“Lời nói, đọi máu”

GD&TĐ - Ví người bán hàng rong với “ký sinh trùng”, dù vô tình hay cố ý thì sự miệt thị, khinh thường đối với những thân phận nghèo khổ đã rõ như ban ngày.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Có thể nói, khán giả cả nước phải giật mình khi nghe biên tập viên Bản tin Tài chính kinh doanh phát sóng sáng 17/8 trên kênh VTV1 ví những gánh hàng rong là những “ký sinh trùng” trên đường phố.

Biên tập viên Anh Quang sau đó đã gửi lời xin lỗi trên trang Facebook cá nhân Wang Phố Cổ: “Trong lúc dẫn bản tin sáng nay về câu chuyện mưu sinh của các gánh hàng rong tại TPHCM thời dịch Covid-19, do sơ suất, tôi đã đọc nhịu một câu dẫn, khiến khán giả xem truyền hình bị hiểu sai nội dung muốn truyền tải, gây ra những sự phản cảm không đáng có”.

Xin lỗi là điều cần thiết phải có sau phát ngôn phản cảm này. Nhưng thành thật mà nói, xin lỗi chỉ có tác dụng xoa dịu dư luận và sự bức xúc của khán giả mà thôi. Còn đối với những người bán hàng rong, ba chữ “ký sinh trùng” như vết dao đâm vào tim, cắt vào thịt mà chẳng có thuốc chữa lành. 

Cứ cho là biên tập viên “đọc nhịu”. Kiểu nhịu này cũng thường gặp, mà lỗi ở lỗ hổng kiến thức. “Ký sinh” và “ký sinh trùng” là hai khái niệm khác nhau. Ký sinh, là một trạng từ, chỉ trạng thái sống dựa vào vật khác. Ví như loài phong lan là loài thực vật ký sinh trên những cây cổ thụ. Còn “ký sinh trùng” là danh từ chỉ những sinh vật cụ thể (như vi khuẩn, giun, sán) sống bám vào vật chủ.

Nếu như nghĩa bóng của “ký sinh” là “ăn bám”, thì ví người bán hàng rong là “ký sinh” còn nặng nề hơn “ăn bám”. Bởi bản chất của người bán hàng rong không phải là ăn bám. Vì rất nghèo, nên họ chỉ có thể buôn bán nhỏ. Vì nghèo nên vốn liếng không nhiều mới phải nay đây mai đó. Tuyệt đối không thể dùng khái niệm “ký sinh” để nói về họ.

Sự cố này cho thấy ban biên tập đài truyền hình không chỉ cẩu thả, mà còn lộ rõ sự non kém về kiến thức nền. Nhưng có lẽ chẳng trách được nhiều, vì nhìn rộng ra đó chẳng phải là thực trạng xã hội hay sao? Từ điển chính tả, một ấn phẩm mang tính quy chuẩn còn nhan nhản lỗi sai. Đâu đó vẫn xuất hiện những tựa đề sách báo sai nghĩa, tối nghĩa; những phát ngôn hàm hồ được vọng ra từ chính miệng người có trách nhiệm văn hóa.

“Lời nói, đọi máu”, đừng chỉ nhìn lên mà không nhìn xuống. Chúng ta không thể đổ lỗi cho xã hội, cho nền giáo dục… vì biển học rộng mênh mông. Học trong nhà trường làm sao đã đủ, học ngoài xã hội cả đời cũng chưa hết. Trên chặng đường của một con người, vấn đề tự học và ý thức trau dồi tri thức là hành trang cần thiết nhất. Bởi vậy, các cụ xưa đúc rút “học ăn, học nói, học gói, học mở”. Không học làm sao thành người? Không học sao biết trân trọng con người? Và cuối cùng, dù ở địa vị phẩm hàm nào, cũng đừng để người đời phải đánh giá “lắm chữ mà vô học”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ