Chuỗi các hoạt động từ nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác… sẽ mở ra cho sinh viên hàng nghìn cơ hội việc làm tại các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, công ty vận tải hàng hóa lớn nhỏ, và xuất nhập khẩu.
Tiềm năng lớn
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), tốc độ phát triển của ngành Logistics ở Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14% - 16%, với quy mô khoảng 40 - 42 tỷ USD/năm. Tham gia thị trường logistics, ngoài doanh nghiệp trong nước còn có hơn 25 tập đoàn giao nhận hàng đầu thế giới cung cấp dịch vụ xuyên quốc gia như: DHL, FedEx, Maersk Logistics, APL Logistics...
Cùng với tăng trưởng kinh tế, sự bùng nổ của thương mại điện tử thời 4.0 giúp các doanh nghiệp sản xuất có thêm nhiều kênh phân phối hàng hóa nội địa và quốc tế, đưa sản phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng. Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), thương mại điện tử tăng trưởng 35%/năm; quy mô thị trường năm 2017 đạt 6,2 tỷ USD, tăng trưởng 24%, số lượng đơn hàng qua công ty giao hàng nhanh tăng trưởng trung bình 45% giai đoạn 2015 - 2020 và có thể đạt 530 triệu đơn hàng vào năm 2020. Nhiều doanh nghiệp bán lẻ như Vincommerce, Thế giới di động, FPT, Lotte, Aeon... đang định hướng phát triển E-commerce, hay việc các ông lớn ngành thương mại điện tử như Alibaba, Amazon... gia nhập vào Việt Nam đã làm thị trường logistics sôi động hơn.
Theo thông tin từ Viện Nghiên cứu & Phát triển Logistics Việt Nam, năm 2019, các doanh nghiệp dịch vụ logistics cần thêm 18.000 lao động, trong khi doanh nghiệp sản xuất, thương mại cần trên một triệu nhân sự có chuyên môn. Theo dự báo, đến năm 2030 Việt Nam cần hơn 200.000 nhân sự có kỹ năng cho ngành này. Điều này cho thấy, lĩnh vực logistics đã, đang và sẽ thu hút nhiều lao động chuyên môn cao trong tương lai, đặc biệt là khu vực phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long.
Đón đầu xu thế
Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đều chú trọng phát triển đồng bộ cảng nước sâu và hệ thống logistics. Để thực hiện mục tiêu quy hoạch phát triển, đòi hỏi nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đang đặt ra. Tuy nhiên, trên cả nước hiện có rất ít trường đào tạo ngành học này. TP Hồ Chí Minh mới có 2 trường đào tạo, còn ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ thì hoàn toàn vắng bóng.
Theo PGS.TS Phạm Tiết Khánh, Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh, Đồng bằng sông Cửu Long được xem là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước, đóng góp 40% giá trị sản xuất nông nghiệp. Hằng năm, tổng nhu cầu vận chuyển hàng hoá xuất - nhập khẩu của vùng khoảng 19 - 20 triệu tấn. Theo kết quả khảo sát 100 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản vùng năm 2019, hầu hết đều thuê ngoài. Trong đó, dịch vụ logistics truyền thống như vận tải (quốc tế và nội địa), giao nhận, kho bãi và lưu trữ hàng hóa và khai hải quan được thuê ngoài nhiều nhất (từ 50 - 99% doanh nghiệp được hỏi).
Trước thực tế đó, Trường Đại học Trà Vinh sớm triển khai đào tạo chuyên ngành Quản lý dịch vụ Logistics với hình thức Co-op. Đây là chương trình có sự liên kết đào tạo với các doanh nghiệp lớn trong ngành. Với 1/3 thời gian đào tạo cho phép sinh viên làm việc tại các doanh nghiệp như nhân viên tập sự sẽ trang bị kỹ năng chuyên môn ở các vị trí việc làm và đồng thời nâng cao cơ hội việc làm cho các em sau khi ra trường.
Chuyên ngành Quản lý dịch vụ Logistics (theo mô hình Co-op) cùng ngành Kinh tế Ngoại thương và Quản lý Kinh tế được tuyển sinh trên toàn quốc thông qua 4 phương thức tuyển sinh: Kết quả học tập THPT (học bạ), thi THPT các tỉnh, dựa vào kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM và xét tuyển thẳng ở các tổ hợp môn A00 (Toán, Vật lý, Hoá học), A01 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh), C01 (Ngữ văn, Toán, Vật lý) và D01 (Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh).
PGS.TS Diệp Thanh Tùng, Trưởng khoa Kinh tế - Luật, Trường Đại học Trà Vinh, chia sẻ: “Với việc mở ngành học này, chúng tôi đang đón đầu xu thế mới, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho khu vực, giúp người học tiếp cận với ngành học mới, có cơ hội việc làm tốt”.
Logistics là dịch vụ cung cấp, vận chuyển hàng hóa tối ưu nhất từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng. Công việc của các công ty logistics là lên kế hoạch cụ thể, kiểm soát sự di chuyển của hàng hóa hay thông tin về nguyên liệu từ điểm xuất phát đến điểm tiêu thụ theo yêu cầu khách hàng đặt ra. Để cạnh tranh hiệu quả trong ngành này, các công ty phải luôn cải tiến và chú trọng đến yếu tố số lượng, chất lượng, thời gian và giá cả dịch vụ. Bên cạnh nghiệp vụ giao - nhận, ngành logistics còn bao gồm những hoạt động khác như bao bì, đóng gói, kho bãi, lưu trữ, luân chuyển hàng hóa, xử lý hàng hỏng… Nếu làm tốt ở khâu logistics này, các doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí về vận chuyển, từ đó giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh và lợi nhuận cho công ty.