Lớp 2 của thầy Tráng A Dinh ở bản Phú Ôn, xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa, Tỉnh Điện Biên |
Lớp học tạm bợ
Vượt 10km đường rừng, chúng tôi có mặt ở điểm trường Phú Ôn, xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa, Tỉnh Điện Biên vào lúc 9 giờ 30 phút. Đến đầu bản đã nghe vang lên tiếng đọc bài của các em: “Trường mới của em xây trên nền ngôi trường cũ lợp lá. Nhìn từ xa, những mảng tường vàng, ngói đỏ như những cánh hoa lấp ló trong cây...” (Tiếng Việt lớp 2, bài của: Ngô Quân Miện) vào đến lớp học, thật bàng hoàng như không tin ở mắt mình.
Ngay bên cạnh lớp học của thầy là chuồng lợn, đống phân trâu, bò, dê...bốc mùi nghẹt thở |
Dưới gầm sàn chằng chịt màng nhện, bụi thóc phơi ở trên sàn mù mịt. Thầy Tráng A Dinh đang lom khom chỉ dẫn cho các em đọc yếu, chỉ ngẩng đầu lên là chạm vào sàn nhà, ngay bên cạnh là chuồng lợn, đống phân trâu, bò, dê...bốc mùi nghẹt thở, cố gắng lắm không để nôn oẹ, tôi chui vào gầm sàn ghi lại những hình ảnh lớp học.
Thầy Dinh với giọng nghẹn ngào: "Thương các em lắm, nhưng không biết làm thế nào! Có gầm sàn để học cũng phải chuyển 2 – 3 chỗ rồi, giá cứ để lớp học nhà lá cũ! Dãy phòng học tạm phá đi để xây trường học kiên cố. Thế mà! Đang đổ mái dở dang thì bỏ từ tháng 3/2010, tường nứt, đổ từng mảng."
Lớp 2 của thầy có 14 em dân tộc Khơ Mú, các em học rất yếu, muốn dạy thêm cho các em vào buổi chiều, nhưng như thế này không dạy lại tốt hơn, thầy nói với tôi khuôn mặt rầu rĩ, xót xa: cứ vài ngày lại 3 – 4 em nghỉ học vì ho, nhức đầu, thầy luôn có lọ thuốc tây trong túi, phòng khi bất ngờ mắc bệnh như các em, không dạy học được. Chỉ đứng ngoài lớp học chừng 10 phút, tôi đã thấy người nôn nao không thể nào chịu được.
Còn đây là lớp của cô Nguyễn Thị Yêu, cô cho biết "các em học thế này chẳng bao lâu nữa mang bệnh tật" |
Chúng tôi sang lớp 1 chỉ cách đó vài nhà. Cô Nguyễn Thị Yêu đang cầm tay nắn từng chữ cho các em học sinh, trong tiếng kêu của dê cột ngay sau lớp, cũng chẳng khác gì với lớp thầy Dinh,
Cô Yêu bảo: các em học thế này chẳng bao lâu nữa mang bệnh tật, cứ cho các em học khoảng 30 phút lại chạy ra thở, ở đây duy nhất chỉ có mùi phân. Lớp cô có 12 em, khi tôi đưa máy ảnh lên chụp các em ngẩng đầu lên nở nụ cười ngây thơ, xong lại cắm nắn nót viết, theo sự chỉ dẫn của cô giáo.
Trước mặt các em là kiến thức, ngay sau lưng các em, tôi không dám nhìn vào đấy lâu. May mắn hơn lớp 1, lớp 2 là lớp mẫu giáo của cô Lạng Thị Minh mới mượn được nhà của dân, lớp thoát được cảnh học gầm sàn, khi gặp chúng tôi chưa nói được câu gì cô đã khóc.
Cô vừa ra trường lên đây công tác được 1 tháng, cô không ngờ mình dạy ở nơi không có lớp học, phải mượn gầm sàn, nhà dân , muốn tổ chức hoạt động vui chơi cho các em không có chỗ, nhưng còn đỡ hơn nhiều so với 2 lớp anh chị trong bản, không thì tội các em quá!
Niềm mong chờ khao khát
Chúng tôi cùng 3 thầy cô lên nhà Phó Chủ tịch HĐND xã Thào Văn Chơ, muốn biết rõ về lớp học bỏ hoang và học sinh chịu cảnh học như thế này. Ông Chơ chính là chủ nhân của gầm sàn cho thầy Dinh mượn để “nuôi chữ” giọng ông đầy bức xúc: Tháng 3/2009 nhận được công văn chỉ đạo của huyện, xã, bà con ai cũng phấn khởi vì sắp có 3 phòng học mới cho con em mình, đã bao năm phải học nhà tranh, vách nứa, 61 hộ gia đình đều nhiệt tình đóng góp 50.000 đồng/hộ cho Doanh nghiệp tư nhân Cường Thịnh, vào san ủi mặt bằng.
Đến tháng 6/2009 bắt đầu khởi công xây, tháng 3/2010 đang đổ mái dở dang thì bỏ, cho đến bây giờ không rõ nguyên nhân, những lớp học hiện nay xuống cấp trầm trọng, nhà bỏ hoang học sinh không có lớp học, giáo viên không có nhà ở dạy xong lại phải ra thị trấn tới 12km.
Trường học đang xây thì bị bỏ dở không rõ nguyên nhân |
Trên đường đi tôi đã thầm khâm phục các thầy cô giáo ở đây, vì con đường đi chỉ cần sơ sểnh là lao xuống vực, nếu trời đổ mưa thì chỉ có thể ngồi lại giữa đường thế mà thầy Dinh, cô Minh, cô Yêu cứ sáng đi sớm, dạy xong lại phải về. Cô Minh chỉ ao ước có chỗ để mà ở lại. Chúng tôi hỏi ông Chơ sao không huy động dân bản làm phòng học tạm cho con em mình, ông bảo: Bà con mất lòng tin rồi, huy động khó lắm! Lại mặt bằng không có, phải san mất rất nhiều công, bà con phản ánh rất nhiều, xã đã kiến nghị lên huyện, mong sao sớm khắc phục, chứ lại năm học thứ 2 dưới gầm sàn rồi! Còn học sinh từ lớp 3 trở lên đi bộ 10km ra trường trung tâm.
Trên đường, chúng tôi cùng 3 thầy cô ra huyện, đi qua những phòng học loang lổ, sắt thép tua tủa đâm lên trời mà thật xót xa, không biết những người tạo ra nó nghĩ gì...?
Phạm Kiên Cường