Dự kiến, quyết định về việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 được Thủ tướng ký trong tuần này và có hiệu lực ngay khi ký. Như vậy, gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng sẽ sớm được giải ngân tới 20 triệu đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch.
Người lao động cần làm thủ tục gì?
Theo nguồn tin của Báo Giao thông, dự thảo Quyết định quy định về việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (dự thảo Quyết định) đã được Bộ LĐ-TB&XH hoàn tất ngay trong cuối tuần qua theo trình tự thủ tục rút gọn.
Để hoàn thiện dự thảo Quyết định trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đã gửi công văn hỏa tốc tới các bộ, ngành liên quan đề nghị tham gia ý kiến góp ý. “Văn bản góp ý gửi về Bộ LĐ-TB&XH trước 16h ngày 13/4 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Hết thời hạn nêu trên, Bộ LĐ-TB&XH chưa nhận được văn bản góp ý thì được hiểu là các cơ quan đã đồng ý với dự thảo Quyết định”, công văn nêu rõ.
Được biết, dự thảo Quyết định quy định rõ về điều kiện, mức hỗ trợ, thời gian, phương thức chi trả, hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện việc hỗ trợ những người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra. Theo đó, tùy từng đối tượng, người lao động sẽ được hỗ trợ từ 1 - 1,8 triệu đồng/tháng, trong vòng không quá 3 tháng kể từ tháng 4 - 6/2020.
Cụ thể, đối với người lao động có hợp đồng bị tạm nghỉ hoặc nghỉ việc không lương do doanh nghiệp gặp khó khăn bởi dịch Covid-19 sẽ được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/tháng, khi đáp ứng đủ 4 điều kiện: Thời gian tạm hoãn, nghỉ không hưởng lương từ 1 tháng liên tục trở lên tính từ ngày 1/4 đến hết ngày 30/6; Có văn bản thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương; Đã tham gia BHXH bắt buộc đến trước thời điểm tạm hoãn hoặc nghỉ việc không hưởng lương.
Khi đã đủ điều kiện, người lao động có đơn đề nghị được hỗ trợ trong thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương gửi đến người sử dụng lao động.
Doanh nghiệp gửi danh sách đến đâu?
Sau khi nhận được đơn của người lao động, người sử dụng lao động lập bảng tổng hợp danh sách và công khai bảng tổng hợp danh sách tại doanh nghiệp; đề nghị tổ chức công đoàn cơ sở (nếu có) xác nhận; đề nghị cơ quan BHXH xác nhận.
Đối với người sử dụng lao động có quy mô dưới 100 người lao động, gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến phòng LĐ-TB&XH địa phương. Đối với người sử dụng lao động có quy mô từ 100 lao động trở lên thì gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến sở LĐ-TB&XH địa phương.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ, cơ quan LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với cơ quan tài chính, BHXH và các cơ quan liên quan thẩm định, trình chủ tịch UBND cùng cấp ban hành quyết định hỗ trợ.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày chủ tịch UBND quyết định, cơ quan tài chính có trách nhiệm chuyển tiền cho doanh nghiệp để thanh toán tiền hỗ trợ cho người lao động.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc (đối với người sử dụng lao động có quy mô dưới 100 người lao động) và 10 ngày làm việc (đối với người sử dụng lao động có quy mô từ 100 người lao động trở lên) kể từ ngày cơ quan tài chính chuyển tiền, doanh nghiệp có trách nhiệm thanh toán đầy đủ cho người lao động đúng theo danh sách đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Lao động tự do diện nào được hỗ trợ?
Đối với người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, sẽ được hưởng 1 triệu đồng/người/tháng, khi đáp ứng đủ các điều kiện: Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 1/4 đến hết ngày 30/6 (trừ các trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng); Đang đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Để được nhận hỗ trợ, người lao động nộp hồ sơ đề nghị trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến trung tâm dịch vụ việc làm thuộc sở LĐ-TB&XH nơi đang cư trú thẩm định và trình giám đốc sở LĐ-TB&XH quyết định. Trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do trung tâm dịch vụ việc làm trình, giám đốc sở LĐ-TB&XH xem xét, ban hành quyết định hỗ trợ cho người lao động. Trong thời hạn 3 ngày kể từ khi nhận quyết định, trung tâm dịch vụ việc làm công khai danh sách và chi trả cho người lao động.
Đối với người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng khi có đủ các điều kiện sau: Không có đất sản xuất nông nghiệp; Mất việc làm và không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn mức chuẩn nghèo quốc gia; Có hộ khẩu thường trú hoặc có đăng ký tạm trú từ 3 tháng trở lên trước ngày 1/4 tại địa phương đề nghị hỗ trợ.
Đáng lưu ý, đối tượng này phải thuộc một trong những công việc sau: Người bán hàng rong; Lao động thu gom rác; Người làm nghề bốc vác, vận chuyển hàng hóa; Lái xe mô tô 2 bánh chở khách, xe xích lô; Người bán lẻ vé số lưu động; Người lao động tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe... Ngoài ra, căn cứ vào điều kiện và tình hình thực tế, các địa phương quyết định bổ sung các đối tượng khác và chi trả hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác.
Hàng tháng, lao động tự do có đủ điều kiện có nhu cầu hỗ trợ, trực tiếp kê khai theo mẫu gửi UBND xã nơi cư trú hợp pháp. UBND cấp xã tổ chức rà soát, đánh giá và lập danh sách với sự tham gia của đại diện các tổ chức chính trị - xã hội, đại diện cộng đồng dân cư; Niêm yết công khai trong 55 ngày làm việc tại trụ sở; Tổng hợp danh sách, kèm theo hồ sơ đề nghị của từng người lao động gửi phòng LĐ-TB&XH.
Trong thời gian 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, phòng LĐ-TB&XH thẩm định, trình chủ tịch UBND cấp huyện quyết định.
DN khó khăn được vay vốn lãi suất 0%
“Hộ nghèo được hỗ trợ 250.000 đồng/người/tháng
Theo Dự thảo Quyết định, người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng, thân nhân người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng hàng tháng, sẽ được hỗ trợ mức 500.000 đồng/người/tháng, trong 3 tháng kể từ tháng 4 - 6/2020, phương thức chi trả một lần.
Cách thức và mức hỗ trợ trên cũng áp dụng với đối tượng bảo trợ xã hội.
Đối với người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trong danh sách rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo đến ngày 31/12/2019 của địa phương, UBND cấp xã tổ chức việc chi trả 250 nghìn đồng/người/tháng trong vòng 3 tháng. Việc chi trả phải xong trước ngày 1/7/2020.”
Dự thảo Quyết định cũng đưa ra trình tự thủ tục hỗ trợ đối với chủ sử dụng lao động gặp khó do dịch Covid-19. Cụ thể, DN khó khăn về tài chính có từ 20 - 30% lao động làm việc theo hợp đồng lao động trở lên đã phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động trong khoảng thời gian từ ngày 1/4 đến ngày 30/6 được vay vốn với lãi suất 0%/ năm,
Trường hợp chưa trả tại thời điểm đề nghị vay thì phải có cam kết trả đủ ít nhất 50% tiền lương ngừng việc và chỉ được giải ngân khi đã trả đủ ít nhất 50% tiền lương ngừng việc.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ vay vốn, Ngân hàng Chính sách xã hội nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở hoặc chi nhánh hoặc địa điểm kinh doanh tiến hành thẩm định và quyết định cho vay. Mức vay tối đa được xác định bằng số người lao động thực tế ngừng việc nhân với 50% mức lương tối thiểu vùng nhân với thời gian thực tế ngừng việc của người lao động nhưng tối đa không quá 3 tháng.
Ngoài ra, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 dẫn đến phải cho nghỉ việc từ 50% số lao động tham gia BHXH trở lên so với thời điểm tháng 1/2020 thì người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian tạm dừng là 6 tháng, tính từ tháng mà người sử dụng lao động có văn bản đề nghị.
Đối với hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh trong thời gian từ ngày 1/4 đến 30/6, được hưởng mức hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ/tháng, tối đa không quá 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6/2020. Hàng tháng, hộ kinh doanh gửi hồ sơ đề nghị về UBND cấp xã nơi đăng ký địa điểm kinh doanh thẩm định. Sau 5 ngày, chủ tịch UBND cấp huyện sẽ quyết định.
Trục lợi chính sách có thể bị xử lý hình sự
Theo dự thảo Quyết định, việc hỗ trợ bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách.
Khi thực hiện hỗ trợ, phải thực hiện ban giám sát gồm đại diện MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, HĐND các cấp. Người lợi dụng chính sách hỗ trợ quy định để trục lợi, vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà phải bồi thường, bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
3,5 triệu lao động có thể mất việc làm
Theo Bộ LĐ-TB&XH, dịch Covid-19 đã và đang tác động, ảnh hưởng toàn diện đến nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế nước ta.
Theo ước tính sơ bộ, 19% doanh nghiệp đã tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô; 98% lao động khu vực du lịch, dịch vụ nghỉ việc; 78% lao động ngành vận tải, giày da, dệt may bị giảm việc, giãn việc hoặc ngừng việc; 98% lao động hàng không tạm nghỉ việc. Hàng triệu người lao động đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là lao động giản đơn, thu nhập thấp, không thường xuyên.
“Dự báo trong tháng 4, tháng 5 dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, ước khoảng 2 triệu lao động ngừng việc, mất việc làm; trường hợp dịch bệnh bùng phát mạnh sẽ có khoảng 3,5 triệu lao động ngừng việc, mất việc làm”, đại diện Bộ LĐ-TB&XH thông tin.