đang theo học lớp 4 tại lớp học tình thương nói: “Từ khi vào học tại đây mọi dụng cụ học tập, sách, vở và đồng phục đều được các thầy cô vận động mạnh thường quân hỗ trợ. Các thầy cô dạy dỗ chúng em rất ân cần, đem đến cho chúng em nhiều kiến thức bổ ích. Em chỉ ao ước sau khi học hết lớp 5 có thể được đến trường để tiếp tục học tập lên cao hơn”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ