Nắm cách thức làm bài của từng dạng
Đề thi bao giờ cũng có các dạng bài chính như: phát âm, trọng âm, lựa chọn đáp án đúng về từ vựng ngữ pháp, tìm từ đồng nghĩa, trái nghĩa, tìm lỗi sai, đọc hiểu chọn từ, đọc hiểu thông tin để khoanh đáp án đúng, tìm câu tương đương.
Với mỗi dạng, đề có thể cho các mảng kiến thức khác nhau, đòi hỏi học sinh không chỉ dừng lại ở nhận biết kiến thức mà còn có khả năng thông hiểu và vận dụng.
Với dạng phát âm, thí sinh cần biết cách đọc của những từ thông dụng (high frequency words), biết cách đọc âm đuổi “s” “ed” sau các từ.
Đề lần 1 cũng có 1 câu liên quan đến phát âm âm đuổi “s”, thí sinh cần nắm thật chắc quy tắc của mục này.
Với dạng bài từ vựng và ngữ pháp, thông thường sẽ có 3 mức độ, đó là những câu nhận biết đơn giản như thì, câu điều kiện, liên từ, bị động, số ít số nhiều, lượng từ (a little, few, few, a lot of, much, many).
Ngoài ra, sẽ có những câu ở mức độ nâng cao hơn, như: dạng của từ, cụm động từ, cụm giới từ, những cấu trúc đặc biệt.
Một số ví dụ như: các cấu trúc về động từ đuôi “ing” ( it’s no use…, It’s worth…There is no point in….); hay những cụm như would rather, would prefer, too….to, enough …to.
Cấp độ 3 là cụm collocations hoặc thành ngữ. Phần này dành cho những bạn có vốn từ rộng và mở rộng. Nếu mục tiêu là điểm 7 điểm 8 thì không cần quá lo lắng nếu còn chưa tự tin về mảng này.
Một lưu ý nhỏ khi làm dạng này là hãy tin vào trực giác, chọn đáp án nào mình nghe thấy hợp lý nhất, và nhớ dù không biết vẫn nên khoanh đầy đủ các câu vì tỉ lệ đúng là 25% nhé.
Với dạng bài kiểm tra về nghĩa của từ, lưu ý là có 2 mảng: nghĩa giống nhau và nghĩa trái ngược nhau. Thí sinh nhớ đọc thật kĩ đề vì rất nhiều bạn mất điểm khi không để ý đề bài, khoanh vào câu cùng nghĩa thay vì trái nghĩa như yêu cầu.
Bí quyết vượt qua phần đọc hiểu
Trong bài thi tốt nghiệp THPT, phần lớn thí sinh đều sợ nhất phần đọc hiểu. Với dạng này, thí sinh hãy dành thời gian đọc lại nhiều lần bài đọc. Bởi khi đọc lại nhiều lần sẽ hiểu hơn rất nhiều so với việc chỉ đọc qua 1 lần. Nhiều thí sinh có thói quen đọc xong làm luôn, chọn luôn đáp án và không đọc lại.
Với dạng bài đọc hiểu chọn từ điền vào chỗ trống, thí sinh lưu ý đến việc phân tích ngữ pháp và nghĩa của các câu.
Kiến thức kiểm tra nhiều nhất trong dạng bài này là liên từ (câu trước câu sau liên quan đến nhau thế nào), dạng của từ (cụm danh từ, vị trí của danh động tính trạng), từ chỉ lượng (đi với danh từ số ít hay số nhiều), thì (các động từ chia ở hiện tại hay quá khứ, quá khứ đơn hay quá khứ hoàn thành), mệnh đề quan hệ (các đại từ quan hệ), đại từ tính từ sở hữu và đôi khi là sự hòa hợp giữa chủ ngữ và động từ.
Chỉ cần nắm chắc những mảng kiến thức như trên thì thí sinh hoàn toàn có thể lấy trọn điểm bài đọc này.
Một dạng khác của đọc hiểu là đọc hiểu lấy thông tin và trả lời câu hỏi bên dưới. Thông thường bài đọc sẽ hỏi các câu hỏi thông tin chi tiết và thông tin tổng quát, ý kiến quan điểm tác giả, câu đúng câu sai.
Làm dạng bài này, thí sinh hãy dùng các đọc scan và skim. Hãy đọc câu hỏi trước, gạch chân những từ khóa để nắm được nội dung câu hỏi là gì. Sau đó hãy đọc nhanh, đọc lướt bài đọc, đến khi bắt gặp nội dung cần tìm thì sẽ đọc kĩ lại để xác định đáp án. Nếu chưa chắc, có thể chuyển qua câu tiếp theo và quay trở lại với câu hỏi mà mình còn cảm thấy băn khoăn sau khi đã đọc bài kĩ hơn.
Dạng cuối cùng, dạng tìm câu tương đương. Thí sinh nhớ ôn thật kĩ các cấu trúc của câu tường thuật, câu điều kiện, bị động và mệnh đề quan hệ.
Thông thường, để đạt điểm bài này, thí sinh có thể dùng phương pháp loại trừ. Các lỗi cơ bản của học sinh khi mất điểm phần này là không đọc kĩ đề bài nên chưa chọn chính xác.
Lỗi tiếp theo là không chắc kiến thức nên không rõ cấu trúc viết lại là đúng về ngữ pháp hay chưa. Vậy thí sinh hãy khắc phục bằng cách đọc thật kĩ, dùng phương pháp loại trừ, và nhớ là kiểm tra lại bài thật cẩn thận trước khi nộp bài.