Nơi xa xôi ấy có hai điểm trường tiểu học và mầm non của địa phương với hơn trăm học sinh đang phải đối mặt với không ít khó khăn.
Bản Ón xa xôi
Khi nghe kể về những lớp học ở bản Ón xa xôi, chúng tôi quyết tâm đến thăm điểm trường này. Trước lúc lên đường, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Lát Mai Xuân Giang bảo: “Từ trung tâm huyện Mường Lát vào tới bản Ón, chừng hơn 20km. Nếu tay lái “cứng” cũng mất hơn một giờ đồng hồ”.
Cung đường từ trung tâm xã vào bản Ón, quả là khó khăn, vất vả. Nhiều đoạn dốc gần như dựng đứng, khúc cua tay áo, khiến chiếc xe cứ chao nghiêng. Một điều khá may mắn là hôm ấy trời nắng to. Nếu phải đi dưới trời mưa trên con đường rừng ấy, có lẽ chúng tôi khó mà tới đích được.
Trên đường đi, Bí thư Đảng ủy xã Tam Chung Lò Thị Thiết cho biết: “Con đường được như vậy là tốt lắm so với hồi năm ngoái rồi. Bởi lẽ, trận lũ lịch sử tràn qua Mường Lát (tháng 9/2018) khiến đường bị sạt lở gần hết. Lúc bấy giờ, người ta muốn ra, hoặc vào bản Ón, chỉ còn cách cắt rừng, lội bộ mà thôi. Sau trận lũ kinh hoàng ấy, các cấp ủy, chính quyền từ xã đến Trung ương đã tập trung chỉ đạo, hỗ trợ kinh phí để khắc phục hậu quả thiên tai. Bây giờ, cung đường này lại đang được tỉnh và huyện tiếp tục đầu tư, nâng cấp, giúp bà con giao thương thuận tiện hơn”.
Bản Ón có 113 hộ dân, với 688 nhân khẩu và chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Theo Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng bản Giàng A Chống, hiện bản Ón mới có 6 hộ thoát nghèo, 6 hộ cận nghèo, còn lại 101 gia đình thuộc diện hộ nghèo. “Bản Ón còn nhiều khó khăn, cuộc sống vất vả lắm. Bà con sống chủ yếu bằng nghề làm nương rẫy, vì không có ruộng để trồng lúa nước”, A Chống nói.
Cũng theo Trưởng bản Giàng A Chống, bản Ón có 96 học sinh bậc tiểu học và 54 cháu đang học trường mầm non. “Ngày trước, hai điểm trường tiểu học và mầm non của bản bị mưa lũ cuốn trôi, hư hỏng hết. Các cháu không có chỗ để học hành, nhà trường phải mượn nhà văn hóa của bản làm nơi dạy học. Bây giờ, trường tiểu học được các tổ chức thiện nguyện xây dựng bằng nhà lắp ghép. Vì thế, con em trong bản và các thầy giáo có thể yên tâm dạy - học ”, A Chống tâm sự.
Mặc dù, bản Ón là địa điểm xa xôi, khó khăn vào diện nhất, nhì ở xã Tam Chung và kể cả huyện Mường Lát, nhưng đã có điện lưới quốc gia. Nhờ đó kinh tế, văn hóa của người dân ở vùng khó khăn này có điều kiện phát triển.
Đến thăm Khu lẻ Tiểu học bản Ón, thầy Lang Văn Long – giáo viên Trường Tiểu học Tam Chung chia sẻ: “Từ khi bản Ón có điện lưới quốc gia, bà con vui lắm. Cuộc sống của bà con đã thay đổi đáng kể, các thầy, cô giáo và học sinh cũng đỡ khó khăn, vất vả”.
Quan sát trong căn phòng của ngôi nhà lắp ghép, tôi thấy các thầy, cô giáo cũng dùng tủ lạnh để chứa thực phẩm dự trữ. Ở ngoài hiên nhà, các thầy để chiếc máy lọc nước uống, cho học sinh dùng rất thuận tiện. Thầy Long nói rằng: “Mấy hôm trời nắng nóng, mỗi buổi đi học về, các em lại xuống mó nước gần trường uống lạnh. Nhìn thấy học sinh uống nước ở dưới mó, tôi không yên tâm, nên đã về trường chính, đề nghị Ban Giám hiệu cấp cho điểm trường chiếc máy lọc nước. Từ khi lắp đặt, học sinh thoải mái được uống nước sạch”.
Trường xây dang dở
Trong lúc trò chuyện với tôi, anh Giàng A Chống – Trưởng bản Ón chỉ tay về phía ngôi trường mầm non đang xây dựng dang dở, cho hay: “Ngôi trường ấy xây dựng mấy năm rồi, mà đã hoàn thiện được đâu. 54 cháu đang học trong 3 lớp, nhưng chưa đủ bàn ghế. Có ba cô giáo dạy học sinh ở đó và cũng chưa có chỗ ngủ. Tối đến, các cô phải lên ngủ nhờ phòng của các thầy giáo ở điểm trường tiểu học. Cũng may, khu Trường Tiểu học bản Ón được xây dựng nhà lắp ghép, lại nằm sát với Đội Liên ngành của Đồn Biên phòng, nên các cô giáo cũng an tâm hơn”.
Bí thư Đảng ủy xã Tam Chung Lò Thị Thiết bày tỏ: Điều trăn trở nhất là công trình chưa được hoàn thiện, bàn giao để đưa vào sử dụng. Thế nhưng, vì không có chỗ nào cho các cháu học, nên đành phải đánh liều vào học tạm.
“Được biết, đơn vị liên quan đã có kế hoạch hoàn thiện công trình, để bàn giao, đưa vào sử dụng. Có lẽ, cũng do điều kiện đường sá đi lại khó khăn, làm ảnh hưởng đến việc vận chuyển vật liệu xây dựng vào đây, nên mới chậm so với quy định như vậy. Địa phương và nhà trường cũng mong muốn các cơ quan chức năng cấp trên đôn đốc nhà thầu hoàn thiện công trình càng sớm càng tốt, để cô, trò ở đây yên tâm dạy và học”, Bí thư Thiết bộc bạch.
Ba lớp học mầm non ở bản Ón có tất thảy 54 học sinh với ba cô giáo ở xuôi lên đây cắm bản. Nhìn vào lớp học, chúng tôi không khỏi ái ngại, bởi điều kiện dạy và học vô cùng khó khăn, thiếu thốn.
Cô Nguyễn Thị Nhàn - Trưởng khu Mầm non bản Ón, cho biết: Do trường chưa hoàn thiện, học sinh và giáo viên thiếu cả đồ dùng học tập. Cũng vì không có phòng học, dù đang xây dựng dở dang, các cô vẫn phải đưa học sinh vào học tạm. “Ai nấy đều mong điểm trường này sớm được hoàn thiện, để cô và trò yên tâm dạy học. Hiện các phòng học chưa có cửa, điện sáng và sân chơi… nên giáo viên vừa dạy vừa nhắc nhở, theo sát trò để bảo đảm an toàn”, cô Nhàn tâm sự.
Nỗi lo an toàn
Quãng đường từ trung tâm thị trấn Mường Lát vào bản Ón mặc dù chỉ hơn 20km, nhưng các cô giáo mầm non ở đây phải di chuyển mất khoảng hai giờ. Nếu hôm nào gặp trời mưa, các cô chọn cách “đi bộ cho nhanh”, bởi cung đường nhiều dốc cao, khúc khuỷu.
Cô giáo Nguyễn Thị Nhàn (Trưởng khu Mầm non bản Ón), người huyện Yên Định lên Mường Lát công tác từ năm 2013. Cũng vì điểm lẻ bản Ón là nơi khó khăn, vất vả nên mỗi năm nhà trường phân công giáo viên luân phiên vào đây dạy. Cứ như vậy, tất cả giáo viên của nhà trường đều có nghĩa vụ và trách nhiệm đối với điểm trường khó khăn này.
Cũng như cô Nguyễn Thị Nhàn, cô Dương Thị Nhàn, quê ở xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc lên Mường Lát từ năm 2012. Để yên tâm công tác ở bản Ón, vợ chồng cô Nhàn bàn bạc, thống nhất gửi đứa con út mới lên 3 tuổi về quê nhờ ông bà chăm sóc. Chồng cô Dương Thị Nhàn cũng là giáo viên, dạy ở Trường THCS thị trấn Mường Lát. “Chồng em dạy ở trường thị trấn, hai bố con tự chăm lo cho nhau. Còn em, cuối tuần về thăm chồng, con và chuẩn bị lương thực, thực phẩm cho tuần công tác tiếp theo ở đây”, cô Nhàn bộc bạch.
Đem câu chuyện trường xây dựng dở dang hỏi ông Cao Văn Cường – Chủ tịch UBND huyện Mường Lát, ông Cường cho hay: Điểm trường Mầm non bản Ón được khởi công xây dựng từ tháng 6/2017, với quy mô 3 phòng kiên cố. Tuy nhiên, do điều kiện xa xôi, đường vào bản lại bị sạt lở nhiều vì mưa lũ, đến nay vẫn chưa hoàn thiện được. Chủ tịch huyện cũng hứa trong thời gian sớm nhất, sẽ chỉ đạo UBND xã Tam Chung (đơn vị làm chủ đầu tư) đôn đốc nhà thầu hoàn thiện những hạng mục còn lại, để nghiệm thu, bàn giao công trình cho địa phương quản lý, sử dụng.
“Dù biết rằng, công trình chưa được hoàn thiện, nghiệm thu, bàn giao... nhưng vẫn phải đưa học sinh vào học tạm là mất an toàn. Thế nhưng, do điều kiện thực tế, không có địa điểm cho các cháu học tập, nên địa phương phải chấp nhận”, ông Cường cho hay.
Tính đến thời điểm này, công trình lớp học mầm non bản Ón đã chậm tiến độ kéo dài sang năm thứ 3. Thế nhưng, chủ đầu tư vẫn đang loay hoay tìm cách đốc thúc nhà thầu khẩn trương hoàn thiện. Theo tìm hiểu của chúng tôi, các hạng mục của công trình bị bỏ dở dang, gồm: Hệ thống nhà vệ sinh, cửa, điện, sân trường… Trong khi đó, phía chủ đầu tư là UBND xã Tam Chung đã chấp thuận cho nhà thầu ứng hết số tiền đầu tư công trình. “UBND xã Tam Chung là đơn vị chủ đầu tư đã nhiều lần liên hệ với nhà thầu, đề nghị lên hoàn thiện. Thế nhưng, họ hẹn mãi và chưa thực hiện. Còn việc cho nhà thầu ứng hết tiền, là do chủ đầu tư cũng muốn khuyến khích nhà thầu thi công khẩn trương. Trách nhiệm này là do chủ đầu tư.
Vì thế, chúng tôi tiếp tục yêu cầu nhà thầu lên hoàn thiện nốt những hạng mục còn lại, để sớm bàn giao cho địa phương quản lý, sử dụng”, ông Hà Văn Thiếu - Chánh Văn phòng Huyện ủy Mường Lát, nguyên Chủ tịch UBND xã Tam Chung nói.
Trên đường trở về xuôi, tôi nhớ đến hình ảnh những cô giáo, học sinh của điểm trường Mầm non bản Ón, đang phải học trong điều kiện mất an toàn. Trong tôi, bất chợt có một cảm giác lo lắng. Bởi lẽ, ngôi trường ấy, lớp học ấy hiện không có một điều kiện gì bảo đảm cho giáo viên và học sinh. Và, tôi chỉ hy vọng, điểm trường dưới đỉnh dãy Pha Luông đại ngàn, xa xôi ấy sớm hoàn thiện, giáo viên và học sinh được học trong môi trường an toàn.