Cuối năm ngoái, khi Bộ Xây dựng trình Chính phủ Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, nhiều người tỏ ra hoài nghi về tính khả thi của mục tiêu này.
Nói cách khác, đây được cho là mục tiêu quá tham vọng, khi việc phát triển nhà ở xã hội đang khó trăm bề: Thiếu vốn, chính sách chồng chéo và thủ tục vô cùng phức tạp.
Tuy nhiên, vào thời điểm này, giấc mơ “an cư lạc nghiệp” của người lao động trên cả nước, nhất là ở những thành phố lớn, có vẻ bớt xa vời hơn khi đang manh nha những lối ra cho phân khúc này.
Tại hội nghị tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết 4 ngân hàng thương mại Nhà nước đã thống nhất có một gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng dành cho cả doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và người mua. Lãi suất cho vay sẽ thấp hơn 1,5 - 2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ.
Quy mô gói tín dụng này được kỳ vọng sẽ còn lớn hơn, bởi Ngân hàng Nhà nước chủ trương khuyến khích các ngân hàng khác tham gia. Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước khẳng định, các ngân hàng tham gia chương trình tín dụng ưu đãi cho nhà ở xã hội bị thiếu hụt thanh khoản thì sẵn sàng tái cấp vốn.
Đặc biệt, những nút thắt chính sách có thể sẽ được gỡ bỏ nếu Chính phủ trình và được Quốc hội thông qua một Nghị quyết thí điểm một số chính sách đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội. Hiện tại, các chính sách mới đã được đề cập trong dự thảo Nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Cụ thể, sẽ thực hiện giao đất không thu tiền sử dụng đất, chủ đầu tư được chuyển nhượng nhà ở xã hội gắn với chuyển quyền sử dụng đất; địa phương chịu trách nhiệm bố trí và đảm bảo quỹ đất.
Việc chọn chủ đầu tư sẽ thông qua đấu thầu hoặc chấp nhận chủ trương đầu tư nếu có quyền sử dụng đất phù hợp quy hoạch. Chính quyền địa phương, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư tại khu công nghiệp.
Cùng với đó, chủ đầu tư được sử dụng diện tích sàn làm dịch vụ, thương mại, công cộng và hoạch toán riêng, được hưởng toàn bộ lợi nhuận. Giá bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội sẽ được xác định đủ chi phí gồm bảo trì nhà ở, thu hồi vốn đầu tư xây dựng, lãi vay (nếu có), các chi phí hợp lý, lợi nhuận định mức và không tính các khoản ưu đãi của Nhà nước. Phương án giá do chủ đầu tư xây dựng trình cơ quan có thẩm quyền.
Để có vốn phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội tới năm 2030, Chính phủ cũng sẽ đề xuất Quốc hội dành gói tín dụng 110 nghìn tỷ đồng cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo hình thức tái cấp vốn. Một nửa gói tín dụng này dành cho chủ đầu tư; nửa còn lại dành cho người mua và thuê mua.
Có thể nói, những đề xuất trên đây đã hóa giải phần lớn khó khăn hiện nay trong phát triển nhà ở xã hội.
Vấn đề còn lại, nhưng không kém phần quan trọng, là sau khi chính sách được ban hành, các thủ tục hành chính kèm theo đó có đơn giản, gọn nhẹ và thuận tiện cho cả doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội và người mua hay không!
Dù có nhiều ưu đãi nhưng các thủ tục hành chính liên quan đến thiết lập dự án, xây dựng dự án và mua nhà lại phức tạp và tốn nhiều thời gian của chủ đầu tư, của người lao động thì mục tiêu 1 triệu nhà ở xã hội khó thành hiện thực.