Dạy học trực tiếp theo từng nhóm nhỏ
Năm học 2021 - 2022 diễn ra trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Trước tình hình trên, Sở GD&ĐT Kon Tum đã triển khai nhiều phương án, hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện nhằm đảm bảo công tác dạy và học.
Căn cứ vào tình hình dịch bệnh, Trường Tiểu học Đặng Trần Côn (xã Ngọc Bay, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) tổ chức cho học sinh học trực tiếp, nhưng phân chia theo nhóm nhỏ ở từng thôn.
Cô Đậu Thị Lan, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường có 479 học sinh, 100% là người dân tộc thiểu số. Trong đó do ảnh hưởng của dịch bệnh nên 1 học sinh của trường đang mắc kẹt tại Đắk Lắk, còn 2 em học sinh ở Gia Lai đang học tạm tại trường.
Theo cô Lan, học sinh của trường đa phần có hoàn cảnh khó khăn, do đó không đủ các trang thiết bị kĩ thuật, đáp ứng việc học trực tuyến. Chính vì vậy, nhà trường đã tổ chức cho học sinh học trực tiếp, tuy nhiên tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
“Trước đây, các em tập trung học ở điểm trường chính và một số điểm lẻ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên nhà trường mượn thêm 2 nhà rông và 1 trường mầm non để giáo viên vào tận thôn, làng giảng dạy cho học sinh. Để đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh, nhà trường chia nhóm nhỏ từ 8 - 12 em. Tại các điểm nhỏ này trước khi vào lớp giáo viên và học sinh đều phải đeo khẩu trang, đo thân nhiệt và sát khuẩn kĩ lưỡng”, cô Lan nói.
Để đảm bảo công tác dạy và học, trước khi bước vào năm học mới, nhà trường đã tham mưu chính quyền địa phương, phối hợp với Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên xã vận chuyển bàn ghế từ điểm chính vào các nhà rông. Bên cạnh đó, làm nhà vệ sinh tạm để giáo viên và học sinh sử dụng.
“Tổ chức học trực tiếp, giáo viên và học sinh có thể tương tác qua lại. Mỗi lớp vài em nên giáo viên có thể quan tâm và chỉ dạy cho từng học sinh. Nhờ vậy, việc tiếp thu kiến thức của học sinh được đảm bảo. Tuy nhiên, trường cũng gặp không ít khó khăn khi trang thiết bị dạy học không đảm bảo và học sinh không học đủ các buổi trong tuần. Bởi có những lớp chỉ học được 3 buổi/tuần. Để học sinh theo kịp kiến thức, nhà trường ưu tiên giảng dạy môn Toán, Tiếng Việt và Tiếng Anh. Bên cạnh đó, giáo viên phối hợp với cán bộ thôn, phụ huynh giao bài tập về nhà cho các em”, cô Lan chia sẻ.
Nhà rông trở thành lớp học
Trong căn nhà rông với chi chít những lỗ hổng ở thôn Măng La Klah (xã Ngọc Bay), 26 học sinh của lớp 1 và lớp 4 quay lưng lại với nhau để học con chữ. Phía bên trái, cô Phạm Thị Huyền đang hướng dẫn cho học sinh 1 làm quen với những con số của môn Toán. Còn bên phải cô Nguyễn Thị Ngọc Hương giảng dạy cho học sinh môn Tiếng Việt.
Cô Phạm Thị Huyền chia sẻ: Lớp học được bố trí ở nhà rông trong thôn giúp quãng đường học sinh đến lớp ngắn hơn. Bên cạnh đó, học sinh ít đồng nghĩa với việc giáo viên có thời gian quan tâm, giải đáp thắc mắc cho từng em. Tuy nhiên, cơ sở vật chất lại không được đảm bảo, thiết bị phục vụ cho việc học cũng thiếu thốn.
Tương tự, cô Nguyễn Thị Ngọc Hương tâm sự: Nhà rông này chỉ có một chiếc bảng lớn. Tuy nhiên, học sinh lớp 4 nhường lại cho các em lớp 1. Chính vì vậy, trong buổi học cô đến mỗi bàn để hướng dẫn cho từng em. Bên cạnh đó, để tránh mất SGK sau khi tan học, GV thường gom sách vở của học sinh mang về, đến buổi dạy lại phát cho từng em.
“Mấy ngày nay trời mưa rả rích nên những bậc cầu thang lên nhà rông trơn trượt. Còn vài ngày trước mỗi buổi trưa cô trò lại chịu cảnh nắng nóng. Tuy nhiên, cô trò cố gắng động viên nhau vượt qua khó khăn để có thể tiếp tục học tập”, cô Hương cho hay.
Cách đó không xa, cô Nguyễn Thị Hường đang giảng dạy cho 12 em học sinh lớp 3 tại nhà rông thôn Plei Lech. Cô Hường cho biết: Đây là nơi học tập của 40 học sinh. Các em chia thành 4 nhóm, 2 nhóm học vào thứ 2, 4, 6. Còn 2 nhóm học vào thứ 3, 5, 7.
Em Y Linh Sam (học sinh lớp 3) cho biết: “Được đi học, gặp thầy cô bạn bè em rất vui và hạnh phúc. Em hy vọng rằng dịch bệnh sẽ sớm kết thúc để chúng em có thể đến trường học bình thường không phải học trong nhà rông nữa”.
Không chỉ tại TP Kon Tum, ở Trường Tiểu học và THCS Đăk Nhoong (huyện Đăk Glei) có tổng cộng 388 học sinh với 2 điểm trường chính và 2 điểm lẻ. Tuy nhiên, trong thời gian này, 24 giáo viên của trường được phân công đến 21 điểm để giảng dạy cho học sinh. Nhà trường cũng tận dụng mượn nhà rông của thôn, làng để làm chỗ dạy học.
Thầy Lê Hải Lâm, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đăk Glei cho biết: Do học sinh trên địa bàn còn nhiều khó khăn, ở những vùng sâu điều kiện đường truyền kém nên khó triển khai việc học trực tuyến. Để đảm bảo kiến thức cũng như an toàn cho các em, ngành Giáo dục đang triển khai việc dạy học trực tiếp nhưng phân chia theo từng nhóm nhỏ, mỗi lớp dưới 10 học sinh. Riêng bậc mầm non giáo viên đến hướng dẫn cho học sinh tại nhà.